Thị trường và điều phối
Trong suốt giai đoạn vừa qua, nền kinh tế nước ta đã vận hành theo nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, vừa tuân thủ sự điều chỉnh của quy luật cung cầu, vừa chịu sự tác động, điều phối mang tính hành chính.…
Trong quá trình điều hành nền kinh tế, chúng ta có nhiều bài học kinh nghiệm rất đáng để tâm.
Còn nhớ, thời điểm đầu năm 2010, khi nền kinh tế thế giới vẫn còn chưa mấy phục hồi, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã đề ra một loạt giải pháp phục hồi nền kinh tế, như thắt chặt chi tiêu công; tiết kiệm ngân sách; sử dụng gói kích cầu hâm nóng nền kinh tế; tăng cường xuất khẩu; khuyến khích tiêu dùng nội địa; chú ý chính sách an sinh xã hội… Những giải pháp đó, sau một thời gian đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần ổn định kinh tế, xã hội.
Trong suốt năm qua, thị trường vàng, ngoại tệ trong nước trải qua nhiều cơn nóng lạnh. Có những thời điểm giá vàng, ngoại tệ trong nước tăng giảm thực sự theo quy luật cung cầu và thị trường thế giới. Nhưng đôi khi không phải thế. Đã xuất hiện tình trạng đầu cơ, tung tin thất thiệt, làm giá, thổi giá, tạo tâm lý hoang mang trong nhà đầu tư và người tiêu dùng, làm cho giá vàng, ngoại tệ trong nước biến động không theo quy luật cung cầu, làm méo mó bản chất nền kinh tế thị trường.
Vào những thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước đã có một số chủ trương can thiệp thị trường, như làm lành mạnh hoá sàn giao dịch vàng; cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng; hạ mức thuế nhập khẩu vàng đến 0%; điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ; công bố mức dự trữ ngoại tệ quốc gia… Những chủ trương chính sách về tiền tệ đó đã có tác dụng tích cực, uốn nắn độ sai lệch của thị trường, hạ nhiệt cơn sốt vàng, ngoại tệ, đưa hoạt động kinh doanh mặt hàng này trở lại quỹ đạo.
Tháng cuối năm 2010, trong khi Quốc hội, Chính phủ đang tìm mọi giải pháp kìm tốc độ tăng giá, kiềm chế lạm phát, thì một số ngân hàng lại đua nhau tăng lãi suất tiền gửi, đẩy tỷ lệ lãi suất cho vay tăng cao, khiến hoạt động tiền tệ ngân hàng diễn biến phức tạp.
Chính vào thời điểm này, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có biện pháp hành chính kịp thời, chấn chỉnh hoạt động vô kỷ luật, "xé rào", vì lợi ích cục bộ của một số ngân hàng, đưa hoạt động tín dụng lành mạnh trở lại… Cũng chính trong thời điểm này, các Bộ Tài chính, Công thương đã có những động thái tích cực kiểm soát việc tăng giá, cam kết từ nay đến tết Âm lịch không tăng giá các mặt hàng thiết yếu như than, điện, xăng dầu… Những cam kết này có phần làm an lòng người tiêu dùng và doanh nghiệp, giảm độ nóng của việc tăng giá cuối năm.
Qua một số dẫn chứng về thực tiễn điều hành nền kinh tế đất nước trong năm qua, có thể rút ra một vài bài học kinh nghiệm cần thiết.
Thứ nhất, chủ trương nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa mở ra cơ hội can thiệp nhanh bằng chính sách cụ thể vào các hiện tượng kinh tế cụ thể, làm cho nền kinh tế thị trường phát triển lành mạnh, đúng hướng, tuân thủ theo quy luật cung cầu. Vấn đề là các chuyên gia, các nhà chiến lược cần theo dõi sát diễn biến thị trường, đoán đúng bệnh, bốc đúng thuốc, kịp thời đề xuất để Chính phủ có biện pháp can thiệp đúng lúc, hiệu quả.
Thứ hai, vào những thời điểm nhạy cảm, khi đất nước sắp diễn ra những sự kiện chính trị, xã hội quan trọng, hoặc trước Tết Nguyên đán, cần cảnh giác với tình trạng "đục nước béo cò", tăng giá theo phong trào "té nước theo mưa", chủ động các giải pháp bình ổn giá và sắn sàng có biện pháp hành chính đủ mạnh can thiệp vào thị trường khi có biểu hiện lệch hướng. Đồng thời cảnh giác với nhóm lợi ích có thể thao túng thị trường, có biện pháp chặn đứng các cơn sốt ảo.
Thứ ba, cần chủ động theo dõi diễn biến thị trường và kịp thời điều chỉnh chủ trương chính sách cho phù hợp. Xin nêu vài dẫn chứng. Sử dụng quỹ bình ổn giá hỗ trợ các doanh nghiệp mua trữ hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người tiêu dùng góp phần bình ổn thị trường là chủ trương đúng đắn. Nhưng nếu nguồn hàng bình ổn giá chỉ tập trung ở các siêu thị thành phố lớn, thì sẽ không có ý nghĩa. Đưa hàng bình ổn giá về nông thôn, vùng khó khăn, khu công nghiệp có đông người lao động thu nhập thấp mới tạo ra hiệu ứng tích cực đối với thị trường, hiệu ứng xã hội. Hoặc việc điều chỉnh linh hoạt thuế xuất nhập vàng trong khoảng thời gian ngắn gần đây, đã khiến thị trường vàng trong nước có chiều hướng đi sát diễn biến thị trường thế giới, lành mạnh hoá trở lại.
Thứ tư, cần phải minh bạch và nhất quán trong chính sách điều hành thị trường, các chủ trương tác động đến thị trường; chấn chỉnh kỷ luật phát ngôn những vấn đề liên quan đến thị trường. Khi chính sách, chủ trương minh bạch, nói với làm đi đôi với làm thì sẽ tạo nên sự đồng thuận trong xã hội.
Thứ năm, cần phát huy hơn nữa vai trò tích cực của truyền thông báo chí. Báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc tham gia bình ổn thị trường, cung cấp thông tin, phân tích diễn biến và chỉ ra những thủ đoạn của nhóm lợi ích thao túng thị trường; tạo dư luận để các nhà chức trách vào cuộc. Phát huy tính tính cực của báo chí trong định hướng thị trường cũng là nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đối với thị trường mà vô tinh hay cố ý, báo chí đã tạo ra. Sự nhạy bén, điềm tĩnh, chừng mực của truyền thông báo chí sẽ góp phần làm lành mạnh hoá quan hệ cung cầu.
Một năm qua, trong bối cảnh kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, một số quốc gia giàu có ở châu Âu điêu đứng vì khủng hoảng nợ công, chạm đến bờ vực phá sản, nền kinh tế nước ta tất yếu không tránh khỏi những dư chấn mạnh. Nhưng cuối năm vẫn đạt mức tăng trưởng khá, đầu tư nước ngoài tiếp tục giữ mức như năm ngoái, chính trị xã hội ổn định, là một thành tựu to lớn. Chính tư duy vận hành nền kinh tế theo quy luật thị trường với nhiều chủ trương, giải pháp điều phối đúng và trúng, trong từng thời điểm cụ thể, đã tạo nên thành tựu này./.