Trả Trung Thu về cho các em
VOV.VN -Cuộc sống càng khấm khá thì giá trị tốt đẹp của Tết Trung Thu càng không còn nguyên vẹn.
Trung thu ngày nay khác xưa rất nhiều. Trẻ em không háo hức trông trăng nữa, còn người lớn nếu không coi đó là cơ hội kinh doanh thu lợi thì cũng là dịp để biếu xén trả ơn nghĩa. Có người nói, người lớn lấy mất Trung thu của trẻ em rồi! Không hề quá lời bởi thực tế đáng báo động hơn thế, vì người lớn đã và còn đang lấy mất nhiều thứ khác của trẻ em.
Vẫn trăng rằm tháng Tám, vẫn đèn ông sao, bánh trái và đồ chơi nhiều hơn trước, nhưng vì sao trẻ em không háo hức như trước nữa? Bởi vì, đa số các em vừa tập tụ vui chơi vừa phải lo việc học ngày hôm sau với quá nhiều bài tập làm thêm. Người lớn thì mải vật lộn với cuộc sống bộn bề. Thay vì trang hoàng nhà cửa, chọn mua quà cho con trẻ, nhiều người chỉ kịp lướt qua các tiệm đồ chơi và cửa hàng bánh trái.
Nhiều gia đình chẳng dư dật gì nên bánh kẹo không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn nằm trên mâm cỗ trông trăng của các em. Ở những đô thị lớn đời sống khá hơn thì Trung Thu thay hình đổi dạng khó mà nhận ra nữa.
Dạy các bé cách làm đèn ông sao |
Từ những phiên chợ đêm nhan nhản “mặt nạ da người”, đầy rẫy hình ảnh, đồ chơi nhập ngoại lạ lẫm, cho đến những gói quà biếu xén trả ơn nghĩa trị giá triệu nọ - chục triệu kia, có hộp bánh bán đi nuôi được một gia đình 4 người đủ ăn cả năm thì hỏi rằng, có quá lời không khi nói người lớn đã lấy mất Trung Thu của trẻ em?!
Thực tế còn đáng báo động hơn thế, vì người lớn đã và vẫn đang lấy đi nhiều thứ khác của trẻ em. Cha mẹ bận rộn làm ăn thiếu thời gian thích đáng để quan tâm chăm sóc các em. Chương trình học nặng nề, học thêm tràn lan lấy mất của các em thời gian giải trí để phát triển tự nhiên và toàn diện. Các khu đô thị mới với nhiều căn hộ cao tầng và biệt thự bỏ hoang, chỗ trông ô-tô, xe máy, kinh doanh, bán hàng,... và ở nhiều nơi là sân golf đã lấy mất chỗ vui chơi của các em. Còn nhiều thứ các em bị lấy mất bởi cách hành xử của người lớn với nhau, từ trong gia đình ra lối xóm đến cơ quan công sở.
Người lớn chúng ta có nhận ra điều đó hay không? Xin thưa là có, nhận ra rất rõ! Thậm chí, ai cũng sẵn sàng lên tiếng kêu ca nhưng rồi vẫn coi đó là việc chung của xã hội chứ không phải của bản thân mình. Vì vậy, xin được báo động thêm một lần nữa bằng những con số mới nhất từ các cơ quan chức năng. Trên dưới 25 triệu trẻ em cả nước hiện có chưa đầy 5.000 điểm vui chơi từ cấp tỉnh đến phường, xã.
Ở miền núi và vùng nông thôn khó khăn, chỗ vui chơi của trẻ em là khái niệm nhiều người chưa từng nghe thấy. Mỗi năm, cả nước có hàng nghìn trẻ em chết đuối, chiếm 50% số vụ tai nạn tử vong ở trẻ em. 2/3 số học sinh tiểu học ở 5 thành phố lớn nhất nước chơi game-online hằng ngày với những trò chơi đầy tính bạo lực, cờ bạc. Số vụ việc học sinh, kể cả học sinh nữ đánh nhau ngày càng tăng, nhiều vụ nghiêm trọng chết người.
Trẻ vị thành niên bỏ học tụ tập thành băng nhóm không phạm pháp thì sa vào tệ nạn xã hội, làm đau đầu chính những người lớn đã và đang xâm phạm quyền được học tập và vui chơi của các em.
Rất may, trong bức tranh ấy vẫn có nhiều gam màu sáng. Đó là gần đây, ngày càng có thêm nhiều em khuyết tật, mồ côi, trẻ có hoàn cảnh thiệt thòi được quan tâm kịp thời, nhiều em năm nay có Trung Thu đến sớm.
Các em nhỏ đang được điều trị trong bệnh viện cũng không mất Tết. Quà tặng có bánh trái, hoa quả, đồ chơi, có cả sách vở, đồ dùng học tập, phương tiện đi lại… Ngày càng có nhiều cá nhân hảo tâm, đoàn thể, doanh nghiệp tổ chức vui Tết Trung Thu, đêm hội trăng rằm đầy ý nghĩa cho trẻ em thiệt thòi.
Có những giá trị chỉ cảm nhận được khi còn thiếu thốn. Gom góp yêu thương không bao giờ thừa. Vậy nên, Trung Thu này ở nhiều thôn xóm, tổ dân cư có không ít cha mẹ ngoài việc mua đồ chơi cho con mình còn quan tâm đến những đứa trẻ khác có hoàn cảnh kém may mắn hơn, dạy con mình biết chia sẻ với các bạn chơi chung đèn lồng, mặt nạ, đầu sư tử…
Có em nhỏ ở một tỉnh miền núi phía Bắc do thiếu sự chăm sóc của gia đình mà lạc xuống thủ đô lang thang đến đói lả, nhưng đêm rằm này may mắn được vui trong không khí ấm áp của Trung tâm bảo trợ. Nếu mỗi người lớn chúng ta đừng ích kỉ coi đó là việc chung của xã hội thì có thể hy vọng đến một ngày Trung Thu được trả về đúng giá trị là Tết của trẻ em./.