Trách nhiệm bảo vệ thị trường lao động Việt Nam

Để bảo hộ tốt thị trường lao động trong nước theo đúng Luật, cần phải kiểm soát chặt chẽ ngay từ ban đầu

Gần đây, các cơ quan truyền thông liên tục đề cập hiện tượng lao động nước ngoài làm việc không phép tại Việt Nam, đang gây ra nhiều hệ lụy khó giải quyết. Thay vì nhìn thẳng vào sự thật, tập trung giải quyết căn cơ tình trạng này, đại diện một số cơ quan quản lý lại có những phát ngôn chưa thể hiện được hết trách nhiệm của mình.

Lao động Trung Quốc sau giờ làm việc tại Cụm khí-điện-đạm Cà Mau (Ảnh: Dân trí)

Theo thống kê chưa đầy đủ, ở nước ta có trên 74.000 lao động nước ngoài. Đáng chú ý, lao động nước ngoài đã tăng rất nhanh trong một vài năm trở lại đây. Với những cam kết của Việt Nam khi ra nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các thỏa thuận song phương khác, đặc biệt là khi các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, việc những lao động có trình độ cao vào làm việc tại Việt Nam là điều dễ hiểu và cần thiết.

Tuy nhiên, có nhiều lao động nước ngoài hiện nay (kể cả có phép và không phép) lại chỉ là lao động đơn giản, phổ thông… là chuyện không bình thường.

Không bình thường vì đây là những lao động mà nền kinh tế Việt Nam không thực sự cần. Mặt khác, theo một thống kê chưa đầy đủ, hiện tại chỉ có khoảng 40% lao động trong nước đã qua đào tạo, có nghĩa là nguồn cung lao động phổ thông, giản đơn nội địa đang dư thừa, tạo sức ép về kinh tế - xã hội rất lớn, việc để hàng ngàn lao động giản đơn người nước ngoài vào làm việc tại Viêt Nam, lại càng khó chấp nhận.

Theo quy định của pháp luật nước ta, lao động phổ thông nước ngoài không được cấp phép vào Việt Nam. Giải thích về thực trạng này, một Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội cho rằng: Có nguyên nhân là do thể lực lao động Việt Nam yếu, kỹ năng, ý thức tổ chức kỹ luật chưa thực sự chuyên nghiệp… dẫn đến năng suất lao động thấp, không thỏa mãn nhu cầu các nhà thầu. Mặt khác, nhà thầu nước ngoài thường trả tiền công cho lao động phổ thông với những công việc nặng nhọc rất thấp nên lao động Việt Nam chê không làm. Khi đó vì tiến độ công trình, vì chất lượng công trình, các nhà thầu đã phải “vượt rào” đưa lao động của họ vào Việt Nam.

Tuy vậy, việc giải thích này có lẽ chưa thực sự thỏa đáng.

Thứ nhất, hiện nay, Việt Nam cũng có hàng vạn lao động đang làm việc ở nước ngoài, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông. Thực tế cho thấy, họ làm việc, thích nghi và đáp ứng khá tốt những yêu cầu ở các nước sở tại, trong đó có những nước với điều kiện lao động cũng rất khắc nhiệt cả về thời tiết lẫn công việc như ở một số nước Trung Đông. Hiện nay ở Việt Nam, rất nhiều nhà thầu quốc tế vẫn tin dùng lao động Việt Nam cho các công trình đòi hỏi chất lượng rất khắt khe.

Thực tế cho thấy, nhiều nhà thầu nước ngoài chưa công khai tuyển dụng lao động phổ thông vào làm việc, chưa thông tin rõ yêu cầu về kỹ năng và đặc biệt là mức lương dự kiến trả.

Trả lời phóng viên VOV về vấn đề này, mới đây, ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương bình & Xã hội thừa nhận, các nhà thầu nước ngoài thực sự không muốn tuyển lao động Việt Nam, chứ không phải lao động Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu các nhà thầu, cũng như không phải lao động Việt Nam không có nhu cầu làm việc vì lương thấp.

Có một điều băn khoăn là tại sao, trong khi các nhà thầu nước ngoài tìm mọi cách để đưa lao động nước họ vào Việt Nam, kể cả trái phép, thì một số nhà quản lý từ cấp Bộ, ngành, đến địa phương lại tìm cách giảm nhẹ việc làm trái luật này thay vì phải cương quyết xử lý, đồng thời tìm những biện pháp để các nhà thầu nước ngoài phải chấp hành nghiêm quy định về sử dụng lao động theo Luật của Việt Nam.

Nghị định 46 của Chính phủ sửa đổi Nghị định 34 về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8/2011. Văn bản này quy định rõ, khi dự thầu, các nhà thầu phải có phương án về việc sử dụng các nguồn lực lao động, phải ưu tiên sử dụng lao động tại chỗ nếu đủ điều kiện. Trong trường hợp không đủ, Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương mới có quyền xem xét, cho phép nhà thầu sử dụng lao động nước ngoài. Thực hiện đúng, nghiêm túc Nghị định này, nhiều lao động Việt Nam chắc chắn sẽ có cơ hội tìm được việc làm ở ngay tại quê mình

Lao động, việc làm là vấn đề liên quan đến thân phận con người, cho nên để bảo hộ tốt thị trường lao động trong nước theo đúng Luật, cần phải kiểm soát chặt chẽ ngay từ ban đầu. Mọi sự nể nang hay sơ hở trong quản lý, để người nước ngoài đã vào làm việc trái phép ở Việt Nam sẽ dẫn đến việc xử lý sau này vô cùng tốn kém và rắc rối./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên