Thiếu tầm

Sự kiện thịt lợn tăng giá và việc miễn, giảm thuế được dư luận đón nhận, quan tâm với nhiều băn khoăn và câu hỏi đặt ra cho các cấp quản lý

Sự kiện thứ nhất là câu chuyện thịt lợn tăng chóng mặt cho thấy sự “thiếu tầm” ở nhiều lĩnh vực như dự báo, công tác quản lý thị trường, phát triển bền vững… Sự kiện này đã để lại hệ lụy không nhỏ, cũng là bài học cho nhiều ngành nhiều cấp.

Sự kiện thứ 2 được dư luận đón nhận một cách hồ hởi hơn, đó là Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua phương án của Chính phủ trong việc miễn, giảm thuế cho nhiều đối tượng. Con số miễn, giảm có thể lên đến hơn 6.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc miễn giảm này lại đặt ra những băn khăn, lo lắng là liệu sẽ công bằng hay có tiêu cực khi thực hiện chủ trương này?

Thịt lợn tăng chóng mặt

Số liệu từ chính Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, giá thịt lợn thời điểm này đã tăng gần 100% so với tháng 7/2010. Oái ăm thay, có một so sánh đáng kinh ngạc, giá thịt lợn ở Việt Nam cao hơn ở Mỹ tới gần 30.000 đồng/kg. Người ta có thể thấy ngay sự lúng túng trong việc đối phó và xử lý tình huống của các cơ quan có trách nhiệm.

Công tác dự báo của chúng ta dường như mất tác dụng. Nhiều sự cảnh báo đã bị lờ đi. Câu chuyện thương nhân Trung Quốc thu gom nhiều nông sản, trong đó có thịt lợn không hề mới, đã cảnh báo vài tháng trước nhưng cơ quan quản lý không có động thái gì đáng kể để ứng xử với sự thiếu hụt cung của mặt hàng.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương ông Nguyễn Lộc An lý giải: “Thời gian qua, dịch bệnh xảy ra diện rộng và kéo dài đã ảnh hưởng đến việc chăn nuôi. Giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, trong khi chúng ta đang phải nhập khẩu khoảng 80% lượng thức ăn chăn nuôi khiến cho nhiều hộ chăn nuôi bỏ đàn, ảnh hưởng đến nguồn cung. Tình trạng xuất thịt lợn qua biên giới cũng đã xảy ra”.

Ông An có thể đổ lỗi cho dịch bệnh, đổ lỗi cho thức ăn gia súc tăng hay không vay vốn được, nhiều hộ nông dân bỏ đàn hoặc không tái đàn. Tuy nhiên, ông lại quên hẳn công việc của mình đó là cảnh báo, dự báo tình hình cung cầu, hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời cho các hộ nông dân gặp khó khăn hay ít nhất là phải phản ứng nhanh trong điều hành, chỉ đạo sản xuất trước những biến động của thị trường.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong cuộc họp giữa tuần đã phải bức xúc với báo cáo hay và dường như vị Bộ trưởng này hiểu rằng, báo cáo của các Vụ chức năng của Bộ chẳng đúng với thực tế và yêu cầu. Lãnh đạo một số Vụ, Cục đã phải trả lời câu hỏi, tại sao cung - cầu trong nước có vấn đề? "Cục Chăn nuôi nên đóng hết cửa phòng mà ra "mặt trận", lội xuống tận đồng, tận trại khảo sát xem vì sao người chăn nuôi không tái đàn".

Từ câu chuyện của Bộ chịu trách nhiệm chính trong sự việc này cho thấy, cách điều hành theo kiểu bàn giấy hiện nay và công tác báo cáo, thống kê nhiều tầng nấc như hiện nay là thiếu chính xác, là gây khó trong công tác điều hành. Bức tranh tổng thể cung - cầu, bức tranh toàn diện của các mặt hàng trọng yếu đã không được phác thảo đúng và rõ nét.

Vẫn biết, câu chuyện điều hành giá là khó khăn, nhưng sự kiện này còn cho thấy nhiều bài học khác, nhiều khoảng trống khác đã từ rất lâu rồi nhưng không khắc phục được. Đó là giá nông sản từ đồng ruộng, từ chuồng trại... đến người tiêu dùng đã bị đội một khoản rất lớn. Lấy một ví dụ cho thấy, một mớ rau muống ngoài ruộng giá 2.000 đồng chẳng hạn, khi đến tay người mua ở đô thị đã có lúc lên đến 10.000 đồng. Một khoản chênh vô lý và đáng lo ngại, trong đó có trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường.

Liệu có xảy ra tiêu cực?

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua phương án miễn, giảm và giãn thuế theo đề nghị của Chính phủ. Các phương án miễn, giảm, giãn thuế cho một loạt đối tượng sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định vào Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIII (diễn ra từ 21/7 tới). Nếu được Quốc hội thông qua thì kể từ 1/8, Việt Nam sẽ thực hiện việc đồng loạt các chính sách miễn, giảm, giãn thuế cho một số đối tượng.

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết: “Theo tính toán của chúng tôi, hiện có khoảng 504.000 DN có đăng ký kinh doanh, trong đó hơn 360.000 là DN vừa và nhỏ; 6.000 - 7.000 DN có sử dụng nhiều lao động. Theo điều tra của cơ quan thuế, hơn 70% số DN này đang kinh doanh có lãi. Như vậy, khoảng 300.000 - 310.000 DN sẽ được hưởng chính sách này. Chúng tôi đã trao đổi với các cấp, các ngành, các địa phương và qua khảo sát thực tiễn cho thấy, việc miễn, giảm, giãn thuế này sẽ ảm bảo sự công bằng bởi lẽ, doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chịu thiệt thòi trong bối cảnh hiện nay”.

Theo dự kiến của Chính phủ, nếu thực hiện chủ trương này, Ngân sách Nhà nước sẽ thâm hụt khoảng 6.900 tỷ đồng. Rõ ràng, khi kinh tế đang khó khăn, nguy cơ mất ổn định, lạm phát còn cao thì việc miễn, giảm thuế nhằm giảm bớt những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân là cần thiết. Song điều quan trọng là việc miễn giảm phải đúng đối tượng để đảm bảo tính công bằng trong việc thực thi chính sách, đồng thời hạn chế tối đa việc lợi dụng để trục lợi như khi chúng ta thực hiện chương trình kích cầu năm 2009, trong đó có thực trạng kích cầu cho… nhà giàu.

Nói như thế bởi cũng xin nhắc lại là ở thời điểm đó, với gói kích cầu khoảng 76.000 tỷ đồng được triển khai, trong khi doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận nguồn hỗ trợ lãi suất kích cầu thì có doanh nghiệp thừa vốn lại được vay hỗ trợ lãi suất, không ít trường hợp lợi dụng chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất để trục lợi.

Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cũng chỉ ra hàng loạt bất cập, sai sót trong việc sử dụng, quản lý ngân sách phục vụ cho việc kích cầu kinh tế. Chẳng hạn, chính sách miễn, giảm, giãn thuế còn mang tính bình quân, chỉ tác động đến doanh nghiệp có thu nhập, có lãi, còn nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn kinh doanh thua lỗ cần được hỗ trợ nhưng không được hưởng chính sách ưu đãi này, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên chưa đảm bảo tính công bằng và mục tiêu của chính sách./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên