Trách nhiệm!

Không phải ngẫu nhiên mà những người dám thẳng thắn nhận lỗi, nhận trách nhiệm cá nhân trước tập thể thì thường nhận được sự sẻ chia, thông cảm, thậm chí tha thứ của mọi người

Bộ trưởng Cao Đức Phát, người đứng đầu Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã để lại một ấn tượng thuyết phục khi trả lời chất vấn (ngày 11/11) ông thẳng thắn: “Trách nhiệm về dự báo sai thuộc về cá nhân tôi. Tôi chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Quốc hội về vấn đề này và xin nhận mọi hình thức kỷ luật theo pháp luật…”.

Nội dung Bộ trưởng nhận trách nhiệm cá nhân là dự báo sai sản lượng lúa gạo gây thiệt hại cho đất nước và nông dân. Với nhiều người, nhận trách nhiệm cá nhân đã khó, nhận trách nhiệm về một vấn đề quan ngại như vậy lại càng không phải dễ. Chính vì vậy mà ngay trên diễn đàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá cao việc thẳng thắn nhận trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng Cao Đức Phát. Ngay lập tức, đa số ĐBQH  và sau đó là đông đảo cử tri đã có ấn tượng mạnh về thái độ thẳng thắn nhận trách nhiệm, sẵn sàng nhận kỷ luật của Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Cũng trên diễn đàn Quốc hội, vấn đề trách nhiệm cá nhân các Bộ trưởng hầu như đã trở thành nội dung không thể bỏ qua của các đại biểu Quốc hội khi chất vấn. Ví dụ, với Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, có tới 24/30 câu tập trung chất vấn công tác quản lý Nhà nước về vấn đề môi trường, trong đó có 15 câu nhấn mạnh tới vụ Vedan, về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương tới địa phương.

ĐB Nguyễn Danh Út: “Tại sao Bộ và tỉnh Đồng Nai đùn đẩy trách nhiệm trong việc tạm đình chỉ hoạt động của Vedan? Đã có cán bộ, công chức nào của bộ, của địa phương từ chức liên quan đến vụ Vedan?..”. Nhiều đại biểu khác cũng truy vấn đầy bức xúc như: “Cách trả lời của Bộ trưởng là không có ai bị làm sao cả”; “Một lượng chất thải khổng lồ đã đổ ra sông rạch ĐBSCL, Bộ TN&MT chịu trách nhiệm thế nào?”; “Câu chuyện Vedan đã 14 năm, qua nhiều khóa bí thư, chủ tịch của địa phương, qua mấy khóa bộ trưởng, thì biết qui trách nhiệm cho ai bây giờ?”; “Người dân phải sống trong môi trường ô nhiễm như thế này đến bao giờ?”...

Những câu hỏi đó một mặt nói lên rằng, đã từ lâu, do quá lo toan tới vấn đề cơm áo, chúng ta không đặt vấn đề môi trường như hiện nay, bây giờ nhìn lại mới thấy một thực trạng đáng báo động về môi trường sống quanh ta; mặt khác, để giải quyết được vấn đề môi trường nói riêng và tất cả các vấn đề đời sống chính trị - kinh tế - văn hóa – xã hội nói chung, không thể không đặt vấn có tính quyết định: Chế độ trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, của “Tư lệnh vùng”, “Tư lệnh lĩnh vực”…

Bảo vệ đề môi trường sống là vấn đề đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lâu dài với quốc gia, dân tộc. Phải nhận thức được rằng, ngoài trách nhiệm của Chính phủ, của bộ ngành, địa phương, thì mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân cũng phải có trách nhiệm và đương nhiên… dám nhận trách nhiệm.

Không phải ngẫu nhiên mà những người dám thẳng thắn nhận lỗi, nhận trách nhiệm cá nhân trước tập thể thì thường nhận được sự sẻ chia, thông cảm, thậm chí tha thứ của mọi người. Tính logic của quá trình tác động nằm ở chỗ, người dám nhìn nhận khuyết điểm chính là người có sức mạnh dám làm, dám chịu, dám khắc phục sửa chữa sai lầm. Mặt khác, ở khía cạnh đạo đức, người không tìm cách né tránh khuyết điểm, trước hết là một người trung thực.

Điều đáng mừng là trên diễn đàn Quốc hội vấn đề trách nhiệm cá nhân đang tiếp tục được đặt ra, tiếp tục thu hút sự quan tâm của cử tri cả nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên