Già hóa dân số:

Thành tựu hay thảm họa?

Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn già hóa dân số vào năm 2017 và sẽ chính thức trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2035

Đó là khẳng định của đại diện Quỹ dân số LHQ tại Việt Nam.

Già hóa dân số có nghĩa là tỷ suất sinh và tỷ suất chết đều giảm. Rõ ràng đây là một thành tựu từ những nỗ lực cải thiện điều kiện y tế, dinh dưỡng và phát triển kinh tế - xã hội. Dân số già đi luôn đồng nghĩa với hình ảnh của những quốc gia có trình độ phát triển cao như Thụy Điển, Na Uy hay Nhật Bản. Tuy nhiên, thành tựu làm già hóa dân số rất có thể trở thành một thảm họa quốc gia nếu như điều đó không tương đồng với trình độ phát triển của đất nước.

Hình dung ¼ thế kỷ nữa Việt Nam chính thức trở thành đất nước của những người già. Mặt tích cực, có thể sự bình yên sẽ hiện diện nhiều hơn trên đường phố, báo chí sẽ ít đi những câu chuyện nông nổi như clip sex hay chặt đầu người yêu… Song, 25 năm có vẻ như không phải là một quãng thời gian đủ để chúng ta kịp đạt tới một trình độ phát triển mà người già có thể sống yên vui với những sự đảm bảo về an sinh. 25 năm nữa sẽ là một thảm họa quốc gia khi lợi thế về nguồn lực lao động suy giảm trong khi quá trình công nghiệp hóa đất nước vẫn còn dở dang. Tất nhiên, điều đó đến giờ vẫn còn là một dự cảm. Nhưng, đó là một dự cảm mà chúng ta có thể nhìn nhận rõ nét khi mà nó đang là câu chuyện thời sự của nhà hàng xóm.

Tại Nhật Bản, dẫu không nóng bỏng như câu chuyện phóng xạ hạt nhân và động đất, song dân số già cũng đang là một vấn đề xã hội đặc biệt căng thẳng. Theo thống kê mới nhất của Bộ Tổng vụ Nhật Bản, hiện dân số Nhật là 128 triệu người, trong đó 3 người đi làm gánh 1 người già. Dự báo 20 năm tới, dân số trong độ tuổi lao động giảm khoảng 14 triệu, còn già thì tăng 6,8 triệu. Khi đó, 2 người lao động sẽ phải gánh 1 người già. Mặc dù là một trong những quốc gia có hệ thống chính sách an sinh xã hội khá hoàn hảo, song khi mà việc làm ổn định ngày càng khó hơn với người trẻ thì gánh nặng nuôi người già đang khiến khoảng cách giàu nghèo đang giãn ra tại đất nước này.

Đối với ngân sách Quốc gia, do dân số già mà chi tiêu phúc lợi, trong đó có lương hưu sẽ tự động tăng thêm 1 nghìn tỷ yên mỗi năm, tương đương 120 tỷ USD. Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết: Năm tài chính 2011, chi phí an sinh xã hội tăng tới 5,3% so với 2010 khiến cơn đau đầu Nhật bản chính là việc tìm nguồn thu cho phúc lợi. Trên thực tế, điều này đã và đang làm thay đổi bộ mặt xã hội ở đất nước mặt trời mọc một cách cụ thể khi mà trên đường phố Tokyo người ta thấy rất nhiều người già phải làm những công việc nặng nhọc mang tính thời vụ như tham gia bảo vệ, phân luồng tại các công trường xây dựng trên đường phố, lau xe, dọn vệ sinh tại tầng hầm các tòa cao ốc. Đặc biệt, hầu hết tài xế taxi tại Tokyo cũng là những người già, đã qua tuổi 60.

Già hóa cũng đang làm biến đổi bộ mặt các làng quê Nhật Bản khi các ngôi làng trở nên vắng vẻ và mất đi sinh khí. Làng Maruyama thuộc tỉnh Hyogo có gần 100 nóc nhà, nhưng vào thời điểm tháng 2/2011 thì dân số thường trú tại đây chỉ vẻn vẹn hơn 30 con người, họ có độ tuổi bình quân là 73. Ngôi làng Maruyama là một địa chỉ du lịch hấp dẫn, song cũng là một câu chuyện buồn của những con người đang cố gắng gìn giữ những nét đẹp truyền thống đang tàn phai cùng với tuổi tác của những cư dân ít ỏi. Những cư dân thích nhìn về quá khứ hơn là hướng đến tương lai. Bởi tương lai 20 năm nữa dân số Nhật Bản sẽ giảm bớt khoảng 12 triệu người.

Câu chuyện Nhật Bản cho thấy sự già hóa dân số không phải điều khiến người ta có thể lạc quan. Tuy nhiên, đó là một quy luật tất yếu trong quá trình phát triển của bất cứ quốc gia nào. Không thể phủ nhận già hóa dân số là một thành tựu quốc gia. Song, nếu như không có một sự chuẩn bị, một chiến lược ứng phó với hiện tượng già hóa, thành tựu ấy chắc chắn sẽ biến thành một thảm họa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên