Tin đồn: thủ đoạn trong cạnh tranh

Một số doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, dùng thủ đoạn nhằm hạ thấp và loại trừ các đối thủ để độc chiếm thị trường

Cạnh tranh là một nhu cầu tất yếu của hoạt động kinh tế trong cơ chế thị trường, nhằm mục đích chiếm lĩnh thị phần, tiêu thụ được nhiều sản phẩm hàng hoá để đạt được lợi nhuận cao nhất. Câu nói cửa miệng của nhiều người hiện nay "thương trường như chiến trường", phản ánh phần nào tính chất gay gắt khốc liệt đó của thị trường cạnh tranh tự do.

Tuy nhiên, bên cạnh những giải pháp cạnh tranh tích cực như: không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, cải tiến hình thức mẫu mã, xúc tiến thương mại, khuyến mãi, mở rộng thị trường trong và ngoài nước,... thì không ít cơ sở sản xuất, doanh nghiệp còn sử dụng những chiêu thức "đen" nhằm hạ thấp và loại trừ các doanh nghiệp hoạt động trên cùng một lĩnh vực ngành nghề để độc chiếm thị trường. Một trong những thủ đoạn "đen", ít tốn kém đầu tư mà gây thiệt hại lớn cho các đối thủ cạnh tranh là tung tin thất thiệt, dân gian thường gọi là tin đồn. Tin đồn có ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp đối thủ, tập trung vào các vấn đề nhạy cảm như phương thức kinh doanh, tổ chức nhân sự, chất lượng sản phẩm, thậm chí đôi khi cả những khuyết tật đời tư cá nhân của các nhân vật chủ chốt trong đơn vị, doanh nghiệp đó.

Trên thế giới, không ít các đại gia lừng danh đã từng là nạn nhân của những thông tin thất thiệt này như: Sony, Erickson, Coca Cola, Pepsi... Ở nước ta, tuy nền kinh tế thị trường mới hình thành và phát triển chưa lâu nhưng thủ đoạn tung tin thất thiệt cũng xảy ra và đang có chiều hướng ngày một gia tăng không kiểm soát được, làm không ít doanh nghiệp làm ăn chân chính rơi vào vòng lao đao thiệt hại kinh tế rất lớn.

Còn nhớ cách đây không lâu, Nhà máy Đồ hộp Hạ Long (Hải Phòng) đã phải gánh chịu hậu quả của loại thông tin tai bay vạ gió này. Khi sản phẩm của nhà máy đang tiêu thụ rất mạnh tại thị trường TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, có tin tung ra, sản phẩm đồ hộp Hạ Long không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Báo hại, các đại lý của nhà máy ở TP Hồ Chí Minh bị người tiêu dùng xa lánh, tẩy chay không tiêu thụ được, thị phần bị tụt giảm hẳn, mất gần hai năm mới khôi phục lại được, gây thiệt hại doanh thu rất lớn. Nhưng rồi cũng không tìm ai là thủ phạm của chiêu thức tai bay vạ gió này.

Một vụ "oan gia" điển hình nữa là vụ nước khoáng Đảnh Thạnh (Khánh Hoà) đang bán chạy trên thị trường Miền Trung- Tây Nguyên, thì có tin đồn, loại nước khoáng này được sản xuất trên dây chuyền công nghệ lạc hậu, không bảo đảm hàm lượng các chất khoáng theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Thế là, sản phẩm ứ động, người tiêu dùng xa lánh... Báo hại Xí nghiệp Nước khoáng Đảnh Thạnh và các cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hoà phải mất rất nhiều thời gian, thủ tục kiểm nghiệm để chứng minh loại nước khoáng này bảo đảm đầy đủ các chất cũng như quy trình sản xuất đủ tiêu chuẩn ATVSTP quốc gia. Tuy nhiên, "chờ được vạ thì má đã sưng", xí nghiệp không chỉ thất thu trong kinh doanh, mà tác hại của những tin đồn thất thiệt này đã làm cho người tiêu dùng mặc cảm với các sản phẩm của Xí nghiệp trong một thời gian dài, mặc dù sau đó đã biết chỉ là thông tin thất thiệt.

Đó là những thủ đoạn tung tin đồn gây thiệt hại lớn, còn như cạnh tranh kiểu tin đồn cò con thì hầu như diễn ra hằng ngày mà nhiều người gọi là "hội chứng" tin vịt. Ví như: một doanh nghiệp đang tham gia đấu thầu xây dựng một công trình, bỗng có tin đồn doanh nghiệp này đang có vấn đề về tài chính, hay các công trình đã được doanh nghiệp thực hiện trước đó có nhiều vấn đề gian dối không bảo đảm chất lượng, thế là thua thầu, thậm chí không được tham gia đấu thầu chờ kết quả kiểm tra. Tương tự như vậy, khu du lịch này muốn hạ bệ khu du lịch kia thì tung tin: khu du lịch ấy mất vệ sinh, chất lượng phục vụ kém,trật tự an ninh không bảo đảm... thế là mất khách như chơi.

Quả thật, tin đồn thất thiệt đang trở thành một vũ khí cạnh tranh hiểm độc của những kẻ làm ăn không lương thiện. Nhưng đối phó được với hình thức cạnh tranh "bẩn" này quả không dể, bởi "khẩu thiệt vô bằng". Các doanh nghiệp của ta lâu nay hầu như chưa có được những biện pháp hữu hiệu để chống lại hình thức cạnh tranh bằng cách tung tin thất thiệt này, mà hầu hết đều dựa vào các cơ quan quản lý Nhà nước.

Nhưng ngay các cơ quan chức năng của Nhà nước cũng rất lúng túng và bị động trong xử lý đối với thủ đoạn cạnh tranh "đen" này. Mà minh chứng cụ thể nhất là hội chứng tin đồn về giá gạo ảo trong những tháng đầu năm 2008, làm cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng lao đao, các cấp ngành chức năng lúng túng, gây cho việc xuất khẩu gạo trì hoãn, thiệt hại cho đất nước hàng trăm triệu USD.

Mặc dù hiện nay chúng ta đã có Luật Cạnh tranh, trong đó đưa ra nhiều hành vi bị cấm như: mua chuộc, dụ dỗ, ép buộc trong kinh doanh, dèm pha doanh nghiệp khác, quảng cáo sai với thực chất, phân biệt đối xử trong hiệp hội, bán hàng đa cấp bất chính. Như vậy, thủ đoạn tung tin thất thiệt để cạnh tranh được xếp vào điều cấm: gièm pha doanh nghiệp. Đây là hành lang pháp lý để các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh hơn, các cơ quan chức năng có cơ sở pháp lý để xử lý những thủ đoạn cạnh tranh bằng tin đồn "đen".

Tuy nhiên, việc phát hiện nguồn gốc phát xuất của tin đồn không phải là việc đơn giản, đòi hỏi rất nhiều thời gian công sức, tiền bạc mới điều tra được. Mà nếu có điều tra ra được thì chế tài xử lý cũng còn nhiều bất cập, thậm chí còn rất nhẹ so với những thiệt hại vô hình cũng như hữu hình mà thương hiệu của doanh nghiệp đó gánh chịu. Vì vậy, bên cạnh sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền, hiệp hội ngành nghề trong việc phòng chống tin đồn thất thiệt, giải pháp tốt nhất là các nhà sản xuất, kinh doanh phải tự bảo vệ mình, bằng nghiệp vụ quản trị thông tin, bằng chất lượng sản phẩm và chữ tín của doanh nghiệp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên