Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất

Thắm đượm tình đoàn kết các dân tộc

Với tinh thần “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”, Đại hội thực sự là ngày hội của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên những chuyển biến mới trong các tầng lớp nhân dân về sự nghiệp dân tộc thời kỳ mới  

<< Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số thành công tốt đẹp
<< Khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ I

Trong 2 ngày 12-13/5, tại thủ đô Hà Nội diễn ra Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất. Đại hội được tổ chức trong không khí thắm đượm tình đoàn kết của 54 dân tộc anh em trong cả nước.

Đại hội đã tạo được sự nhất trí cao về quan điểm, chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc. Đại hội đã nhận được những ý kiến nhiệt huyết và có trách nhiệm cao của các đại biểu đối với sự nghiệp phát triển của dân tộc.

Các đại biểu dự Đại hội

Một nội dung được nhiều đại biểu đề cập tới trong những ngày diễn ra Đại hội là vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo các đại biểu, Đại hội không chỉ là ngày hội của riêng các dân tộc thiểu số mà là ngày hội lớn của chung cả khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ngay đầu diễn văn tại Đại hội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã kêu gọi mỗi chúng ta, già hay trẻ, gái hay trai, dân tộc thiểu số hay đa số, đều ghi nhớ mãi lời dạy tâm huyết của Bác Hồ: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Êđê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt… Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.

Những năm qua, hệ thống cơ sở vật chất cho vùng đồng bào các dân tộc được cải thiện rõ rệt:

- 98,5% xã đặc biệt khó khăn có đường ô tô đến trung tâm xã

- Mạng lưới điện quốc gia về các xã khó khăn được đầu tư phát triển nhanh chóng. Đến nay, 100% số huyện và 95% số xã đã có điện, hơn 70% số hộ được dùng điện.

- Hệ thống thủy lợi và nước sạch sinh họat đã được chú trọng đầu tư phục vụ sản xuất và đời sống.

- 100% xã đặc biệt khó khăn có trường tiểu học, nhà mẫu giáo; 95% trẻ em trong độ tuổi được đến trường; 90% xã khó khăn có trường trung học kiên cố, được tăng cường trang bị về vật chất, tạo điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học; Các bản xa trung tâm đều có lớp học, không còn tình trạng học 3 ca, ghép lớp.

Đại đoàn kết dân tộc luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước đặt lên hàng đầu. Bác Hồ lúc sinh thời đã quan tâm tổ chức hai Đại hội dân tộc thiểu số ở miền Bắc và miền Nam. Sau 64 năm, Đại hội lại được tổ chức nhằm đánh giá công tác dân tộc trong suốt chặng đường dài của cách mạng. Đây cũng là lần đầu tiên có một ngày hội lớn hội tụ được đầy đủ những người con ưu tú của 54 dân tộc anh em trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Tại Đại hội, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước một lần nữa khẳng định lại chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc. Thực tế cho thấy, trong hơn 80 năm qua, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, công tác dân tộc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Trong thời kỳ kháng chiến, vùng dân tộc thiểu số là chỗ dựa vững chắc của cách mạng, đồng bào luôn tin tưởng, một lòng theo Đảng và Bác Hồ.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành  nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi, đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân được đồng bào phấn khởi đón nhận. Những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã góp phần thiết thực vào việc phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống đồng bào. Cùng với đó, Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách nhằm bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa của các dân tộc thiểu số, từng bước nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc ngày càng được quan tâm.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho rằng, đời sống của đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo, tái nghèo trong đồng bào còn cao. Trình độ dân trí trong vùng đồng bào các dân tộc còn thấp. Hệ thống giáo dục, y tế, giao thông ở một số nơi vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu được học tập, đi lại, chăm sóc sức khỏe của đồng bào.

Đại hội cũng chỉ ra yêu cầu số một trong giai đoạn mới là phải tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mà cốt lõi và trước hết là phải phát huy dân chủ, tăng cường sự đồng thuận xã hội. Cùng với đó là việc nâng cao nhận thức cho các tầng lớp xã hội về công tác dân tộc, tiếp tục thực hiện hiệu quả các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Nhận thức được những khó khăn đặt ra trong sự phát triển đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nêu rõ: Quyết tâm chung của chúng ta là phát huy thuận lợi, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội. Tập trung đẩy mạnh phát triển vùng dân tộc và miền núi với tốc độ cao hơn, nhằm thu hẹp khoảng cách về phát triển giữa các vùng miền. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho các bộ ngành, đoàn thể ở Trung ương thực hiện các nhiệm vụ quan trọng mà Đại hội đã đề ra.

Sau hai ngày làm việc, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ nhất đã khép lại trong niềm phấn khởi của các đại biểu tham dự. Những kết quả thu được tại Đại hội sẽ là nguồn động viên, cổ vũ to lớn đối với đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng và 54 dân tộc anh em trong cả nước nói chung. Kết quả của Đại hội sẽ tiếp thêm sức mạnh đại đoàn kết, tạo nên nguồn lực vô giá để nhân dân cả nước tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội của đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên