Trung Quốc hãy hành xử như một nước lớn có trách nhiệm
VOV.VN -Rút giàn khoan và toàn bộ lực lượng ra khỏi vùng biển Việt Nam, đấy mới là cách hành xử đúng của một nước lớn.
Suốt tuần qua, việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu khí xuống vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam đã trở thành sự kiện nóng trong dư luận quốc tế. Nhìn vào diễn biến và bản chất sự kiện, xâu chuỗi các hoạt động trên biển thời gian gần đây của Trung Quốc, thật không khó để nhận ra: đây chính là hành động gây hấn, xâm lấn.
Thật không khó để nhận ra, cái cách mà Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển Việt Nam, là có tính toán và không đàng hoàng chút nào. Về thời điểm, đúng vào dịp Việt Nam bước vào kỳ nghỉ lễ dài ngày; lại đúng dịp cả nước đang náo nức chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây cũng là thời điểm cuối tuần, sự tính toán của Trung Quốc nhằm đặt Việt Nam và dư luận quốc tế vào sự đã rồi.
Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc được đưa trái phép vào Việt Nam |
Việc huy động một lực lượng hơn 80 tàu thuyền, gồm nhiều tàu quân sự và tàu dân sự vũ trang với chiêu bài hộ tống giàn khoan của phía Trung Quốc, cho thấy hành động này không hề bình thường. Thực chất đây là hành vi xâm lấn lãnh thổ nằm trong ý đồ toan tính thâu tóm biển Đông của Trung Quốc.
Trung Quốc đang cố cùng giành giật cái mà họ gọi là “lợi ích cốt lõi”, với tham vọng “đường lưỡi bò chín đoạn” mà họ tự vẽ ra, bất chấp vùng lãnh thổ đó từ lâu đã thuộc chủ quyền của các quốc gia có chủ quyền. Thực chất đó là mưu đồ rất thâm hiểm, hòng biến thứ không phải của họ thành thứ tranh chấp; biến thứ tranh chấp thành toàn bộ hoặc một phần của họ.
Giàn khoan dầu khí mà họ đưa vào vùng biển Việt Nam chỉ là cái vỏ bề ngoài che đậy ý đồ xâm lấn bằng vũ lực của họ. Hơn 80 tàu thuyền, gồm nhiều tàu quân sự, với thái độ, hành động khiêu khích và gây hấn, với những tuyên bố bất chấp sự thật và lẽ phải, đã nói lên điều đó. Hành động này cũng khiến người ta liên tưởng đến cách thức “ngoại giao pháo hạm” của các đội quân xâm lược từng diễn ra đâu đó trên thế giới.
Việc làm của phía Trung Quốc lại diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc đã có những cuộc tiếp xúc, thăm viếng, trao đổi, điện đàm giữa lãnh đạo các cấp, đều nhất quán phương châm “bốn tốt”, “mười sáu chữ vàng”, phát huy yếu tố “tương thông”, “tương liên”giữa hai dân tộc, nhằm gác lại những trở ngại của quá khứ, xây đắp tình hữu nghị và gìn giữ môi trường hòa bình.
Hai bên cũng từng nhiều lần cam kết giữ vững môi trường ổn định ở Biển Đông, không đơn phương có hành động làm phức tạp tình hình, giải quyết các bất đồng bằng đối thoại. Giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á cũng cam kết thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, gọi tắt là DOC, mà mấu chốt là giải quyết các tranh chấp trên biển bằng các biện pháp hòa bình; không đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực; tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982.
Tàu Trung Quốc hung hãn đâm tàu Cảnh sát biển Việt Nam |
Rõ ràng, với cách hành xử trên thực tế, Trung Quốc đã không hề tôn trọng những gì mà mình đã cam kết. Một quốc gia được xem là cường quốc, có chân trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với sứ mệnh tối thượng là duy trì, bảo vệ hòa bình cho thế giới, Trung Quốc lại hành xử với các nước nhỏ, các quốc gia láng giềng, trong đó có Việt Nam theo lối “cá lớn nuốt cá bé”. Hành động đó thật không đáng mặt nước lớn.
Trung Quốc, Việt Nam trải qua bao bước thăng trầm, vẫn là anh em bạn bè, láng giềng gần gũi; nhân dân hai nước vốn thân thiện, trọng nghĩa tình. Trong những ngày kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn nhắc và khẳng định sự giúp đỡ hiệu quả của chính phủ và nhân dân Trung Quốc góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược.
Thế nhưng, hành động đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam bất chấp những cam kết và luật pháp quốc tế của phía Trung Quốc, lại làm vấy đục tình cảm trong sáng của nhân dân hai nước; thách thức dân tộc Việt Nam - một dân tộc yêu chuộng hòa bình, trọng lẽ phải và không bao giờ khuất phục trước bất kỳ thế lực xâm lược nào.
Người xưa nói: Lửa cháy chớ đổ thêm dầu. Biển Đông vốn đã nóng, xin đừng làm cho nóng thêm. Trung Quốc hãy dừng ngay những toan tính và hành động quá đà, trả lại môi trường hòa bình, hữu nghị cho Biển Đông, rút giàn khoan và toàn bộ lực lượng tàu thuyền ra khỏi vùng biển Việt Nam. Đấy mới là cách hành xử đúng của một nước lớn./.