Trách nhiệm về những vết nứt Thủy điện Sông Tranh 2 thuộc về ai?
Hội đồng nghiệm thu các cấp của công trình này đang ở đâu? Cơ quan quản lý Nhà nước đã vào cuộc hay chưa? Ai giám sát và chịu trách nhiệm về hậu quả nếu sự cố không được khắc phục?
- Rò rỉ nước ở đập thuỷ điện Sông Tranh 2 - Nhiều ý kiến trái ngược
- Nứt đập thủy điện Sông Tranh 2: Chuyên gia bày tỏ lo ngại
- “Thủy điện Sông Tranh 2 rỉ nước là hiện tượng bình thường”
- Xuất hiện nhiều vết nứt trên đập thủy điện Sông Tranh 2
- Vết nứt trên Thuỷ điện Sông Tranh 2 là khe nhiệt
Suốt mấy ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng - trong đó có Đài Tiếng TNVN, đưa tin về sự cố rò rỉ nước tại đập chứa công trình Thủy điện Sông Tranh 2, tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam gây hoang mang lo lắng cho chính quyền và nhân dân địa phương.
Tuy nhiên, ngoài một văn bản đánh dấu “Khẩn” được gửi đi từ phía chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án (QLDA) Thủy điện 3 vào chiều ngày 19/3 vừa qua - đến nay vẫn chưa có một câu trả lời chính thức nào từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Trong khi, những phân tích, lo ngại, cảnh báo từ phía các chuyên gia đối với sự cố này không hề nhỏ.
Bán Giám đốc điều hành công trình cho là "bình thường" nhưng tại sao lại cho công nhân tiến hành "vá" vết nứt? |
Theo thiết kế, công trình Thủy điện Sông Tranh 2 có tổng công suất 190MW, là công trình đa mục tiêu. Ngoài nhiệm vụ cung cấp khoảng 680 triệu kWh điện mỗi năm cho hệ thống điện quốc gia, còn góp phần điều tiết lũ cho vùng hạ lưu, phát triển đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam... Để đạt được các mục tiêu quan trọng này thì việc bảo đảm vận hành an toàn hồ chứa hơn 730 triệu m3 nước là vấn đề tiên quyết.
Ban QLDA thủy điện 3 - chủ đầu tư dự án này khẳng định: hiện tượng nước chảy ra phía hạ lưu đập là ở các vị trí khe nhiệt, với lượng thấm chảy 30 lít/giây không ảnh hưởng đến an toàn, ổn định của đập. Điều này đã được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đánh giá là đạt yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo chất lượng.
Đó là giải thích của chủ đầu tư. Tuy nhiên, các chuyên gia về thủy điện lại quả quyết, về nguyên tắc khe co giãn nhiệt phải được kín. Ở nhiều công trình thủy điện trong và ngoài nước cũng đã từng xảy ra sự cố rò rỉ nhỏ và khắc phục được ngay. Nhưng, với đập hồ chứa Thủy điện Sông Tranh 2 thì không hoàn toàn như vậy. Nước vẫn tiếp tục chảy về hạ lưu và chưa thể khống chế được.
Những ngày qua, chính quyền và nhân dân huyện Bắc Trà My vẫn chưa hết bàng hoàng về hiện tượng động đất, nay lại thêm sự cố rò rỉ đập hồ Thủy điện sông Tranh - nơi mà họ cho là tác nhân chính gây nên những rung chấn này. Người đứng đầu chính quyền nơi đây quả quyết: việc lập quan trắc đo đếm độ rung chấn động đất ở đây vẫn chưa được thực hiện. Trong khi, yêu cầu tiên quyết của bất cứ một công trình thủy điện nào - dù là lớn hay nhỏ - cũng phải đảm bảo thiết kế về vấn đề quan trắc.
Hiện nay, rất nhiều công trình thủy điện đã và đang được xây dựng. Trong khi công trình thủy điện là một dạng công trình phức tạp với địa chất, với sông nước, đòi hỏi phải nghiêm túc thực hiện tất cả các bước, từ thiết kế, thẩm định thiết kế đến thi công, giám sát thi công chất lượng, đảm bảo các điều kiện kỹ thuật…
Kể từ nhà máy thủy điện nhỏ nhất đến những nhà máy thủy điện lớn nhất, như Sơn La, thì mức độ yêu cầu về đảm bảo chất lượng công trình cũng không có gì khác nhau. Trong đó, chỉ riêng việc lập quan trắc cũng đòi hỏi phải được thực hiện nghiêm túc ngay từ đầu trong thiết kế tổng thể của dự án và được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước giám sát rất chặt chẽ.
Nếu chiểu theo logic: Công trình Thủy điện Sông Tranh 2 đã đồng bộ phát điện với công suất 190MW từ đầu năm 2011, đến nay đã được hơn 1 năm. Nghĩa là công trình đã được nghiệm thu. Và theo nguyên tắc thì những thiết kế về công tác quan trắc đã phải hoàn thành.
Thế nhưng, cho đến nay, ngoài một văn bản duy nhất từ phía chủ đầu tư được gửi đi, chưa có một lời trấn an nào từ phía cơ quan chức năng của Nhà nước. Hội đồng nghiệm thu các cấp của công trình này đang ở đâu? Cơ quan quản lý Nhà nước đã vào cuộc hay chưa? Ai giám sát và chịu trách nhiệm về hậu quả nếu sự cố không được khắc phục?
Thông tin về sự cố cùng những phân tích, bình luận mổ xẻ vấn đề vẫn tiếp tục là những thông tin thời sự. Song, chính quyền và nhân dân ở Bắc Trà My vẫn chưa nhận được phản hồi tích cực nào từ phía cơ quan chức năng.
Ai sẽ chịu trách nhiệm về sinh mạng của hơn 40.000 nhân khẩu ở huyện Bắc Trà My? Di chuyển hay ở lại dưới hạ lưu của một hồ thủy điện chứa hơn 730 triệu m3 nước đang có sự cố? Câu trả lời cần được đưa ra một cách khoa học.
Lúc này, một lời trấn an dân là vô cùng bức thiết./.