Trả nghĩa quá khứ để hướng về tương lai
“Đền ơn đáp nghĩa” là việc phải làm ngày càng tốt hơn để trả nghĩa cho quá khứ bi tráng và hào hùng của dân tộc Việt Nam
27/7 hàng năm là dịp để chúng ta tưởng nhớ về các liệt sĩ với lòng biết ơn vô hạn. Dịp này, mỗi người chúng ta, mỗi tổ chức, cơ quan, đoàn thể, địa phương lại có thêm nhiều nghĩa cử quan tâm đến các thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng. Đây cũng là dịp để giáo dục đạo lý truyền thống “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta.
Chiến tranh đã lùi xa nhiều thập kỷ, nhưng hậu quả của nó còn đeo bám chưa thôi. Nhiều gia đình hàng năm làm giỗ chung một ngày. Không ít gia đình chưa tìm thấy mộ người thân. Nhiều thương binh, bệnh binh như bước vào trận chiến đấu mới mỗi khi trái nắng trở trời. Có những bà mẹ lần lượt tiễn chồng con ra trận, hôm nay lặng lẽ khóc thầm tưởng chuyện mới xảy ra hôm qua. Và còn đó những vùng đất chưa rà phá hết bom mìn, những khu vực ô nhiễm chất độc da cam. Di chứng chiến tranh đã ảnh hưởng sang thế hệ thứ ba.
Hãy bày tỏ lòng biết ơn các liệt sĩ không chỉ trong dịp 27/7 (Ảnh: Hà Thành) |
Nói như thế để thấy rằng, những gì mà chúng ta có được ngày hôm nay không chỉ nhờ vào mồ hôi, nước mắt, mà còn thẫm đẫm máu xương của các thế hệ cha anh. Cũng chính vì thế mà “đền ơn đáp nghĩa” là phong trào có sức sống mạnh mẽ nhất trong lịch sử đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ta.
Từ năm 1947 đến nay, Nhà nước ta đã ban hành hàng nghìn văn bản pháp quy và hướng dẫn cụ thể hoá chế độ, chính sách ưu đãi đối với thương binh bệnh binh, người có công. Vì vậy, hiện nay cả nước có hơn 2 vạn thương binh bệnh binh, 6 vạn bố mẹ liệt sĩ cô đơn già yếu, tất cả mẹ Việt Nam anh hùng được Nhà nước chu cấp, được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đoàn thể nhận phụng dưỡng. Hơn 8 triệu người được hưởng chế độ ưu đãi một lần và hàng tháng. Hàng triệu người là vợ, con, cháu thương binh, liệt sĩ được về giáo dục đào tạo, chăm sóc y tế. Gần 1,5 vạn cán bộ lão thành cách mạng được giải quyết nhà ở, hơn 1 triệu người được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Hàng chục vạn thanh niên xung phong, người bị nhiễm chất độc da cam được trợ cấp. Từ năm 1975 đến nay có hàng vạn hài cốt liệt sĩ được tìm ra danh tính, được cất bốc về an táng và hương khói tại quê nhà.
Cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, liệt sĩ, người có công được triển khai và thực hiện sâu rộng với nhiều hình thức phong phú và thiết thực. Quĩ “đền ơn đáp nghĩa” được xây dựng trong cả nước đã góp phần xây cất hàng chục vạn căn nhà tình nghĩa, trao tặng gần nửa triệu quyển sổ tiết kiệm, xây mới hàng nghìn nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia tưởng niệm, tạo lập hàng vạn vườn cây tình nghĩa,...
Có thể nói, trên khắp đất nước ta, ở địa phương nào, tại các cơ quan ban ngành, tổ chức, doanh nghiệp, đoàn thể, trường học nào cũng có phong trào “đền ơn đáp nghĩa”. Toàn dân ta, từ học sinh tiểu học đến các cụ cao niên đều có những hoạt động tri ân phù hợp với hoàn cảnh, rất đa dạng và cụ thể, thiết thực. Sức sống của phong trào “đền ơn đáp nghĩa” còn được minh chứng bằng nỗ lực tự vươn lên của các thương binh, bệnh binh, gia đình có công với nước. Cho dù là làm kinh tế gia đình hay tham gia lao động ở các xưởng sản xuất, xí nghiệp, nông trại,... tham gia công tác ở thôn xóm, tổ dân phố,... họ đều quyết tâm hoàn thành công việc với trách nhiệm và chất lượng cao nhất. Hàng nghìn thương binh, người có công trở thành những doanh nhân thành đạt, tạo công ăn việc làm phù hợp với thu nhập ổn định cho hàng chục vạn lao động, đóng góp đáng kể cho ngân sách.
Tuy nhiên, công tác “đền ơn đáp nghĩa” vẫn có những tồn tại, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng trước đây là căn cứ cách mạng. Một số tồn đọng về chính sách chưa được bổ sung, khi thực hiện chưa giám sát đầy đủ dẫn đến hỗ trợ sai đối tượng. Một bộ phận người có công do thất lạc giấy tờ chưa được hưởng chính sách. Thủ tục đối với cựu thanh niên xung phong, các chiến sĩ, du kích tham gia kháng chiến còn làm chậm,... Ngoài ra, hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” ở nhiều nơi chưa gắn với việc giáo dục truyền thống, còn nặng về vận động quyên góp; nhiều nơi chưa thực hiện thường xuyên, chỉ tập trung vào dịp 27/7 và những ngày lễ Tết.
Để tiếp tục thực hiện đầy đủ và chu đáo hơn công tác này, ngoài việc khắc phục những tồn tại như vừa kể cần đổi mới chính sách đãi ngộ người có công theo hướng nâng cao mức trợ cấp, tổ chức cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản phù hợp với từng đối tượng và đặc thù từng địa phương. Có thể nghiên cứu mở rộng diện đãi ngộ người có công, chẳng hạn đối với những người là dân quân, du kích, những gia đình đã che giấu, bảo vệ cán bộ, ủng hộ cách mạng mà phải hi sinh hoặc bị thương tật. Cùng với đó, từng cấp, từng ngành, từng cơ quan đơn vị cần quan tâm, tạo điều kiện để người có công tích cực tham gia vào các hoạt động chung, góp phần ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bản thân và gia đình họ.
“Đền ơn đáp nghĩa” là việc phải làm ngày càng tốt hơn để trả nghĩa cho quá khứ bi tráng và hào hùng của chúng ta, hàn gắn đau thương do chiến tranh gây ra, góp phần thúc đẩy quá trình hòa giải dân tộc để hướng tới tương lai../.