Thương hiệu và dòng tiền tương lai

Sự hạn chế trong tầm nhìn về tài sản trí tuệ đang làm chúng ta “nghèo” đi rất nhiều, nghèo vì để lãng phí và vì chưa biết phát huy hết tiềm năng của tài sản trí tuệ.

Trong quá trình cạnh tranh và hội nhập nói chung, nhiều doanh nghiệp đã chi những khoản đầu tư lớn cho hệ thống tài sản vật chất như nhà xưởng, máy móc, thiết bị... Thế nhưng, lại không có nhiều doanh nghiệp dành những khoản đầu tư thích đáng cho thương hiệu- một loại tài sản trí tuệ, đồng thời khai thác sử dụng và phát triển tài sản trí tuệ của mình.

Theo thống kê của Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), chỉ có khoảng 20% số doanh nghiệp hiện tại biết đầu tư và phát huy được tài sản trí tuệ- loại tài sản vô hình nhưng lại vô cùng quý giá, trong điều kiện các nguồn tài nguyên vật chất ngày càng cạn kiệt. Kết quả là nhiều doanh nghiệp đã phải trả những cái giá quá đắt để tìm lại thương hiệu cho mình.

Ngay trước thềm ngày Thương hiệu Việt Nam năm nay, có 2 sự kiện nóng liên quan đến thương hiệu. Câu chuyện thứ nhất liên quan đến Phở24 và doanh nhân trẻ Lý Quý Trung. Khởi sự năm 2003 với chuỗi cửa hàng kinh doanh phở độc đáo và 1 tỷ đồng vốn, “phù thủy” Lý Quý Trung đã “hô biến” tô phở bình dân của người Việt thành món ăn nhanh nhưng sang trọng và đảm bảo vệ sinh, với chuỗi cửa hàng trải khắp ba miền Bắc- Trung-Nam, rồi nhanh chóng ra thị trường khu vực. Chưa đầy 10 năm, đến đầu tuần này, có thông tin Phở24 sẽ hoàn toàn về tay Highland Coffee trong thương vụ dự kiến lên tới 20 triệu USD (tương đương 420 tỷ đồng), một tài sản “trong mơ” với bất cứ doanh nghiệp nào.

Có thông tin Phở24 sẽ về tay Highland Coffee trong thương vụ dự kiến lên tới 20 triệu USD

Câu chuyện thứ 2 liên quan đến tin đồn 2 thương hiệu cà phê Đức Lập- Đắc Mil, được một doanh nghiệp nước ngoài đề nghị mua lại với giá 18 tỷ đồng, nhưng chủ doanh nghiệp không bán vì muốn bảo vệ những thương hiệu mang giá trị quốc gia. Ai cũng biết Đức Lập- Đắc Mil là những thương hiệu cà phê nổi tiếng gắn liền với vùng đất cao nguyên, đem lại hương vị tinh khiết cho sản phẩm cà phê, nhưng trong cảnh doanh nghiệp khó khăn, thương hiệu vẫn được trả tới 18 tỷ đồng thì không phải ai cũng hình dung được.

Tuy vậy, trong thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng biết bảo vệ và phát huy tài sản trí tuệ doanh nghiệp mình như trường hợp Phở24 hay cà phê Đức Lập-Đắc Mil. Theo số liệu từ Cục Sở hữu Trí tuệ, hiện cả nước chỉ có khoảng gần 20% doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động tham gia đăng ký sở hữu trí tuệ. Khoảng 95% doanh nghiệp có sản phẩm ở nước ngoài chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và các đối tượng sở hữu công nghiệp khác. Đáng chú ý là chỉ có khoảng 10% số doanh nhân là lãnh đạo doanh nghiệp thông hiểu về sở hữu trí tuệ, tương ứng là khoảng 10% doanh nghiệp Việt Nam biết tự bảo vệ mình khi xảy ra tranh chấp, sản phẩm bị làm nhái hoặc làm giả.

Một đối tượng cần bảo hộ khác là tên miền, liên quan đến thương hiệu nổi tiếng nhiều năm gây dựng, cũng chưa được ngay cả những doanh nghiệp lớn đầu tư đúng mức. Một thông tin gây chú ý trong cộng đồng mạng gần đây là công bố trên trang Register.com, các tên miền quốc tế trùng với tên Tập đoàn VNPT đã bị các tổ chức nước ngoài đăng ký trước. Cụ thể, tên miền VNPT.com đã thuộc sở hữu của một tổ chức có địa chỉ tại Hàn Quốc từ 2 năm nay, hay tên miền VNPT.net cũng đã thuộc sở hữu của một tổ chức Hàn Quốc từ năm 2001.

Tương tự, các tên miền quốc tế trùng tên với tên Tập đoàn Viettel như: Viettel.com, Viettel.net, Viettel.org… cũng đã có người “chiếm hữu”. Tên miền quốc tế FPT.com (trùng với tên Tập đoàn FPT) cũng đã “được” một người tại Mỹ mua từ năm 1995 và nắm quyền sở hữu đến năm 2012.

Gần đây nhất BKAV, một công ty an ninh mạng nổi tiếng trong nước, cũng đã phải “móc hầu bao” trả hơn 2 tỷ đồng cho một tên miền có liên quan tới thương hiệu của công ty, chỉ đơn giản bởi cách đây 10 năm doanh nghiệp chưa thể hình dung sản phẩm của mình có ngày bước ra thị trường thế giới.

Kể lại những câu chuyện này để thấy rằng, sự hạn chế trong tầm nhìn về tài sản trí tuệ đang làm chúng ta “nghèo” đi rất nhiều, nghèo vì để lãng phí và vì chưa biết phát huy hết tiềm năng của tài sản trí tuệ.

Những hạn chế rõ nhất lại không chỉ nằm trong nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp. Luật Sở hữu Trí tuệ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2006 chưa có quy định về định giá tài sản trí tuệ. Ngay chính sách cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước ở ta cũng chưa thật hoàn thiện, khi chưa có quy định về định giá tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, dù trong nhiều trường hợp, thương hiệu - tài sản vô hình mang lại giá trị lớn hơn tài sản hữu hình rất nhiều.

Trường hợp Công ty cổ phần Kem Tràng Tiền là một ví dụ điển hình. Khi định giá cổ phần hoá công ty, người ta chỉ tính được giá trị hữu hình của doanh nghiệp với giá trị đất đai, nhà xưởng máy móc cũ kỹ lâu đời chẳng đáng là bao, trong khi thương hiệu kem Tràng Tiền không cần một phương tiện quảng cáo nào cũng đã quá nổi tiếng thì lại không định giá được. Cái tài sản vô hình ấy lại chưa có chính sách để định giá. Đó là sự lãng phí hữu hình.

Và nếu như khoảng trống này không được bù lấp, một lúc nào đó, những thương hiệu có giá trị của Việt Nam sẽ về tay những doanh nghiệp nước ngoài có tầm nhìn và khả năng đoán được dòng tiền tương lai mà thương hiệu đó mang lại.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, thứ tài sản hữu hình đang dần cạn kiệt; chỉ có tài sản trí tuệ - thứ tài sản vô hình nhưng có thể tồn tại mãi. Thế giới đã xây dựng được những “tượng đài” doanh nghiệp biết đúc kết thương hiệu- tài sản doanh nghiệp mình bằng trí tuệ: Walt Disney 79%, P&G 88% và điển hình là Microsoft gần 98% tài sản doanh nghiệp kết tinh từ trí tuệ.

Đó là những hình mẫu để doanh nghiệp Việt Nam hướng tới nếu muốn đi lên bằng những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao./.                                                                   

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên