Thấm nhuần lời dạy của Người về đạo đức cách mạng
Trong toàn bộ trước suốt cuộc đời mình, cũng như trong Di chúc trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh việc rèn luyện phẩm chất đạo đức của người cách mạng, về vai trò gương mẫu của người đảng viên.
Đây là vấn đề luôn luôn có tính thời sự và mỗi người cán bộ, đảng viên cần phải học tập, nghiên cứu để thấm nhuần lời dạy của Người.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các cán bộ, đảng viên: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Đó là những lời Người đúc kết trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Bởi khi người cán bộ, đảng viên thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, thì họ mới có thể hết lòng vì nước, vì dân, mới được nhân dân tin yêu và làm theo.
Trong thời gian qua, đã có nhiều biểu hiện của sự xuống cấp trong đạo đức cách mạng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, làm giảm sút lòng tin của nhân dân. Chẳng hạn như việc: chạy chức, chạy quyền, chạy tội, tranh công đổ lỗi, tham ô, lãng phí, nhiễu sách nhân dân, trù dập người tốt, nâng đỡ kẻ xấu...
Theo thống kê tại phiên họp thứ 9 – Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng năm 2008, toàn ngành thanh tra đã triển khai hơn 11.400 cuộc thanh tra kinh tế - xã hội, phát hiện sai phạm hơn 7.000 tỷ đồng, 287.000 USD và 12.000 ha đất. Qua thanh tra đã kiến nghị xử lý hành chính 237 tập thể, hơn 1.700 cá nhân. Các cơ quan pháp luật đã khởi tố 282 vụ án, với hơn 600 bị can về các tội tham nhũng. Cũng trong năm qua, các cơ quan kiểm tra của Đảng đã phát hiện hơn 12.000 đảng viên có sai phạm, trong đó hơn 6.000 người bị xử lý. Những sai phạm đó là do một bộ phận cán bộ, đảng viên bị tác động mặt trái của cơ chế thị trường làm suy giảm đạo đức, phẩm chất của người cách mạng.
Học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ Đảng viên phải thể hiện vai trò gương mẫu, đi đầu, vượt khó, hy sinh vì lợi ích của đất nước, của nhân dân. Nhà giáo nhân dân – Giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, phân tích: “Trong bản di chúc, Bác đề cập nhiều vấn đề, trong đó luôn luôn nhấn mạnh đạo đức và lòng trung thành của người cán bộ. Mục tiêu tối cao hướng tới là phục vụ nhân dân vô điều kiện, tất cả là đặt quyền lợi của nhân dân, của Tổ Quốc lên trên, còn quyền lợi của mình sẽ nằm trong quyền lợi của nhân dân, của dân tộc. Một khi quyền lợi của toàn thể dân tộc, nhân dân có thì sẽ có quyền lợi của dân tộc mình, chứ không nên suy bì gì. Người cán bộ là phải đề cao đức tính hy sinh của mình”.
Cùng quan điểm này, nhà báo Hữu Thọ đặc biệt nhấn mạnh việc nâng cao đạo đức cách mạng của những người có chức, có quyền: “Đạo đức cách mạng ở đây trước hết là cho những người làm cách mạng. Những người làm cách mạng trong tình hình hiện nay chủ yếu là những người cầm quyền. Mà cầm quyền thì hay có chức, có quyền. Mà khi có chức có quyền thì hay lạm quyền. Vì cái gốc là vấn đề dân. Cho nên ý nghĩa thực tiễn trong việc giáo dục đạo đức của những người cầm quyền là đặc biệt có ý nghĩa, nhất là trong thời kỳ hiện nay”.
Thấm nhuần tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong bản Di chúc của Người về vấn đề nâng cao đạo đức của cán bộ, đảng viên là cơ sở vững chắc để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đồng lòng, đồng sức thực hiện những mục tiêu lớn lao trên con đường xây dựng thống nhất đất nước, khẳng định tầm vóc Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đổi mới và hội nhập quốc tế./.