Thận trọng khi dự thảo chính sách

Về nguyên tắc, các chính sách mới phải hướng tới khoan sức dân, quan tâm đến lợi ích cộng đồng, khuyến khích phát triển sản xuất. Mặt khác chính sách phải hướng tới cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ dần các khoản phí ngoài thuế, tiến đến chỉ thu thuế theo luật.

Câu chuyện thu phí bảo trì đường bộ do Bộ Giao thông Vận tải đề xuất đang gây tranh cãi trong dư luận xã hội. Dù mới là dự thảo, nhưng phương án này tác động lớn đến tâm lý số đông, không chỉ những người là chủ phương tiện ô tô xe máy, mà cả những nông dân, ngư dân, bộ phận cư dân thường dễ bị tổn thương trước các chính sách mới.

Phương án thu phí bảo trì đường bộ có điểm tích cực là huy động sức dân duy tu bảo dưỡng nâng cấp chất lượng đường bộ để việc lưu thông ngày một thuận tiện, an toàn và nhanh chóng hơn. Đây được hiểu như là một phương cách xã hội hoá đầu tư đường sá.

Nhưng dự thảo chính sách mới này có mấy điểm không hợp lý.

Một là cách thu phí rắc rối, phiền toái và không thực tế.

Việc thu phí qua đầu lít xăng, với mức 1.000 đồng trên 1 lít xăng, chưa nói là cao hay thấp, mà thiếu khoa học. Thực tế, giá xăng dầu liên tục biến động tăng hoặc giảm, đặt ra mức thu cố định là cứng nhắc, không phù hợp với diễn biến thị trường. Bên cạnh đó, người sử dụng xăng không chỉ để chạy ô tô xe máy, mà còn vì nhiều mục đích khác, như sản xuất nông lâm ngư nghiệp, chạy máy phát điện. Đề án quy định, những đối tượng sử dụng xăng trong hoạt động phi vận tải thì được "hoàn phí". Đây là cách nói cho kín kẽ chính sách, chứ thực tế, để nhận lại tiền "hoàn phí" không phải dễ, với nhiều thủ tục phiền toái, nhiêu khê và tốn kém. Thực tế việc hoàn thuế thu nhập cá nhân đang diễn ra là bài học nhãn tiền. Mặt khác, những phương tiện lưu thông đường bộ có động cơ xăng thường tải trọng nhỏ, ít gây hư hại mặt đường, việc thu phí với mức 1.000đ trên 1 lít xăng là không hợp lý.

Ngay cách thu phí phương tiện vận tải sử dụng động cơ diezel cũng gây phản ứng vì sự phức tạp và tốn kém cho chủ phương tiện. Ngoài thiết bị giám sát hành trình sẽ phải gắn theo Luật giao thông đường bộ, phương tiện vận tải hàng hoá và hành khách còn phải gắn thêm thiết bị tính phí, mà thiết bị này do chủ phương tiện bỏ tiền mua. Với mức phí 800 đồng cho 1 km phương tiện lăn bánh, nhiều nhà quản lý vận tải tính toán, 1 đầu phương tiện chạy dầu diezel phải tăng mức chi phí mối tháng từ 4 đến 6 triệu đồng. Trong khi đó phí qua các trạm cầu đường giảm không đáng kể. Ngoài ra, khi xe lăn bánh trên đường, dù không muốn, chủ phương tiện vận tải phải chịu hàng loạt loại phí có tên và không tên, làm cho giá thành vận tải ngày một tăng cao, đi ngược với phương châm "nhanh, nhiều, tốt, rẻ." Đấy là chưa kể, những đơn vị đảm nhận việc thu phí sẽ phải tăng nhân lực, tăng chi phí.

Ở nhiều nước phát triển họ cũng thu phí bảo trì cầu đường, nhưng thu trên cơ sở xây dựng hoàn thiện hệ thống cầu đường hiện đại, đồng bộ và công nghệ kiểm tra thu phí hiện đại, tiện lợi. Ở ta điều kiện đó chưa có, nhưng mức thu phí lại ở mức cao. Do đó chưa tạo được sự tâm phục khẩu phục trong cộng đồng. Về nguyên tắc, các chính sách mới phải hướng tới khoan sức dân, quan tâm đến lợi ích cộng đồng, khuyến khích phát triển sản xuất. Mặt khác chính sách phải hướng tới cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ dần những thủ tục rườm rà, gây phiền toái, tốn kém cho người dân, loại bỏ dần các khoản phí ngoài thuế, tiến đến chỉ thu thuế theo luật. Xã hội càng văn minh hiện đại thì càng giảm những khoản khu ngoài thuế, người dân chỉ chủ yếu chịu các loại thuế, nộp thuế một cách tự giác, nghiêm túc, đúng luật./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên