Toyota, lỗi và những câu hỏi chưa có lời đáp

Thật bất công khi người tiêu dùng Việt Nam phải bỏ ra số tiền nhiều hơn nơi khác để mua 1 chiếc xe cùng chủng loại nhưng kém chất lượng

Sáng 8/4, báo chí trong nước đồng loạt loan tin, Toyota Việt Nam sẽ triệu hồi hàng chục nghìn xe bị lỗi để kiểm tra và xử lý miễn phí cho các khách hàng. Cuối cùng thì Toyota Việt Nam đã phải thừa nhận lỗi đúng như một kỹ sư đang làm việc cho Toyota Việt Nam “tố giác” trước đó ít ngày.

Ở nhiều nước trên thế giới, một hãng nào đó sản xuất sản phẩm bị lỗi, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng đều phải thu hồi lại để sửa chữa, thậm chí phải bồi thường cho khách hàng là chuyện rất bình thường. Ấy thế nhưng ở Việt Nam, chuyện đó lại không bình thường. Không bình thường trong hành xử khi sự việc xảy ra. Không bình thường đối với cả cơ quan quản lý, cả hãng sản xuất và người tiêu dùng. Sau lỗi của Toyota Việt Nam còn  đó những câu hỏi không dễ trả lời.

Trách nhiệm trong vụ việc này là dấu hỏi lớn nhất và cũng là quyền được hỏi của người tiêu dùng nước ta. Giả sử, nếu không có tố cáo của người kỹ sư người Việt Nam làm việc tại Toyota, liệu Cục Đăng kiểm - cơ quan được Nhà nước trao trọng trách kiểm định chất lượng ô tô ở Việt Nam có phát hiện được gì để bảo vệ người dân theo chức năng của mình phải làm? Hoạt động hàng ngày của cơ quan này từ lâu được tổ chức ra sao, tại sao không thể chủ động phát hiện và ngăn ngừa những vụ kiểu như thế này?

Nói như thế bởi suy theo diễn biến sự việc mới thấy Cục Đăng kiểm chỉ trả lời sẽ thẩm tra sau khi có ai đó phát hiện hoặc làm việc theo kiểu thụ động đến buồn cười là chờ… Toyota Việt Nam báo cáo lỗi rồi có hướng xử lý kiểu như ông Đỗ Hữu Đức, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam trả lời phóng viên VOV cách đây 1 ngày.

Dư luận cũng có quyền hỏi, tại sao cơ quan này với quyền hạn và trách nhiệm của mình không trực tiếp kiểm tra các xe trong diện tố cáo bị lỗi để có căn cứ hơn trong việc ra các quyết định hoặc ít ra là đưa ra các yêu cầu nghiêm khắc đối với lỗi của Toyota Việt Nam? Cách làm như hiện nay người ta có quyền nhận xét: “chuẩn về tiêu chuẩn của Việt Nam thấp quá”, khâu kiểm duyệt chất lượng sản phẩm, các yếu tố kỹ thuật dường như cũng dễ dãi, qua loa?

Dư luận có quyền yêu cầu và đề nghị cơ quan chức năng kiểm định lại tất cả các dòng xe Toyota đang sản xuất ở Việt Nam, chứ không phải riêng dòng Toyota Innova hay Fortuner vừa bị tố lỗi, vì không ai có thể đảm bảo hàng chục nghìn xe mang nhãn hiệu Toyota sản xuất ở Việt Nam được kiểm định bởi Cục Đăng kiểm lại không bị lỗi khi dây chuyền sản xuất xe của hãng này có vấn đề như thế?  

Đấy là cơ quan chức năng, còn về phía Toyota Việt Nam thì sao? Dư luận vẫn nhớ cách đây vài ngày, đại diện Toyota Việt Nam người Nhật Bản khi trả lời báo chí và giải trình về các lỗi của hàng chục nghìn chiếc xe đã sản xuất và bán ra ở thị trường Việt Nam thừa nhận, đã biết những lỗi này, nhưng vẫn cố gắng tái khẳng định không ảnh hưởng đến an toàn chung của xe và tuyên bố sẽ không thu hồi xe khiến dư luận bức xúc và bất bình.

Theo dõi thông tin mới thấy, Toyota Việt Nam đã biết xe có lỗi nhưng vẫn phớt lờ cảnh báo và cố tình đưa xe ra thị trường. Khẳng định như thế bởi Toyota khó có thể trả lời được câu hỏi là tại sao phải đợi đến khi chính kỹ sư của mình tố giác thì Toyota Việt Nam mới giải trình với khách hàng?

Rõ ràng Toyota Việt Nam đã xem thường khách hàng Việt Nam, xem  thường tính mạng con người và đây là điều không thể chấp nhận của một hãng sản xuất xe hơi danh tiếng như Toyota.

Qua sự việc vừa rồi của Toyota Việt Nam còn cho thấy những điều đáng buồn khác, đó là quyền của người tiêu dùng Việt Nam chưa được phát huy hết. Sẽ là bất công vì những người tiêu dùng Việt Nam đã bỏ ra số tiền nhiều gấp vài lần các nước khác để mua một chiếc xe Toyota cùng chủng loại nhưng kém chất lượng hơn, lại còn có lỗi nguy hiểm đến tính mạng. Sự vào cuộc của cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, của chính người tiêu dùng chậm và thiếu kiên quyết đã khiến cho việc đòi quyền lợi, đòi bồi thường - quyền  chính đáng của người tiêu dùng không được thực thi.

Sự nhận lỗi và triệu hồi xe bị lỗi của Toyota thiết nghĩ là hành động cần thiết và cần phải làm. Nếu không hành động đúng, chắc chắn Toyota Việt Nam sẽ mất nhiều, nhất là việc mất đi niềm tin của người tiêu dùng Việt vốn chuộng thương hiệu xe hơi nổi tiếng Toyota.

Toyota đang tụt dốc về hình ảnh khi một thống kê chưa đầy đủ cho thấy, chỉ trong vòng 16 tháng qua, trên phạm vi toàn cầu, Toyota đã phải thu hồi lượng xe kỷ lục lên đến 18 triệu chiếc./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên