Tính chuyên nghiệp và đạo đức công vụ của công chức

Đã đến lúc ngành nội vụ phải được đặt đúng vị trí của mình trong vai trò kiến trúc sư cho việc xây dựng và vận hành bộ máy công quyền của đất nước.

Phiên đăng đàn của người đứng đầu Bộ nội vụ trước Ủy ban thường vụ Quốc hội cho thấy bên cạnh những việc đã làm được trong công tác cán bộ và vai trò của đội ngũ cán bộ công chức trong việc thực thi công quyền, vẫn còn đó nhiều bất cập khi những cam kết cải cách nền hành chính đang đặt ra nhiều yêu cầu về tính chuyên nghiệp và đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ công chức.

"Vị tư lệnh" ngành nội vụ đăng đàn trả lời chất vấn trước Ủy ban thường vụ Quốc hội cho thấy đã đến lúc ngành nội vụ phải được đặt đúng vị trí của mình trong vai trò "kiến trúc sư" cho việc xây dựng và vận hành bộ máy công quyền của đất nước.

Trong phần trả lời chất vấn của mình, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến việc tuyển dụng, sử dụng cán bộ công chức viên chức, chế độ đối với cán bộ bán chuyên trách ở cơ sở, vấn đề đào tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước… Buổi chất vấn cũng hé mở một điều là đã đến lúc không thể lơ là với yêu cầu ngày càng chuyên nghiệp và nâng cao đạo đức công bộc của đội ngũ cán bộ công chức trong mối quan hệ với nhân dân.

Còn nhớ cách nay mấy tháng, dư luận cả nước từng ngỡ ngàng trước vụ những ván cờ tiền tỉ của mấy ông “quan cờ” Sóc Trăng, mà nếu không vỡ lở làm lộ diện những ông quan học vấn lem nhem nhưng con đường quan lộ như diều gặp gió thì chắc gì thực trạng lỏng lẻo về chuẩn mực trong việc bổ nhiệm công chức ở tỉnh này đã lộ ra. Hay như vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng, ai cũng thấy sai phạm đã được câu kết từ chính quyền xã đến cấp huyện, lại được che chắn của cấp thành phố; sự đồng lõa giữa chính quyền với tòa án; sự quan liêu, thiếu trách nhiệm của các tổ chức dân cử từ Hội đồng Nhân dân, đoàn đại biểu Quốc hội địa phương đến các đoàn thể xã hội, khi họ im hơi lặng tiếng trước những việc làm trái pháp luật của một số quan chức địa phương… Chỉ vài ví dụ đó thôi cũng đủ thấy có một khoảng cách khá lớn giữa năng lực và đạo đức công vụ với yêu cầu nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ công chức trong cơ quan hành chính.  

Ví như việc ban hành văn bản hành chính bộc lộ hàng loạt yếu kém và ẩn giấu động cơ vụ lợi. Đơn giản là sai về ngữ pháp, không khớp giữa hình thức và nội dung văn bản, trầm trọng hơn là chồng chéo, mâu thuẫn giữa tầng tầng lớp lớp văn bản dưới luật của các cơ quan hành chính, mà điển hình là với 200 văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Thế mà khi thực hiện, bộ luật này cũng bị nhiều công chức làm cho méo mó. Rõ ràng cơ chế quản lý công chức có nhiều lỗ thủng song lại ít người thấy chính đội ngũ công chức có trách nhiệm rất lớn trong việc dự thảo, ban hành và tổ chức thực thi pháp luật. Tồn tại này cần phải được nghiêm túc nhìn nhận để chấn chỉnh.

Đó là khắc phục ngay tình trạng luân chuyển, bổ nhiệm một số cán bộ đoàn thể xã hội vào vị trí lãnh đạo quan trọng của cơ quan hành chính, nhất là ở các sở chuyên ngành. Bởi chỉ sau một thời gian ngắn, vô tình hay hữu ý họ sẽ bỏ ghi các hoạt động vốn đòi hỏi tính chuyên sâu về nghiệp vụ và kỹ năng quản lý. Một quyết định hành chính sẽ không khả thi khi lợi ích công cộng lại nhỏ hơn sự thiệt hại của dân. Thậm chí nếu chỉ mang lại lợi ích cho nhóm nhỏ có quyền và có tiền thì lại càng không thể chấp nhận được.

Thứ hai là phải xác định trách nhiệm của ngành Nội vụ khi để xảy ra tình trạng yếu kém ở các bộ ngành và địa phương. Vì chính họ là người chịu trách nhiệm xây dựng chiến lược và quy hoạch đội ngũ công chức, đặc biệt là trong giám sát chuẩn mực nghề nghiệp khi tuyển dụng, bổ nhiệm, đãi ngộ và kỷ luật công chức trong các cơ quan công quyền.

Ba là cần xác định chế độ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan. Bởi thực tế có nhiều người đòi được toàn quyền song lại không thấy đòi phải được quy trách nhiệm.

Nếu nhìn nhận muốn tái cơ cấu nền kinh tế, ổn định xã hội, trước hết phải đẩy mạnh cải cách hành chính thì cần đặt đúng vị trí, vai trò của Bộ Nội vụ. Nên chăng bắt đầu từ việc củng cố đội ngũ công chức ngành này, cơ cấu lại ngân quỹ tiền lương và có chính sách để các đoàn thể xã hội vừa phát huy được vai trò, vừa cải thiện tiền lương công chức.

Yếu kém về chuyên môn còn bồi dưỡng để nâng cao, nhưng hỏng về thái độ, động cơ thì rất khó cải thiện. Đất nước đang cần sự cam kết chính trị thật lòng để củng cố đội ngũ công chức liêm chính và chuyên nghiệp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên