Triển vọng mới trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ

VOV.VN -Chuyến thăm của Chủ tịch nước đem lại những kết quả quan trọng, có ý nghĩa định hướng tương lai trong mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.

Sáng 28/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn cấp cao nước ta đã về tới Hà Nội kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Hợp chủng quốc Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama từ ngày 24-26/7.

Chuyến thăm đem lại những kết quả quan trọng, có ý nghĩa định hướng tương lai cho mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ vốn nhiều thăng trầm trong lịch sử.

Vượt hơn chục nghìn kilomet, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn công tác đã đặt chân đến Alaska- điểm dừng chân đầu tiên trên nước Mỹ vào đúng lúc hửng đông. Ánh bình minh ấy là tín hiệu cho dấu mốc mới trong quan hệ Việt Nam –Hoa Kỳ sau 5 năm kể từ năm 2008, Việt Nam lại có chuyến thăm cấp cao đến Hoa Kỳ.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama

Chuyến thăm của Chủ tịch nước diễn ra trong bối cảnh các quan hệ trong khu vực và trên thế giới có những chuyển biến liên tục và rất phức tạp. Việt Nam cũng đã điều chỉnh, nâng cấp quan hệ với các đối tác quan trọng, nhưng riêng với Hoa Kỳ, những năm qua mặc dù quan hệ hai bên đã tiến những bước dài và thực chất nhưng lại đang thiếu một động lực, một cam kết chính trị mang ý nghĩa thúc đẩy. Chính vì thế chuyến thăm của Chủ tịch nước được cả Việt Nam, Hoa Kỳ cũng như khu vực hết sức quan tâm.

Tổng thống Obama đã dành cho Đoàn cấp cao nước ta sự đón tiếp thân tình. Đặc biệt cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước và Tổng thống Obama đã diễn ra dài hơn so với dự kiến.

Hai bên đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng, đó là hai bên đã nhất trí xác lập một khuôn khổ hợp tác mới: Đối tác toàn diện. Và điều này đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh trong cuộc họp báo sau hội đàm.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói: “Chúng tôi đã bàn một cách cặn kẽ và sâu rộng về các vấn đề chính trị đối ngoại, về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, an ninh quốc phòng, về khắc phục hậu quả chiến tranh để lại, khắc phục hậu quả môi trường, vấn đề người Việt Nam sinh sống tại Hoa Kỳ cũng như quyền con người và vấn đề Biển Đông. Trên từng vấn đề trao việc đổi hết sức thẳng thắn và đầy tính xây dựng. Chúng tôi đã đạt sự thống nhất cao sẽ tăng cường tiếp xúc cấp cao, tăng cường nâng cấp một cách hợp lý và cần thiết các cơ chế quan hệ đối thoại của các cấp cũng như cấp cao. Tôi cho rằng đây là cơ sở quan trọng tạo sự tin cậy chính trị giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển tất cả các vấn đề cùng quan tâm”.

Tổng thống Barack Obama cũng đánh giá rất cao chuyến thăm và kết quả hội đàm sẽ mở ra cơ hội hợp tác mới vì lợi ích của nhân dân hai nước: “Tôi rất cảm ơn chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Đây là là cơ sở để tiến tới sự hợp tác rõ ràng hơn giữa hai nước. Hai bên tăng cường hợp tác về kinh tế thương mại, khoa học công nghệ và các lĩnh vực khác... Điều đó sẽ mang lại lợi ích cho cả Hoa Kỳ và Việt Nam”.

Kết quả quan trọng này cũng được nêu trong Tuyên bố chung xác nhận mối quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ dựa trên các nguyên tắc tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, Luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.  

Quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ có một nội hàm rất phong phú, tạo ra khuôn khổ mới trong hầu hết các lĩnh vực như chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, môi trường và y tế, hợp tác nhân đạo-giải quyết hậu quả chiến tranh, quốc phòng-an ninh, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người và văn hóa-thể thao-du lịch...

Hai nhà lãnh đạo tin tưởng Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ không chỉ phục vụ tốt hơn lợi ích hai nước mà còn đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói: “Về vấn đề Biển Đông, chúng tôi hoan nghênh Chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ lập trường Việt Nam cũng như các nước, đặc biệt là các nước ASEAN giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), tuân thủ DOC tiến tới COC và cam kết đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông. Hoan nghênh Hoa Kỳ nói riêng cũng như các nước khác ủng hộ hòa bình ổn định ở Biển Đông nói riêng cũng như ở khu vực”.

Cũng với chủ đề “Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong một châu Á-Thái Bình Dương năng động và thịnh vượng”, thuyết trình trước các học giả, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ, Chủ tịch nước cho rằng, với tiềm năng của Châu Á-Thái Bình Dương trong thế kỷ 21, việc các nước đặt trọng tâm vào khu vực này là tất yếu. Nhưng để biến tiềm năng thành hiện thực thì cần có một môi trường hợp tác lành mạnh. Việc Việt Nam – Hoa Kỳ tăng cường hợp tác không nằm ngoài mục tiêu đó.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: “Thông điệp mà tôi muốn nhấn mạnh với quí vị là Việt Nam mong muốn hai nước sẽ tăng cường hợp tác toàn diện vì lợi ích của nhân dân hai nước, cùng chung tay đóng góp và vun đắp cho một Châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động và thịnh vượng. Để làm được điều này, chúng ta cần hết sức nỗ lực hợp tác với nhau trên tinh thần tôn trọng, bình đẳng và cùng có lợi vì mục tiêu chung đó”.

Một trong kết quả đạt được hết sức quan trọng đó là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư đã được hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh là nền tảng và động lực của khái niệm Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, và khẳng định cam kết sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có tính đến sự đa dạng về trình độ phát triển của mỗi nước trong khuôn khổ một hiệp định cân bằng và toàn diện.

Tổng thống Barack Obama cho biết: “Hai bên thảo luận về vấn đề quốc phòng về vấn đề TPP. Chúng tôi đề nghị tăng cường hợp tác thương mại và thể hiện tính minh bạch hơn. Chúng tôi quyết tâm kết thúc đàm phán Hiệp định TPP vào cuối năm nay giúp hai bên tăng trưởng việc làm và đầu tư...”.

Trong hợp tác kinh tế thì mở cửa thị trường, hạn chế những rào cản thương mại và thu hút đầu tư là một trong những trọng tâm của chuyến đi. Tại Washington, đoàn Việt Nam liên tục có các cuộc tiếp xúc, làm việc với các cơ quan có vai trò trong việc hình thành và ban hành chính sách của Hoa Kỳ, đó là Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry, các Bộ trưởng có liên quan đến kinh tế như: Bộ trưởng Thương mại Penny Pritzker, Bộ trưởng Nông nghiệp Tom Vilsack, Đại diện Thương mại Michael Froman; gặp gỡ các Nghị sỹ thuộc hai viện Quốc hội Hoa Kỳ và Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Qua các cuộc tiếp xúc đã góp phần tạo thêm sự hiểu biết lẫn nhau trong hợp tác.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định: “Trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ở Hoa Kỳ có nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung thúc đẩy kinh tế thương mại và đầu tư giữa hai nước mà trọng tâm là thúc đẩy quá trình đàm phán Hiệp định TPP. Có thể nói rằng quan điểm của các nước tham gia đàm phán đã xích lại gần nhau hơn. Đặc biệt là nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến kinh tế thương mại và đầu tư giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cũng đang đạt được nhiều tiến bộ đáng kể với mong muốn kết thúc đàm phán đúng thời hạn, trên nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi, với tinh thần xây dựng”.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng cho biết: “Hai bên đã trao đổi nhiều vấn đề quan tâm và thống nhất phối hợp xử lý những vấn đề tồn tại để thúc đẩy quan hệ thương mại về nông sản giữa hai nước. Trong đó phía Hoa Kỳ đã công bố sẽ sớm xem xét để một số loại trái cây nhiệt đới của Việt Nam như: nhãn, vải, vú sữa, xoài sẽ được nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Đồng thời tiếp tục xem xét những mặt hàng khác. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cũng ghi nhận sẽ trao đổi với những cơ quan liên quan phía Hoa Kỳ về những vấn đề mà phía Việt Nam quan tâm, như việc nhập khẩu cá tra, tôm và mật ong từ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ. Hai bên cũng thống nhất sẽ tích cực tham gia đàm phán Hiệp định TPP, để tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại nông sản giữa hai nước”.

Trong các cuộc gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, với việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015, Việt Nam là cầu nối gắn kết các nền kinh tế ASEAN lục địa với ASEAN hải đảo trong không gian kinh tế thống nhất, cùng với đó là triển vọng hoàn tất 14 Hiệp định thương mại tự do giai đoạn 2015 - 2020, Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ: “Là thành viên của hầu hết các cơ chế hợp tác, liên kết then chốt ở khu vực, đó là Cộng đồng ASEAN, APEC, TPP, Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…, Việt Nam hoan nghênh và trông đợi tiềm năng mở rộng và gắn kết của các khuôn khổ này để hướng tới hình thành khu vực thương mại tự do năng động của toàn Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Đây là những nền tảng căn bản để Việt Nam liên kết khu vực, hội nhập kinh tế quốc tế trên tầm cao mới và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra những cơ hội mới, to lớn cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam”.

Cùng với các vấn đề về quốc phòng an ninh và kinh tế thì xử lý những khác biệt, trong đó có vấn đề vốn được xem là nhạy cảm, phức tạp như vấn đề quyền con người, tự do tôn giáo cũng đã đạt trao đổi thẳng thắn.

Về vấn đề này Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định: “Trên lĩnh vực nhân quyền, chúng ta trao đổi thẳng thắn về những lĩnh vực còn có những khác biệt. Chúng ta cũng nói rõ về chính sách của Việt Nam trong vấn đề thúc đẩy bảo vệ quyền con người. Trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng có đại diện các tôn giáo của Việt Nam sang trao đổi với phía Hoa Kỳ, với những người quan tâm về tôn giáo tại Việt Nam để có thể hiểu biết về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam. Đây là kết quả hết sức quan trọng của chuyến thăm”.

Trước khi rời Hoa Kỳ, tại New York, Chủ tịch nước đã có những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc nhiều ý nghĩa với gia đình cựu Tổng thống Clinton, các bạn bè Hoa Kỳ đã ủng hộ Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tại, các cựu chiến binh của cả hai bên và Cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Qua các cuộc tiếp xúc ấy, hai bên hoan nghênh những nỗ lực từ cả hai phía trong việc “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, nỗ lực thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ với nhiều bước tiến cụ thể trong các lĩnh vực nhằm củng cố và đưa quan hệ song phương đi vào chiều sâu, đáp ứng những lợi ích cụ thể của nhân dân hai nước và tạo điều kiện cho Cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ đóng góp cho quê hương một cách thực chất.

Chia tay nước Hoa Kỳ, Chủ tịch nước và Đoàn công tác về tới Hà Nội cũng vào lúc bình minh. Đó cũng chính là dấu hiệu báo trước triển vọng mới của quan hệ đối tác toàn diện vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình thịnh vượng cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới./

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tuyên bố chung hai nguyên thủ Việt Nam – Hoa Kỳ
Tuyên bố chung hai nguyên thủ Việt Nam – Hoa Kỳ

VOV.VN -Toàn văn Tuyên bố chung của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang và Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Barack Obama.

Tuyên bố chung hai nguyên thủ Việt Nam – Hoa Kỳ

Tuyên bố chung hai nguyên thủ Việt Nam – Hoa Kỳ

VOV.VN -Toàn văn Tuyên bố chung của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang và Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Barack Obama.

Chủ tịch nước gặp Chủ tịch thường trực Thượng viện Hoa Kỳ
Chủ tịch nước gặp Chủ tịch thường trực Thượng viện Hoa Kỳ

VOV.VN -Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Thượng viện Hoa Kỳ tăng cường đối thoại giữa hai Quốc hội

Chủ tịch nước gặp Chủ tịch thường trực Thượng viện Hoa Kỳ

Chủ tịch nước gặp Chủ tịch thường trực Thượng viện Hoa Kỳ

VOV.VN -Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Thượng viện Hoa Kỳ tăng cường đối thoại giữa hai Quốc hội

Bài phát biểu của Chủ tịch nước tại CSIS (Hoa Kỳ)
Bài phát biểu của Chủ tịch nước tại CSIS (Hoa Kỳ)

VOV.VN -Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong một châu Á- Thái Bình Dương năng động và thịnh vượng.

Bài phát biểu của Chủ tịch nước tại CSIS (Hoa Kỳ)

Bài phát biểu của Chủ tịch nước tại CSIS (Hoa Kỳ)

VOV.VN -Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong một châu Á- Thái Bình Dương năng động và thịnh vượng.

Nội hàm quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ
Nội hàm quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ

VOV.VN -Quan hệ hai nước phát triển ổn định, lâu dài, thực chất có tầm quan trọng đối với hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực.

Nội hàm quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ

Nội hàm quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ

VOV.VN -Quan hệ hai nước phát triển ổn định, lâu dài, thực chất có tầm quan trọng đối với hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực.