Tết mà mấy ngàn vụ đánh nhau, vì sao?
VOV.VN -Chỉ trong 5 ngày nghỉ Tết, cả nước đã ghi nhận 3.442 ca khám, cấp cứu do đánh nhau. Thực ra, con số này cũng không gây bất ngờ khi nhìn cách ứng xử của rất nhiều người Việt hiện nay…
Trong nhưng ngày cả nước đang vui đón Xuân mới, một trong những thông tin không vui là chỉ trong 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi từ ngày 2/2 (28 Tết) đến sáng ngày 7/2 (mùng 3 Tết), các cơ sở y tế trên cả nước đã ghi nhận 3.442 ca khám, cấp cứu tai nạn do đánh nhau, 1.820 ca phải nhập viện điều trị, theo dõi, thậm chí có ca tử vong.
Thực ra, con số này cũng không quá gây bất ngờ khi nhìn cách ứng xử của rất nhiều người Việt ở trên đường và ở nơi công cộng. Nhiều người khi tham gia giao thông, đường sá cứ như của riêng nhà mình, tha hồ chen lấn, xả rác, khạc nhổ… Nếu được nhắc thì họ nhìn người nhắc nhở như ở trên trời rơi xuống, có khi còn tỏ vẻ bực bội, khó chịu, thậm chí nhiều vụ án mạng đã xảy ra từ những việc cỏn con như vậy.
(ảnh minh hoạ- internet) |
Chuyện “động chân, động tay” nhiều đến nỗi bất cứ chuyện gì người ta cũng có thể xông vào đánh nhau. Ra đường, nhìn nhau không cẩn thận cũng bị cho là nhìn đểu và có thể dẫn đến xô xát. Vào viện, bác sỹ chưa phục vụ kịp theo yêu cầu của bệnh nhân cũng có thể bị người nhà bệnh nhân truy sát. Trong đám cưới, tranh nhau hát cũng có thể xảy ra án mạng. Trên bàn nhậu, chúc rượu không uống hết cũng có thể bị giết… Thậm chí anh chị em trong nhà chỉ vì tranh cãi trong bữa ăn cũng dễ dàng xông vào đánh, chém lẫn nhau….
Vì sao người Việt lại dễ hung hăng đến như vậy? Trước hết là do thói xấu của “một bộ phận không nhỏ” người Việt. Không chỉ xấu xí khi tham gia giao thông, ở nơi công cộng mà là từ trong ý thức, tư tưởng của rất nhiều người.
Khi vào bệnh viện hay chỗ nào cần xếp hàng, nhiều người sẵn sàng dùng “thủ đoạn” để được lên trước. Có lần con gái tôi bị đau ruột thừa, phải xếp hàng chờ siêu âm ở một bệnh viện có tiếng ở Hà Nội. Khi đến phòng siêu âm, số thứ tự của con gái tôi chỉ cách người đang khám chỉ hơn chục người, nhưng hơn 2 tiếng sau, con gái tôi mới được vào khám. Vào trong phòng khám, tôi mới vỡ ra ở đây còn có một cửa ngách, nhiều người chỉ việc kẹp tiền vào giữa quyển sổ và đi bằng cửa này là được “ưu tiên”.
Một bộ phận người Việt xấu xí trong chính sự thờ ơ, vô cảm của mình. Khi ra đường, họ sẵn sàng đi qua khi thấy người khác gặp nạn, sẵn sàng lao vào hôi của khi ai đó không may làm rơi đồ ra đường. Đến ngay cả nơi cửa Phật, nhiều người còn quay lại quát nạt những người tàn tật, ăn xin lỡ làm phiền họ…
Rồi đến việc xin học cho con, không ít người sẵn sàng đi “cửa sau”, phong bao, phong bì, lo lót để con được vào trường điểm, lớp chọn. Đến cả điểm thi vào Đại học, thi học sinh giỏi… người ta cũng sẵn sàng gian lận. Khi đi làm thủ tục hành chính, có lót tay, phong bao, phong bì… thì đỡ bị hành, công việc được trôi chảy.
Trong cơ quan công quyền, việc chạy chức, chạy quyền, chạy thành tích không còn là chuyện râm ran cửa miệng mà đã là chuyện đang xảy ra ở “một bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hoá biến chất”. Nó nguy hiểm đến mức Đảng ta và người đứng đầu Đảng ta coi việc dẹp bỏ tình trạng này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Ngoài nhiều tính xấu xí đang ngự trị trong không ít người Việt, còn có nguyên nhân quan trọng là đa số người Việt không nắm rõ luật. Họ không biết quyền và nghĩa vụ của mình đến đâu, thực hiện như thế nào. Nhiều vị ĐBQH đã từng phải thốt lên “chúng ta có hàng nghìn luật, nhưng chủ yếu mọi người hành xử với nhau bằng luật rừng”.
Cùng với đó, việc thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng cũng chưa nghiêm khiến cho nhiều người bị “nhờn” luật. Trong một số vụ án, việc đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật vẫn còn hạn chế làm nhiều người thiếu lòng tin vào các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Điều dễ thấy nhất là khi ra đường, vẫn phổ biến tình trạng người vi phạm giao thông “xin”, gọi điện cho "người thân", hoặc “lót tay” CSGT để được bỏ qua. Nhiều người vẫn có tâm lý “chạy chọt”, trong đó có cả “chạy tội” nên họ sẵn sàng coi trời bằng vung.
Vì thế, khi chưa có giải pháp hữu hiệu để thay đổi ý thức của một bộ phận người Việt xấu xí, cùng với việc tuyên truyền pháp luật, xây dựng ý thức thực hiện pháp luật là văn hoá thường ngày trong mọi người dân, giải pháp quan trọng nhất và cần phải thực hiện nghiêm là không có “vùng cấm”, xử lý quyết liệt những người vi phạm.
Có như thế, những kẻ “hung hăng” và sắp “hung hăng” mới thực sự thấy rằng “chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người mặt vàng như nghệ”./.
Đến lúc phải kiểm soát quyền lực ở trường học
Khi sự “xấu hổ” trở nên xa xỉ