Thúc đẩy sự phát triển của nền báo chí mới

Hội nghị Cấp cao Báo chí châu Á lần thứ 8 được trông đợi sẽ tạo ra sự kết nối và tăng cường hợp tác cùng phát triển trong kỷ nguyên số…

“Phát thanh - Truyền hình phải phát huy tối đa lợi thế của mình, tối ưu hóa, hiện đại hóa không chỉ nội dung, chương trình mà còn cả công nghệ, khoa học kỹ thuật để đáp ứng những nhu cầu thông tin mới”… Đó là những yêu cầu đặt ra đối với báo chí hiện đại, đặc biệt là ngành Phát thanh - Truyền hình trong một kỷ nguyên truyền thông mới. Tuy nhiên, để nắm giữ vai trò tiên phong ấy, không chỉ cần tới cam kết, mà còn cần những sáng kiến và hành động cụ thể. Đây cũng là điều được chờ đợi tại Hội nghị Cấp cao Báo chí châu Á lần thứ 8 (AMS 8) do Đài TNVN và Viện Phát thanh - Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương (AIBD) tổ chức, chính thức khai mạc ngày 24/5 tại Hà Nội.

Khái niệm “một nền báo chí mới” đã được thế giới nhắc đến nhiều trong những năm gần đây. Tuy nhiên, không phải nhà báo hay nhà quản lý báo chí nào cũng rõ thế nào là một “nền báo chí mới”. Nếu như đã từng có những quan niệm truyền thống rằng báo chí phải là kênh thông tin sốt dẻo, hấp dẫn và chuyển tải những thông tin có chiều sâu, những vấn đề “nóng” đến với bạn đọc, thì trong bối cảnh mới, khi thế giới đang hội nhập sâu sắc, báo chí với vai trò kết nối, tất nhiên - không thể nằm ngoài cuộc chơi ấy. Mà ngược lại, sự hiện diện của báo chí phải sắc sảo hơn, rõ nét hơn và có sự đầu tư bài bản hơn trên mọi phương diện.

Phát thanh và truyền hình cũng vậy. Trong bối cảnh, số người sử dụng internet toàn cầu tăng nhanh, trong bối cảnh cung cấp thông tin là một cuộc “cạnh tranh” và nhất là khi báo chí tác động mạnh đến đời sống xã hội, rõ ràng phát thanh -truyền hình phải đóng vai trò trọng tâm, kết nối trong một thế giới truyền thông mới. Muốn thực hiện mục tiêu ấy, đòi hỏi phải có chiến lược, có tầm nhìn, phải có sự chuyển giao công nghệ và có sự kết nối liên khu vực. Với mục đích khuyến khích đối thoại và hợp tác về chính sách truyền thông điện tử; tạo một diễn đàn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển truyền thông điện tử…, Viện Phát triển Phát thanh - Truyền hình châu Á-Thái Bình Dương (AIBD) ra đời với nỗ lực thúc đẩy một nền báo chí mới, trong đó “2 bộ mặt” của báo chí thế giới - là phát thanh và truyền hình phải giữ vai trò tiên phong.

Tham vọng đã có, nhưng thực hiện như thế nào lại là bài toán không đơn giản. Thực hiện tham vọng này, một chiến lược nhằm khẳng định vai trò của phát thanh-truyền hình đã và đang được AIBD triển khai. Đó là việc tổ chức diễn đàn khích lệ đối thoại và hợp tác về chính sách truyền thông điện tử trong khu vực; việc chia sẻ cùng nhau và đề xuất các phương án giải quyết những vấn đề đang nổi lên, những vấn đề mang tính toàn cầu, khu vực và quốc gia. Trong kế hoạch tổng thể, AIBD đã nhấn mạnh nhiều yếu tố, trong đó các yếu tố Công nghệ mới, Dịch vụ phát thanh truyền hình công, phát triển nguồn nhân lực, lưu trữ âm thanh hình ảnh kỹ thuật số, Báo chí vì hòa bình và giải pháp xung đột… nhằm giúp phát thanh - truyền hình “không bỏ quên” những lợi thế sẵn có, mà ngược lại biết tận dụng nó để đối mặt với những thách thức của toàn cầu hóa, đa dạng văn hóa.

Với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ trong bối cảnh thế kỷ 21 cùng những biến động địa chính trị mạnh mẽ, AIBD đang nỗ lực xây dựng những sáng kiến mới nhằm đáp ứng sự thay đổi của truyền thông điện tử và nền công nghiệp thông tin truyền thông ở cả trong và ngoài khu vực. Vì thế, Hội nghị AMS 8 chính thức khai mạc ngày 24/5 tại Hà Nội với chủ đề “Phát thanh - Truyền hình trong kỷ nguyên số”, được ví như một “điểm sáng” không chỉ phản ánh các giá trị truyền thống của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà còn là tác nhân thúc đẩy sự thay đổi của môi trường công nghệ thông tin trong khu vực; và là chất xúc tác cho sự phát triển, sự liên kết giữa các quốc gia, các khu vực trong một bối cảnh mới.

Việt Nam, với tư cách là thành viên tích cực của Viện Phát thanh-Truyền hình châu Á-Thái Bình Dương luôn chú trọng phát triển báo chí truyền thông nói chung và ngành phát thanh truyền hình nói riêng. Với 67 Đài Phát thanh-Truyền hình trên phạm vi cả nước, trong đó nòng cốt là Đài TNVN và Đài THVN, Việt Nam đang nỗ lực hội nhập cùng khu vực và thế giới.

Với Hội nghị lần này, đang có nhiều cơ hội và thách thức mới với ngành báo chí châu Á nói chung, phát thanh-truyền hình nói riêng. Và Hội nghị AMS 8, lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam, được trông đợi sẽ tạo ra những bước đột phá và cả những điểm nhấn quan trọng; tạo sự kết nối và chia sẻ kinh nghiệm; tăng cường hợp tác cùng phát triển trong kỷ nguyên số, đóng góp nhiều hơn nữa cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên