Trung Quốc “đói” nguyên liệu và nghịch lý nhập khẩu than
VOVNews đưa ra 2 “sự kiện” kinh tế đáng lưu tâm trong tuần qua để cùng nhìn nhận và bình luận với quí độc giả
Sự kiện thứ nhất được báo chí thông tin là các thương nhân Trung Quốc đang “ra sức” tận thu các loại nguyên liệu nông, lâm thủy sản thô, khiến doanh nghiệp trong nước lo lắng, đứng ngồi không yên.
Một sự kiện khác thu hút sự chú ý không kém, đó là cũng trong tuần, tầu than nhập khẩu đầu tiên từ Indonesia của Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (TKV) đã cập bến về tới Việt Nam. Phải chăng đang có nghịch lý đáng buồn cười đối với ngành than khi vừa xuất vừa nhập than?
“Đói” nguyên liệu
Báo chí trong nước thông tin thương nhân Trung Quốc trực tiếp đi thu gom các loại nông sản đang đến mùa thu hoạch của chúng ta trên phạm vi nhiều địa phương. Thương nhân Trung Quốc dùng xe du lịch nhỏ, xe con đến tận vườn thu mua thanh long, rồi cà phê, hồ tiêu, trước đó là cao su, thủy sản, thịt lợn, thịt gia cầm, rồi sắn. Thậm chí có lúc họ mua cả đỉa, cả rùa…
Cao su, sắn, thủy sản là 3 mặt hàng mà thương nhân Trung quốc “hút” hàng nhiều nhất. Giá của những mặt hàng này thường được thu mua cao hơn một chút so với thị trường. Về mặt lợi ích, giá mủ cao su, giá sắn hay thủy sản tăng giúp bà con nông dân hưởng lợi, nhưng lại đẩy các doanh nghiệp vào tình trạng khó khăn vì phải tranh mua với Trung Quốc…
Đó là chưa kể nhiều loại quặng thô khác mà báo chí thông tin là xuất khẩu “lậu” sang Trung Quốc.
Trong khi không ít doanh nghiệp Việt trong tình trạng “đói” nguyên liệu thì chúng ta lại thấy nguyên liệu thô “ùn ùn” chảy sang Trung Quốc. Rõ ràng, không phải đến bây giờ mới có chuyện thương nhân Trung Quốc thu gom nguyên liệu thô của Việt Nam mà đã từng xảy ra tương tự ở nhiều mặt hàng khác như lá chè, vải thiều, dưa hấu... Hiện tượng này xét về ngắn hạn, có thể là đã đem lại lợi ích trước mắt, giúp bà con nông dân bán được giá cao, cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, dài hạn, việc xuất khẩu nhiều đến mức các nhà máy trong nước bị tranh mua dẫn đến nguyên liệu sản xuất lúc đủ, lúc thiếu thì rất tai hại.
Chúng ta chưa thể quên hình ảnh gần như năm nào cũng xảy ra là hàng dài những chiếc xe tải, xe contaner chở dưa hấu xếp hàng dài chờ xuất khẩu qua của khẩu Tân Thanh để sang Trung Quốc, mà thực chất đằng sau đó là câu chuyện tư thương của ta bị phía Trung Quốc ép cấp, ép giá vì chúng ta đang xuất khẩu phụ thuộc vào độc thị trường Trung Quốc.
Mỗi khi thị trường này, mỗi khi thương nhân Trung Quốc “hắt hơi sổ mũi” cũng khiến nông dân, tư thương và doanh nghiệp lao đao, thậm chí là khốn đốn. Không ai dám khẳng định các thương nhân Trung Quốc sẽ duy trì chế độ mua với số lượng lớn và giá cả như hiện nay trong bao lâu. Lịch sử mua bán nông thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc đã ghi nhận nhiều lần khi hàng đã vận chuyển ồ ạt lên biên giới, đối tác đột ngột dừng lại khiến nhà xuất khẩu buộc phải bán giá thấp. Hoặc họ đưa ra chính sách hấp dẫn khiến nông dân đổ xô xuất khẩu, nhà máy trong nước ngưng hoạt động vì cạn nguyên liệu. Sau đó bất ngờ hạn chế mua, cả nông dân và doanh nghiệp đều khốn đốn.
