Thêm một bài học từ lũ!

Thiên nhiên lại dạy chúng ta bài học: Không thể chủ quan, tin vào “ý chí nhất định thắng” của mình, để rồi hậu quả lớn nhất lại do nông dân hứng chịu.

Hiện đã có hàng ngàn hécta lúa ở ĐBSCL bị nước nhấn chìm và phải thu hoạch “non” để chạy lũ. Việc mở rộng diện tích lúa vụ thu đông 100.000 ha theo chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT), với kỳ vọng thêm 1 triệu tấn lúa xem ra đã được các địa phương hưởng ứng… quá tích cực, khiến diện tích vụ lúa “không khuyến khích” này của cả vùng lên đến 630.000 ha.  

Lũ về ĐBSCL năm nay vượt đỉnh những năm trước

Nguy cơ mất trắng nhiều diện tích lúa thu đông ở ĐBSCL đã nhãn tiền khi mà hàng ngàn hec-ta lúa vụ 3 bị ngập chìm trong lũ. Đúng là 10 năm nay, ĐBSCL không hề có lũ, mức nước dâng những ngày qua có thể coi là vượt đỉnh của nhiều trận lũ trước đó. Có lẽ chính Bộ NN & PTNT cũng khó ngờ lũ năm 2011 lại lớn như thế! Đã có thời kỳ, các cơ quan quản lý khuyến cáo nông dân thận trọng làm lúa thu đông, thậm chí không nên làm vụ lúa chứa nhiều rủi ro, “đánh cược với trời” này. Mỗi công lúa vụ 3 phải đầu tư từ 1,5-2 triệu đồng. Lũ quá lớn vào đúng thời điểm lúa đang đẻ nhánh thì coi như mất trắng. Đó là lối làm ăn theo kiểu “đánh cược với trời”! 

Vẫn biết, khuyến cáo tăng diện tích thu đông năm nay ở ĐBSCL của Bộ NN & PTNT chỉ nhằm vào những vùng có đê bao vững chắc. Tuy nhiên, người dân và chính quyền địa phương ở một số nơi vẫn chủ quan nghĩ rằng lũ nhỏ hoặc không có lũ như 10 năm qua, nên đã gia tăng diện tích lúa vụ 3 ở cả những vùng ngoài đê bao.  Với cường suất lũ hiện nay thì cả những vùng đê bao tưởng chừng vững chắc, cũng không chịu nổi sức công phá của lũ. 

Phải nhìn nhận rằng, chủ trương mở rộng diện tích lúa thu đông nhằm tăng sản lượng là “thành ý tốt” trong bối cảnh an ninh lương thực toàn cầu đang căng thẳng, gạo xuất khẩu được giá và nông dân đang cải thiện thu nhập từ cây lúa. Thế nhưng, mong muốn thu hẹp diện tích lúa hè thu, tăng diện tích lúa thu đông để giảm bớt tổn thất sau thu hoạch của Bộ NN & PTNT đã biến thành tổn thất… trước thu hoạch!

Tất nhiên, nói vụ thu đông không phải là vụ lúa chính trong năm nên việc ĐƯỢC - MẤT cũng không quá nặng nề. Song nếu xét trên thành quả lao động, sự đầu tư của người nông dân thì mới thấy họ chịu tổn thất như thế nào.

Nước lũ cộng với chiều cường làm mực nước dâng không hề có chiều hướng giảm những ngày qua khiến nhà nông đành… phó thác cho số phận. Mặc dù các địa phương, người dân cũng đang dồn sức cứu lúa và lãnh đạo nhiều tỉnh cũng “nói cứng” rằng sẽ bảo vệ lúa đến cùng, song xem chừng mọi cố gắng gần như bất khả kháng.

Lũ lụt cao bất thường là điều không ai muốn, vấn đề đặt ra là phải tiên liệu những tình huống xấu nhất để có cách phòng tránh. Kinh nghiệm “bỏ hẳn vụ lúa thu đông” của các tỉnh miền Trung gần 10 năm qua để tránh bão nên được nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng để tính toán với vùng ĐBSCL.

Cơn lũ năm 2011 chưa kết thúc, hàng loạt hiểm nguy vẫn còn chực chờ phía trước. Những diễn biến của nó đã và đang là liều thuốc thử nghiệm để rút ra những bài học đắt giá trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Song từ đây có thể nói rằng đến nay chúng ta vẫn chưa giải xong bài toán quy hoạch, phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ngập lũ ở ĐBSCL./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên