Thủ khoa 12,5 điểm và tư duy ngồi cùng chiếu trên...
Nếu xướng chung từ “thủ khoa” cho thí sinh 12,5/30 điểm với những thí sinh đạt từ 24/30 - 30/30 điểm là chúng ta đang xúc phạm danh hiệu.
- Trả lời đơn phúc khảo điểm thi ĐH, CĐ chậm nhất là 15 ngày
- Nhiều trường đại học công bố điểm thi
- Xáo trộn quan hệ thầy trò
Mấy ngày nay, cái nóng hè không nóng bằng sức nóng của hàng triệu thí sinh đang ngóng trông điểm thi đại học, chỉ tiêu, rồi điểm sàn, điểm chuẩn. Cùng với đó, những ai trọng tri thức, kính người tài cũng đang nóng lòng dõi theo các “tân thủ khoa” đã và đang được “xướng danh” ngày càng nhiều trên các trang báo. Bên cạnh niềm vui, cũng thật buồn khi nghe thấy cụm từ “thủ khoa 12,5 điểm”. Đó là trường hợp thí sinh đạt điểm cao nhất khối A trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay của trường Đại học Hà Hoa Tiên.
Cái danh xưng “12,5 điểm thủ khoa” như một sự xúc phạm danh hiệu thủ khoa. Bởi từ trước đến nay, nói đến thủ khoa đại học, người ta nể lắm. Nể vì thí sinh đạt điểm cao nhất trong một cuộc thi tầm cỡ quốc gia đòi hỏi cả trí tuệ và bản lĩnh. Và, thủ khoa là người có điểm số cao nhất trong cuộc thi của một hội đồng thi. Đã là thủ khoa, nếu không đạt 30/30 điểm thì chí ít cũng phải từ 24/30 điểm (trung bình 8 điểm/môn thi) mới đáng mặt, chứ hẳn không thể “xếp hạng” chỉ máy móc bám vào cái cớ “điểm cao nhất” để xướng lên danh hiệu thủ khoa theo kiểu nói lấy được. Vì, với con số 12,5 điểm cho 3 môn thi, tính ra, mỗi môn trung bình đạt dưới 5 điểm!
Tất nhiên, bị gắn mác “thủ khoa”, hẳn bản thân thí sinh ấy cũng thấy tự ái ngại. Nhưng thí sinh không có lỗi. Có chăng, thí sinh chỉ là nạn nhân của một lối sính danh hiệu, một thứ tư duy cào bằng để “ngồi cùng chiếu trên” một cách thô thiển trong nhận thức của không ít người hiện nay khi xác định và đặt tên cho cái giá trị. Người ta dựa cớ đạt điểm số cao nhất trong một hội đồng thi để xếp thí sinh vào hàng những “thủ khoa” mà vô tình hoặc cố ý quên rằng, trong hàng ngũ đó có những “thủ khoa đích thực” đang khiêm tốn tự nhủ mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để xứng với danh hiệu đó.
Chàng thủ khoa quê "đất mỏ" Lê Cao Nguyên cười rạng rỡ với kết quả thi vào Đại học Ngoại thương đạt 29 điểm. |
Từ chuyện này, ngẫm kỹ hơn, thấy xót xa cho giáo dục nước nhà không chỉ dừng lại ở danh hiệu thủ khoa với điểm số không xứng đáng nữa mà nguy hiểm hơn là có một lối tư duy “ngồi cùng chiếu trên” bằng mọi cách như một căn bệnh đang phát tác ở ta.
Điều này được biểu hiện ở chỗ, nước ta có lắm trường đại học nhưng cũng sinh ra ra nhiều nghịch lý cho xã hội. Chẳng hạn, lẽ ra, sau hiện tượng nâng cấp “đại học hoá” nhiều trường trung cấp, cao đẳng, rồi nở rộ đại học dân lập, đại học tư thục thì đất nước sẽ thở phào không phải lo thiếu lao động, không sợ chất lượng nhân lực kém nữa. Chúng ta chỉ cần khởi động cỗ máy nhân lực ấy và tự tin tiến đến công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nhưng trái lại, càng nhiều trường đại học, người ta lại càng kêu thiếu nhân lực. Thiếu ở đây không phải về số lượng mà là chất lượng. Đa số nhân lực sau đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, ít có khả năng làm chủ máy móc công nghệ, chậm tiếp cận thực tiễn, thậm chí xa rời thực tiễn. Thành ra, muốn sử dụng thì phải tốn kém tiền của và thời gian vào việc đào tạo lại lao động đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng.
Giờ thì câu hỏi, tại sao chất lượng sau đào tạo của nhân lực trình độ đại học ở nước ta thấp, hẳn đã có thêm câu trả lời. Đó là, mục tiêu người ta đua nhau học là để lấy bằng đại học, thậm chí cao hơn nữa. Và các trường trung cấp, cao đẳng cũng trong cuộc đua nâng mình lên “ngồi chiếu trên”- đại học, nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để cấp loại bằng xã hội đang cần.
Thế là lối tư duy “ngồi chiếu trên” đang thịnh hành đến mức, trong môi trường sử dụng lao động và bán sức lao động, lẽ ra người ta gặp nhau nên hỏi “làm được việc gì và làm như thế nào?” thì ngược lại, câu đầu tiên người ta lại hỏi “có bằng cấp gì?”. Và, có một câu trả lời về mặt danh nghĩa người ta hay thích là nêu được cái cấp học ra rằng “có bằng đại học”. Cái bằng đại học, lắm chỗ, nó trở thành báu vật có khả năng biến chủ nhân của nó thành người “đa tài”. Bởi, chỉ cần có bằng đại học, người ta có thể được tuyển dụng và rồi sẽ làm được nhiều việc, kể cả những việc không hề đúng ngành đào tạo. Hệ luỵ của nó là sự chồng chéo trong sử dụng lao động, sinh ra trong xã hội một thái độ sử dụng nhân lực trên cơ sở trọng thói quen nhiều hơn trọng những nguyên lý bài bản, có khoa học. Thế mới có chuyện, nhiều nghề, có nhiều người được đào tạo bài bản thì không được làm việc, còn nhiều người phải làm những việc mà mình không được đào tạo. Hệ quả cuối cùng là hiệu quả lao động không cao, dễ gặp rủi ro, lãng phí chất xám.
Tân thủ khoa khối B ĐH Quốc gia Hà Nội Trần Duy Tùng. Trong ảnh: Tùng dự Ngày Hội Anh Tài năm 2010 tại trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam. |
Thiết nghĩ, đã đến lúc cần phải nghiêm túc, chặt chẽ hơn nữa trong tuyển sinh đại học, không thể lấy tiêu chí chỉ tiêu để tuyển cho bằng đủ. Cần giám sát chặt chẽ quá trình đào tạo và kiểm định sau đào tạo. Cần triệt để loại bỏ tư duy “ngồi cùng chiếu trên” để tránh ảo tưởng về giá trị. Cần sự phân biệt rõ ràng các thang giá trị nhân lực, nên trọng hiệu quả lao động hơn là trọng bằng cấp. Nếu còn để lan rộng tư duy cào bằng thì còn có nhiều lớp nhân lực mang giá trị ảo, thậm chí phi giá trị cho sự phát triển bền vững của quốc gia./.