Đã đến lúc các Bộ, ngành chức năng cần có sự phối hợp và có biện pháp điều hành vĩ mô nhằm hạn chế tình trạng này. Theo Tiến sĩ Nguy Kim Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN và PTNT), vấn đề là giải quyết câu chuyện thiếu nguyên liệu và tranh mua tranh bán bằng việc liên kết đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu dài hạn gắn trách nhiệm giữa nông dân và doanh nghiệp.
Nghịch lý nhập khẩu than
Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã chính thức tiếp nhận chuyến tàu chở hơn 9.570 tấn than nhập khẩu đầu tiên từ Indonesia đã cập cảng Cát Lái, tỉnh Đồng Nai. Lượng than này được TKV giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư khoáng sản than Đông Bắc tiếp nhận nhập khẩu, sau đó phân phối cho các nhà máy nhiệt điện mới ở miền Trung và miền Nam.
Mặc dù TKV giải thích, khai thác ở Quảng Ninh chủ yếu là than có chất lượng tốt, được dùng nhiều trong ngành công nghiệp luyện kim và hóa chất và có giá trị xuất khẩu cao. Do đó, Chính phủ đã cho phép TKV thí điểm thực hiện việc nhập khẩu than có giá thành rẻ hơn để phục vụ các nhà máy nhiệt điện trong nước. Tuy vậy, dư luận hoàn toàn có thể đặt câu hỏi: Tại sao lại để xảy ra tình trạng: từ địa vị một nước xuất khẩu, như vậy, Việt Nam chính thức trở thành nước nhập khẩu than? Từ một nước xuất khẩu than giờ thành một nước nhập khẩu than, thì cũng nên đặt câu hỏi về tầm nhìn, về điều hành, quản lý trong việc khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn vàng đen của đất nước? Hay khi TKV dự kiến số lượng than nhập khẩu từ nay đến năm 2012 khoảng 10 triệu tấn/năm và sẽ tăng dần từng năm. Vậy tại sao tại sao TKV không tính đến chuyện cần sớm dừng xuất than?
Trả lời câu hỏi đó, - TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng, thuộc TKV lý giải: “Chúng ta đã bị phá vỡ quy hoạch ngành năm 2003 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Theo quy hoạch, đến 2010 và 2012, xuất khẩu than giảm xuống còn 2,5 triệu tấn/năm. Thế nhưng mấy năm qua, chúng ta đã phá bỏ qui hoạch, chạy theo thành tích để đẩy mạnh xuất khẩu than nên gây ra hậu quả như hiện nay”.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn cũng nhận định, hiện nay chúng ta mới chỉ "thị trường hoá" ngành than theo kiểu nửa vời. Nhà nước đã giao cho ngành than phải tự chủ đầu vào về vốn đầu tư xây dựng mỏ mới, vốn thăm dò khai thác cũng phải cân đối vào giá thành, còn đầu ra vẫn "điều tiết" có định hướng.
Ông Sơn quả quyết cho rằng, lợi nhuận của ngành than đang bị chuyển hướng sang cho ngành điện, ngành xi măng và các ngành khác dùng than trong nước hàng năm tới gần 4000 tỷ đồng/năm. Trong khi nhu cầu đầu tư hàng năm của ngành than hiện nay khoảng 1 tỷ USD, tức là khoảng hơn 20.000 tỷ đồng. Trong tình hình như vậy, TKV phải xuất khẩu than để bù lỗ cho các ngành kinh tế khác và tạo ra một phần vốn cho phát triển. Rõ ràng, lời giải cho bài toàn cân đối cung-cầu của ngành than không hề đơn giản./.