Thuốc quá hạn – sự đã rồi

Đạo đức của ngành y bao gồm cả năng lực, trình độ của y bác sĩ. Đây là cái nghề mà “dốt” cũng là tội lỗi.

Ngay giữa trung tâm thủ đô, tại cơ sở dịch vụ của một đơn vị đầu ngành Y tế vừa xảy ra vụ việc khiến cho tất cả các bà mẹ trẻ đều phải giật mình. Tại đây người ta mang vaccine đã hết hạn sử dụng ra để tiêm cho trẻ em phòng bạch hầu, ho gà, bại liệt, uốn ván.

Bất chấp qui định của Bộ Y tế, họ muốn hiểu về thời hạn sử dụng theo cách riêng của họ. Đây là ví dụ điển hình cho thấy tại sao xã hội ta lâu nay hầu như không có phản ứng gì đối với những biểu hiện tiêu cực trong ngành y, bởi có phản ứng thì mọi sự cũng đã xảy ra rồi.

Nếu như mẹ cháu bé không cẩn thận xem lại hạn sử dụng vaccine in trên vỏ hộp mà hoàn toàn tin tưởng vào cơ sở dịch vụ thuộc một Viện nghiên cứu vaccine sinh phẩm hàng đầu của ngành Y tế, thì sau đó cháu bé có triệu chứng gì, sức khỏe ra sao cũng chẳng rõ nguyên nhân.

Cũng may là trong thời gian 72 giờ theo dõi phản ứng chưa thấy cháu bé có biểu hiện đáng lo ngại. Song, đáng lo ngại chính là cách lí giải của cán bộ ở cơ sở dịch vụ này và lãnh đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Mặc dù Viện trưởng Viện này thừa nhận sai sót trong qui trình tiêm chủng do cán bộ thực hiện không kiểm tra, đối chiếu kĩ hạn sử dụng trên vỏ hộp thuốc và lọ vaccine, nhưng đây chỉ là cách trả lời mang tính đối phó nhằm bao che cho sự đã rồi.

Trước hết phải khẳng định rằng, không phải vô căn cứ khi mà Bộ Y tế qui định đối với các loại vaccine chỉ ghi hạn sử dụng theo tháng thì hết hạn vào ngày đầu tháng. Trong thư xin lỗi gia đình cháu bé, Phó Viện trưởng Viện này lấy kinh nghiệm 30 năm sản xuất và kiểm định vaccine để khẳng định hiệu quả bảo vệ của vaccine có thể kéo dài hơn thời hạn sử dụng nếu được bảo quản tốt. Nhưng ai đảm bảo vaccine được bảo quản tốt ?

Còn một bác sĩ phụ trách cơ sở dịch vụ của Viện này nói, hạn dùng ghi tháng 2/2012 lẽ ra phải được tính đến hết ngày 29/2, chứ tính là ngày 1/2 theo qui định của Bộ Y tế thì thiệt thòi cho nhà nhập khẩu, vì loại vaccine này phải nhập về từ Pháp. Vậy là đã rõ!  Các y bác sĩ ở đây làm dịch vụ tiêm chủng, nhưng quan tâm đến quyền lợi của nhà nhập khẩu vaccine hơn là quyền lợi và sức khỏe của trẻ em.

Lâu nay chúng ta nói về y đức thường rất chung chung, không mấy ai quan tâm xem đạo đức của những người hành nghề cao quí này phải được biểu hiện như thế nào, có tách biệt nó ra khỏi đạo đức xã hội được hay không. Thời buổi mà sức khỏe con người có thể trở thành hàng hóa để mặc cả cao thấp thì muốn kéo dài hạn sử dụng vaccine thêm một tháng chứ thêm nữa cũng vẫn còn cách lí giải.

Trên thực tế đã nhiều năm rồi, xã hội ta gần như không phản ứng gì đáng kể trước những vụ việc lừa đảo trong ngành y, những cách thức bòn rút tiền, những liên minh ma quỉ nhằm khai thác, thậm chí kể cả hãm hại người bệnh,... Rất nhiều vụ việc mà bệnh nhân và người nhà bệnh nhân một mực tin tưởng, luôn miệng cảm ơn, rồi đến khi không còn cứu chữa được nữa cũng chỉ than thân trách phận rằng mình quá nghèo!

Vậy y đức là gì  12 điều y đức do Bộ Y tế ban hành từ năm 1996 đến nay tuy rằng có nhiều chỗ đã lạc hậu, có chỗ thừa, có chỗ trùng lặp và mâu thuẫn,... nhưng tóm lại, những người làm nghề chăm sóc sức khỏe cho mọi người phải đáp ứng được yêu cầu rất cao về đạo đức.  Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác nói, y sĩ mà thiếu đạo đức thì chẳng khác gì “bọn cướp”.

Đạo đức của ngành y bao gồm cả năng lực, trình độ của y bác sĩ. Đây là cái nghề mà “dốt” cũng là tội lỗi. Nhưng không ít người “dốt” ấy đã bỏ tiền ra để chạy về những bệnh viện, trung tâm y tế lớn có uy tín, nên việc đầu tiên mà họ quan tâm là tìm cách thu hồi vốn, sau đó là thu lợi nhuận. Bòn rút, khai thác bệnh nhân, người nghèo thì lâu quá và dễ mang tiếng thất đức, chi bằng quan tâm đến lợi ích của các nhà nhập khẩu dược phẩm?!

Đã có thời dược phẩm bị cấm quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Còn bây giờ thì cứ thỉnh thoảng lại nghe thấy câu “đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”. Nếu mẹ cháu bé trong trường hợp đã nêu không để ý đến hạn sử dụng trên vỏ hộp thuốc thì trung tâm dịch vụ tiêm chủng ấy vẫn tự hiểu theo cách của họ, vì chính họ đang là người tiêu dùng của các hãng sản xuất dược phẩm và nhà nhập khẩu. Nhưng mẹ cháu bé đã phát hiện ra, nên họ phải rút kinh nghiệm, phải kỉ luật người sai phạm, xin lỗi gia đình và hứa theo dõi sức khỏe cháu bé, tiêm lại nếu gia đình yêu cầu…, mặc dù Y đức yêu cầu không được được để xảy ra sai sót như vậy. Thuốc quá hạn, nhưng sự cũng đã rồi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên