Trăm phí chỉ đổ đầu… dân?

Thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm sẽ làm tăng gánh nặng các loại phí cho người dân.

Đề xuất của Bộ GTVT…

Gần đây, Bộ GTVT có chủ trương xin Quốc hội cho thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân ở Việt Nam và phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm.

Theo đó, cả ôtô và xe máy đều phải đóng thêm một loại phí gọi là “phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ”. Ôtô tùy theo dung tích xilanh sẽ phải đóng thấp nhất 20 triệu đồng và cao nhất 50 triệu đồng/năm. Với môtô, xe máy tại 5 thành phố lớn (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng) mỗi năm phải đóng 500.000 đồng cho xe có dung tích dưới 175 cm3 và 1 triệu đồng cho xe có dung tích lớn hơn.

Nếu thực thi chủ trương thu phí mà Bộ GTVT đề xuất, khó tránh phát sinh nhiều hệ lụy cho xã hội

Ngoài thu phí lưu hành, Bộ GTVT cũng đề xuất thu phí ôtô đi vào trung tâm thành phố trong giờ cao điểm (buổi sáng từ 6h - 8h30, buổi chiều từ 16h - 19h hằng ngày, trừ ngày nghỉ, ngày lễ), trong đó miễn thu phí với xe công và xe buýt. Việc thu phí áp dụng tại khu vực nội đô thành phố, thu qua các trạm thu phí ở chiều vào với mức dự kiến là 30.000 đồng/lượt xe ôtô đến 7 chỗ và 50.000 đồng với các loại ôtô còn lại. Khu vực và mức thu cụ thể sẽ do UBND cấp tỉnh, thành phố quy định.

Theo lý giải của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, cơ sở để đưa ra chủ trương này là vì: Hằng ngày chúng ta vẫn phải chứng kiến một con số không ai muốn, trên 30 người chết vì tai nạn giao thông, ngoài ra còn có nhiều người bị thương. Những con số này buộc chúng ta phải đưa ra các giải pháp quyết liệt, đồng bộ để kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông trong phạm vi cả nước.

Hơn nữa, theo Bộ trưởng Thăng, chủ trương các loại phí này bên cạnh nhằm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, còn để đầu tư vào các công trình giao thông nông thôn, giao thông miền núi, đường ven biển, đường tuần tra biên giới, ở đó không thể thu phí, không thể kêu gọi đầu tư.

… tin dữ với đa số dân?

Chủ trương do Bộ GTVT đề xuất, như nêu trên, dù được người đứng đầu Bộ GTVT lý giải căn cứ vào đâu và với mục đích gì, ngay lập tức trở thành tin dữ đối với bất cứ ai hằng ngày phải tham gia giao thông, dù có xe hay không.

Nhiều người nghi ngờ việc thu phí theo đề xuất của Bộ GTVT sẽ làm giảm ùn tắc và  tai nạn giao thông

Chắc hẳn vì 2 lý do: Một là, người nộp phí nghi ngờ khả năng tiền thu từ phí này sẽ đảm bảo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Hai là, mức phí đề xuất mà Bộ GTVT cho là phù hợp nhưng lại chưa phù hợp, thậm chí quá sức, với khả năng chi trả của đại đa số người dân hiện nay.

Về lý do thứ nhất, dù mức phí cao thế nào, người dân vẫn chưa thể ngay lập tức bỏ phương tiện cá nhân của mình để dùng phương tiện giao thông công cộng. Do phương tiện giao thông công cộng (tiêu biểu là xe buýt, xe khách…) còn ít, luôn quá tải, thậm chí giá vé còn cao so với chất lượng dịch vụ hành khách được hưởng…

Do đó, phương tiện giao thông cá nhân vẫn là lựa chọn số 1 của đại đa số nhân dân. Vậy thì khó khẳng định rằng thu phí sẽ giảm ùn tắc. Đặc biệt, tai nạn giao thông phần lớn do sự thiếu nghiêm minh trong thực thi luật pháp khi ngăn chặn vi phạm ATGT và do ý thức người điều khiển phương tiện kém chứ không phải do nhiều hay ít phương tiện.

Về lý do thứ hai, mặc dù theo Bộ trưởng Thăng, “người đi ô tô phải nộp phí nhiều hơn, người đi xe máy cũng phải nộp một phần, tất nhiên là rất nhỏ, chủ yếu để xác định ý thức và trách nhiệm của người tham gia giao thông. Còn người đi xe công cộng, đi bộ thì không phải nộp phí này cho nên không thể nói phí này đánh vào người nghèo”, nhưng điều này chưa thuyết phục.

Bởi vì, đã tham gia giao thông thì phải bình đẳng, dù giàu hay nghèo, xe đắt tiền hay rẻ tiền đều phải chấp hành luật. Hơn nữa, khó tránh hiện tượng, như một phản xạ rất tự nhiên lâu nay ở Việt Nam, cứ tăng phí là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tăng giá hàng hóa, dịch vụ, với mục tiêu rõ ràng là đẩy trách nhiệm chi trả mức phí này cho người tiêu dùng trả. 

Trong trường hợp này, khó tránh hiện tượng ô tô khách đường dài, xe taxi… sẽ tăng giá cước dựa cớ thu bù nộp phí. Và, nếu nói người đi bộ không phải nộp phí. Vậy, ai sẽ không đi xe?

Bên cạnh đó, mới đây, lệ phí trước bạ ô tô xe máy đã tăng mức rất cao ở nhiều tỉnh, thành mà một trong những mục đích là để giảm sự gia tăng phương tiện cá nhân, giảm áp lực cho giao thông, đặc biệt là giao thông đô thị.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, khi trả lời báo giới, tuy cũng nhất trí rằng, mức phí sử dụng đường bộ ở Việt Nam hiện nay rất thấp, tuy nhiên bà Mai cũng băn khoăn về tính hợp lý khi đề xuất thêm phí lưu hành phương tiện giao thông và phí ra vào nội đô. Theo bà Mai, phí, theo quy định trong Pháp lệnh về Phí và Lệ phí, là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ. “Trong lĩnh vực đường bộ đã có phí sử dụng đường bộ. Nếu quy định bổ sung thêm hai loại phí nữa thì có xảy ra tình trạng phí trùng phí không?” – bà Mai nhấn mạnh.

Như vậy, chủ trương thu các loại phí này của Bộ GTVT chưa làm dân phục. Tuy nhiên, nếu chủ trương này được Quốc hội thông qua để thực thi, mọi công dân sẽ phải chấp hành.

Tuy vậy, chắc chắn nhiều người dân sẽ đặt câu hỏi: Chủ trương này, xét cho cùng, chỉ là giải pháp trăm phí đổ đầu dân?

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên