Thúc đẩy phát triển toàn diện Việt Nam - CHLB Đức

Một nước Đức phát triển, một Việt Nam đang đổi mới tích cực, cùng truyền thống hữu nghị lâu đời là tiền đề quan trọng đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới

Ngày 11/10, Thủ tướng CHLB Đức Angela Merkel bắt đầu chuyến thăm chính thức 2 ngày tới Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Với mối quan hệ tốt đẹp vốn có trong hơn 35 năm qua, chuyến thăm lần này sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước tiếp tục phát triển tích cực và sâu rộng trên nhiều lĩnh vực.

Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel diễn ra trong bối cảnh Việt Nam vừa kết thúc thành công Bầu cử Quốc hội khóa 13. Đón chào Thủ tướng Đức tới Việt Nam hôm nay không chỉ là cơ hội để chúng ta chia sẻ niềm vui của đất nước mình, mà còn là dịp để chúc mừng những thành tựu ấn tượng nước Đức đã đạt được trong thời gian vừa qua.

Mặc dù thế giới đang phải đối mặt với nhiêu khó khăn của cuộc khủng hoảng, GDP của Đức vẫn đạt hơn 3.000 tỷ USD và luôn giữ vững vị trí là một trong những quốc gia có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới. Không chỉ vậy, sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, Đức cũng là một quốc gia có khả năng phục hồi nhanh nhất. Chương trình kích cầu và gói cứu trợ của chính phủ Đức đã ổn định nhu cầu nội địa, giữ vững chỉ số việc làm.

Mức độ tăng trưởng của Đức năm 2010 đạt 3,5%, cao hơn so với dự kiến ban đầu là 1,2 - 1,5%, tăng trưởng quý I năm 2011 đạt 1,4%, quý II hơn 2%. Với tiềm lực ngày càng lớn mạnh, nước Đức đang có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế, đặc biệt trong quá trình khu vực hóa và toàn cầu hóa. Hiện Đức đang phấn đấu trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Là hai nước nằm ở hai lục địa khác nhau, nhưng hơn 35 năm thiết lập quan hệ, có thể thấy rằng, Việt Nam và Đức đã có một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình. Nhìn lại quan hệ Việt - Đức, có thể thấy những năm qua, các chuyến thăm cấp cao đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển sâu rộng và hiệu quả giữa hai nước. Từ nhiều năm nay, Đức luôn là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU) trên nhiều lĩnh vực. Chính giới Đức cũng luôn đánh giá cao sự phát triển và vị trí của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á. Hai nước đã ký kết nhiều Hiệp định tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển, giáo dục - đào tạo, văn hóa…

Đức hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, chiếm 19% xuất khẩu của ta sang Liên minh châu Âu (EU). Đức cũng chính là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu. Năm 2010, tổng giá trị trao đổi thương mại hai nước đạt hơn 4,1 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2009. Trong 7 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu của Việt Nam sang Đức tăng 42%, trong khi nhập khẩu từ Đức tăng 14% so với cùng kỳ năm 2010. Nhiều tập đoàn hàng đầu của Đức đã cam kết đầu tư lâu dài vào Việt Nam.

Tuy nhiên cho đến nay, với tổng số vốn đầu tư khoảng 846 triệu USD vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Hai bên đang nỗ lực tìm biện pháp mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực được coi là thế mạnh của từng nước. Đức coi Việt Nam là một trong những nước ưu tiên nhận ODA ở châu Á và cũng ủng hộ mạnh mẽ việc sớm khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa EU và Việt Nam. Bên cạnh đó, con số hơn 100.000 người Việt Nam đang sinh sống và học tập với những điều kiện cư trú thuận lợi của chính phủ Đức cũng được xem là nhân tố xúc tác quan trọng, góp phần củng cố vững chắc cây cầu quan hệ Việt - Đức.

Một nước Đức phát triển, một Việt Nam đang có những bước đổi mới tích cực, cùng truyền thống hữu nghị lâu đời là cơ sở quan trọng để chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Merkel thành công tốt đẹp, đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, vì lợi ích chung của khu vực và thế giới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên