Tổ chức của nông dân, do nông dân và vì nông dân

Nông dân Việt Nam ta cần có tổ chức mạnh để giành thắng lợi trong cơ chế thị trường và chuyển mình thành công trong quá trình công nghiệp hóa.

Không có tổ chức thực sự hỗ trợ nên mặc dù là lực lượng đông nhất trong dân cư Việt Nam, nhưng vai trò, vị thế, tiếng nói của cư dân nông thôn trong xã hội, trong chính sách, trong kinh tế rất yếu ớt. Hơn 10 triệu hộ nông dân sản xuất nhỏ, không hành động thống nhất, không có đại diện để mặc cả, thương lượng, xử lý tranh chấp… là tình trạng bất hợp lý trong bối cảnh kinh tế thị trường cạnh tranh gay gắt và hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, trong cơ chế kế hoạch, về lý thuyết, không có sự khác biệt đối lập về quyền lợi giữa các bộ phận xã hội. Do đó, tổ chức đại diện cho người lao động như công đoàn, hội nông dân, đóng vai trò “cánh tay nối dài của Đảng, chính quyền” là hợp lý. Nhưng chuyển sang cơ chế thị trường, khi “hạ tầng cơ sở” đã chuyển biến mạnh mẽ tạo ra khác biệt rất lớn về quyền lợi trong các mối quan hệ giữa người sản xuất và người tiêu dùng, giữa người quản lý, nhà đầu tư và người lao động, thì ở “thượng tầng kiến trúc” vẫn tồn tại một cách duy ý chí hình thức quản lý hành chính với các tổ chức đại diện cho người lao động. Nếu cán bộ công đoàn, hội nông dân sống bằng lương nhà nước hay tiền công của giới chủ, không trực tiếp do người lao động bầu ra và nuôi nấng, đương nhiên không thể bảo vệ quyền lợi thiết thân cho người lao động.

Lãnh tụ Hồ Chí Minh trong cuốn “Đường kách mệnh” 80 năm trước đã chỉ ra những việc “tổ chức dân cày” phải làm. Theo đó, mục tiêu của hội phải là bảo vệ quyền lợi kinh tế, chính trị, văn hóa cho nông dân; đối tượng hội viên phải thực sự là nông dân; công việc của hội phải thiết thực, có lợi cho dân, cho nước như dạy cách làm ăn, tổ chức hợp tác xã, phát triển giáo dục, văn hóa, chống hủ tục, tệ nạn xã hội, cứu trợ xã hội. Đáng chú ý, khi tổ chức Đại hội, phải cử đại biểu là người lao động, không phải là quan chức của Hội. Sự khác biệt chính giữa Hội với các tổ chức chính trị như Đảng là Hội phải chú trọng về khía cạnh kinh tế.

Đối chiếu với những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, Hội Nông dân Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để thực sự là tổ chức “của nông dân, do nông dân và vì nông dân”. Theo đó, khác với các đoàn thể chính trị xã hội khác, Hội là tổ chức bảo vệ quyền lợi cho đội ngũ lao động lớn nhất cả nước với 10 triệu hội viên. Trước tác động tổng hợp của công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, thị trường hóa, quyền lợi của lao động nông thôn đang trải qua những biến động to lớn. Người nông dân mong đợi Hội các hoạt động thiết thực hỗ trợ sản xuất và đời sống, tham gia xử lý các tranh chấp, tổ chức các chương trình phát triển nông thôn, đóng góp xây dựng và thực hiện chính sách.

Vì vậy, cần nghiêm túc nghiên cứu phương án đổi mới Hội thành tổ chức kinh tế xã hội, chú trọng vào hoạt động kinh tế. Thành viên của hội nên tập trung vào tầng lớp nông dân hoặc lao động nông thôn. Những người đại diện của tổ chức nông dân phải được nông dân tín nhiệm bầu lên. Đại biểu tham dự Đại hội đa số phải là người thực sự làm nghề nông. Chương trình nghị sự của Đại hội, nội dung hoạt động của Hội phải tập trung vào việc làm ăn của nông dân, những vấn đề thiết thân đến đời sống lao động nông thôn. Kinh phí của Hội, kể cả quỹ lương cho cán bộ dù được Nhà nước trợ cấp nhiều nhưng vẫn phải dựa vững vào đóng góp tự giác của hội viên và hoạt động kinh doanh của Hội.

Để có thể đảm nhiệm trọng trách của mình trong các hoạt động kinh tế xã hội, Nhà nước song song với việc tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, hội viên của Hội và hỗ trợ kinh phí, cũng từng bước phân cấp, giao quyền để Hội tự chủ, quản lý các công việc, tham gia dịch vụ công trực tiếp phục vụ nông dân, phục vụ nông nghiệp như đào tạo nghề, dịch vụ hỗ trợ sản xuất, bảo vệ sản xuất, triển khai các chương trình phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo.

Các tổ chức nông dân bắt nguồn từ cộng đồng thôn bản phải trở thành những đơn vị tự quản, tự chủ để đóng vai trò chủ động trong quá trình quản lý xã hội, khai thác sử dụng các cơ sở hạ tầng ở nông thôn và tổ chức phát triển kinh tế hợp tác. Tiếp đến hỗ trợ để Hội Nông dân có vị thế bảo vệ quyền lợi của cư dân nông thôn trong quá trình xây dựng và triển khai chính sách, có tiếng nói công bằng đại diện cho nông dân trong đời sống chính trị xã hội của đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên