Thiếu khoa học trong thể thao đỉnh cao
Chúng ta còn thiếu chuyên nghiệp và bài bản trong việc đầu tư cho các vận động viên thể thao có khả năng tham gia và đạt thành tích cao tại các giải đấu quốc tế lớn như Olympic.
Thể thao là khoa học về sức khỏe, bao gồm cả thể chất và tinh thần. Mỗi người tự tập luyện thể dục thể thao thì có thể chơi theo cảm nhận rằng, không ai hiểu sức khỏe của mình bằng chính mình. Tuy nhiên, đối với thể thao thành tích cao, chương trình luyện tập và thi đấu phải mang tính khoa học rất cao, nếu không sẽ mang lại kết quả ngược với mong muốn.
Tiền đã ít mà còn đầu tư sai thì làm sao nói đến tính khoa học trong thể thao cho được? (Ảnh minh họa) |
Trường hợp tay vợt cầu lông Nguyễn Tiến Minh là một ví dụ. Lẽ ra để chuẩn bị cho cuộc chơi lớn như Olympic, Tiến Minh cần có chương trình hợp lí hơn và chủ động từ sớm để tránh tình trạng trong một thời gian ngắn thi đấu tại rất nhiều giải.
Di chuyển liên tục và không có thời gian nghỉ ngơi tích cực giữa các giải đấu nên nếu không giảm sút phong độ thì cũng không còn thời gian vật chất cần thiết để Tiến Minh rút ra bài học cho riêng mình.
Đối với đại kiện tướng cờ vua quốc tế Lê Quang Liêm cũng vậy. Chính anh phải thừa nhận rằng, mới đây do phải tham dự liên tiếp quá nhiều giải đấu quốc tế mà từ sự nôn nóng muốn thăng hạng lại dẫn đến tụt hạng.
Ví dụ như vậy, nhưng nói đi phải nói lại. Ai là người lập chương trình tập luyện và thi đấu cho những vận động viên chuyên nghiệp đỉnh cao như Tiến Minh và Quang Liêm? Câu hỏi này đối với thể thao Việt Nam ta dường như đụng đến quá nhiều vấn đề, nên có thể lấy lí do nào ra biện minh nghe cũng dễ xuôi tai.
Trong môn cờ vua thì nào là đầu tư chưa tương xứng, các vận động viên đỉnh cao chủ yếu vươn lên nhờ đam mê và có hậu thuẫn vững chắc của gia đình, người thân. Nào là thuê chuyên gia, trợ lí nước ngoài cho từng giải đấu là quá sức so với mức kinh phí của địa phương cũng như Liên đoàn cờ vua. Nào là cờ vua chưa hấp dẫn các nhà tài trợ,...
Trong môn cầu lông của Tiến Minh cũng từng ấy điệp khúc vang lên. Còn bản thân Tiến Minh nói rằng, đối thủ đã hiểu anh đến tận chân tơ kẽ tóc, trong khi không có ai giúp anh đúc rút kinh nghiệm kịp thời qua các giải đấu để hiểu rõ hơn về từng đối thủ.
Khoa học về thể thao không chỉ có lịch thi đấu, mật độ thi đấu, mức đầu tư hay đội ngũ trợ lí, chuyên gia. Trong các cuộc tranh tài đỉnh cao, điều quan trọng là phải “biết mình, biết người”. Trước kia, nhiều bộ môn như bóng bàn và kể cả bóng đá của Việt Nam ta cũng có lúc “làm mưa làm gió” trên các đấu trường quốc tế. Nhưng rồi chính chúng ta nhanh chóng đánh mất vị trí của mình do đã để người “biết mình” nhiều hơn mình “biết người”. Họ làm thế nào mà “biết mình” nhanh chóng và hiệu quả như vậy ?
Nói ví dụ trong bóng đá, những trận đấu của đội tuyển quốc gia hay U-23 Việt Nam nhằm chuẩn bị cho những giải đấu quan trọng như AFF-Cup hay Seagames đều “được” các đối thủ lớn quay phim, ghi chép cặn kẽ theo cách để phục vụ cho việc nghiên cứu chiến thuật, lối chơi, sở trường của chúng ta, từ đó tìm ra cách đối phó rồi huấn luyện cầu thủ của họ. Không bao giờ họ chỉ dừng lại ở các góc quay truyền hình phục vụ đông đảo công chúng hâm mộ. Rõ ràng họ khoa học hơn, nên đã biết mình nhiều hơn mình biết họ.
Khoa học có vai trò rất quan trọng trong phát triển thể thao, đặc biệt đối với thể thao đỉnh cao. Nhưng hễ cứ nói đến những vấn đề như vừa rồi thì các nhà làm thể thao “được gọi là chuyên nghiệp” của chúng ta thông thường vẫn buông ra một câu “tiền đâu?”. Đương nhiên tiền là quan trọng, nhưng không phải cứ có tiền là làm gì cũng được. Đầu tư cho cờ vua cần hiểu rõ đặc thù là môn thể thao trí tuệ đối kháng cá nhân, hay cho cầu lông là thể lực và kinh nghiệm cọ xát, cho bóng bàn cũng tương tự, còn cho bóng đá là tính đồng đội cao,...
Từ đặc thù từng môn mà có chương trình, kế hoạch rèn tập, tổ chức các giải đấu trong nước với thể thức thi đấu và mật độ phù hợp; rồi tổ chức cho các vận động viên, các đội tuyển tham gia tập huấn, thi đấu ở nước ngoài một cách khoa học nhằm mang lại hiệu quả cao nhất với chi phí tiết kiệm nhất. Rồi nữa, nếu có khả năng về tiền bạc cần tính xem đối thủ ta cần vượt qua trước mắt là ai, tìm hiểu kĩ càng xem họ mạnh yếu ra sao, sử dụng đội ngũ chuyên gia, trợ lí như thế nào,… Và còn nữa, còn nữa.
Không thấy rõ đặc thù của từng bộ môn, không xác định được đích vươn tới ở đâu, sẽ dẫn tới tình trạng đầu tư đổ đồng, dàn trải, kém hiệu quả, thậm chí hiệu quả ngược. Tiền đã ít mà còn đầu tư sai thì làm sao nói đến tính khoa học trong thể thao cho được?./.