Tiết kiệm thế nào trong lạm phát?
Tiết kiệm, hiểu đến cùng là tìm cách sử dụng hợp lý nhất, hiệu quả nhất những nguồn lực mà mình có để phục vụ sản xuất và đời sống…
Trước tình hình lạm phát tăng cao, kinh tế vĩ mô có nhiều bất ổn, gây xáo trộn tâm lý xã hội, một trong những khấu hiệu được nhiều người kêu gọi là cần triệt để thắt lưng, buộc bụng, thực hành tiết kiệm. Tuy vậy, tiết kiệm trong bối cảnh ngày nay cần được hiểu như thế nào cho hợp lý?
Trước hết cần phải nói rằng, trong điều kiện giá cả liên tục leo thang như hiện nay, bộ phận chịu nhiều áp lực nhất trong xã hội chính là tầng lớp công nhân- lao động ở cả thành thị và nông thôn, hàng triệu gia đình nghèo và cận nghèo. Bộ phận này chiếm phần đông trong xã hội. Không cần phải hô hào tiết kiệm, tự họ đã phải biết tính toán, điều chỉnh chi tiêu cho hợp với hoàn cảnh, trong khi chờ đợi các chính sách, biện pháp về an sinh xã hội đến được với mình và phát huy tác dụng.
Trong bối cảnh đó, hiện tượng một bộ phận những người khá giàu thích tiêu dùng các mặt hàng xa xỉ như điện thoại giá hàng chục triệu đồng, xe ô tô siêu sang giá hàng trăm ngàn đến hàng triệu USD, sáng sáng, họ ăn những bát phở giá 500.000 - 800.000 đồng/bát,…đã ít nhiều tạo ra những phản ứng có phần cực đoan trong xã hội.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong lúc đất nước còn khó khăn, nền kinh tế còn khan hiếm ngoại tệ, thói quen tiêu dùng như vậy là đáng lên án.
Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận hiện tượng nêu trên phải thái độ bình tĩnh. Xã hội ta sau một thế hệ đổi mới, giờ đây rất khác với thời kỳ bao cấp hay thời chiến.
Thay vì cơ chế phân phối và tiêu dùng theo kiểu cào bằng, giờ đây, người ta có quyền hưởng thụ theo thu nhập hợp pháp của mình. Nếu đã chấp nhận thực tế có một bộ phần giàu trước và giàu lên nhanh chóng, thì cũng cần nhìn nhận thói quen tiêu dùng khác với đại bộ phận dân cư là bình thường. Thói quen tiêu dùng ấy cũng góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
Nhà nước chỉ có thể điều tiết việc nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ thông qua công cụ chính sách, chủ yếu là chính sách thuế. Nếu đánh thuế nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ gấp đôi, gấp ba giá trị hàng nhập khẩu mà vẫn chưa hiệu quả, Nhà nước có thể áp một mức thuế cao hơn. Số tiền thuế này nên sử dụng để thực hiện các chính sách an sinh xã hội hướng về người nghèo. Đấy chính là sự công bằng.
Theo cách hiểu như trên thì thói quen tiêu dùng xa xỉ của tầng lớp khá giàu không liên quan gì đến phương châm “thắt lưng, buộc bụng” thời kỳ tăng giá.
Tiết kiệm, hiểu đến cùng là tìm cách sử dụng hợp lý nhất, hiệu quả nhất những nguồn lực mà mình có để phục vụ sản xuất và đời sống. Nguyên tắc này chi phối hành vi của mọi cá nhân, mọi tổ chức và nói rộng ra là công tác quản trị quốc gia.
Việc tiêu dùng vượt quá năng lực kiếm tiền của cá nhân mình, gia đình mình, tiêu dùng theo tâm lý chụp giật, cầu may mới là đáng lên án và trái với đạo đức xã hội.
Trong kinh doanh nếu đầu tư lãng phí, hiệu quả thấp, bóc ngắn, cắn dài cũng chính là một biểu hiện không tiết kiệm, rất đáng bị lên án, chấn chỉnh.
Hiểu như vậy thì hoạt động đầu tư công, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp Nhà nước là lĩnh vực cần chấn chỉnh mạnh mẽ nhất.
Theo thống kê, hiện nay hiệu quả đầu tư của khu vực này rất thấp, với hệ số ICOR từ 8- 12, tức là để có 1 đồng tăng trưởng, khu vực này phải đầu tư từ 8 đến 12 đồng, trong khi khu vực tư nhân chỉ là 4,4 đồng.
So với các nước xung quanh, ví dụ như Singapore, hệ số ICOR của họ chỉ là 3 - 3,4. Đáng chú ý, đầu tư của khu vực công mấy năm gần đây liên tục tăng cao, năm 2009 chiếm hơn 40% GDP và năm 2010 chiếm tới hơn 46%.
Hiệu quả đầu tư đã thấp và những lãng phí mà báo chí đã phản ánh nhiều chính là những biểu hiện phản tiết kiệm quá rõ ràng. Lấy một ví dụ, ai đã từng sống trên phố Bà Triệu, Hà Nội, trong 10 năm qua, có thể chứng kiến không dưới 5 lần vỉa hè tuyến phố này bị đào lên lát lại vào các dịp lễ lạt. Nếu giao số tiền ấy cho một gia đình ở mặt phố ấy để họ tự lát vỉa hè trước nhà, chắc chắn làm một lần, 10 năm sau vẫn còn dùng tốt.
Nói cách khác, những người có trách nhiệm trong quản lý và sử dụng các khoản đầu tư công, các nguồn lực khan hiếm thuộc sở hữu toàn dân phải làm gương cho cả xã hội về sự tiết kiệm. Và để làm gương, trước hết cần học tâm lý của những người nghèo khi cân nhắc tiêu những đồng tiến ít ỏi của mình, ai tiêu tiến Nhà nước cũng phải có tâm lý như vậy. Giảm các cuộc hội họp, những chuyến công cán trong nước và nước ngoài không cần thiết…chính là những việc có thể làm ngay.
Cuối cùng, nên nhìn nhận những khó khăn, bất ổn về kinh tế và xã hội hiện nay theo hướng tích cực. Tức là, mỗi lúc khó khăn thúc ép tưởng như không vượt qua được, chính là lúc chúng ta đạt được quyết tâm cao nhất để thay đổi. Chỉ có như vậy, mục tiêu giảm bội chi ngân sách dưới 5%, tiết kiệm chi thường xuyên tới 10%, hay việc cắt giảm các dự án đầu tư công chưa cần thiết, hiệu quả thấp sẽ được kiên quyết thực hiện. Và xa hơn, khi không bị quá cấu thúc về mục tiêu tăng trưởng nữa, chúng ta dành ưu tiên cao hơn cho tái cấu trúc thành công nền kinh tế, chuẩn bị cho một chặng tăng trưởng dài hơn, ổn định hơn, bền vững hơn, theo đúng tinh thần kết luận về kinh tế - xã hội năm 2011 của Bộ chính trị mới đây./