Tự chủ kinh tế không chỉ là khẩu hiệu

VOV.VN-Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, ổn định môi trường đầu tư chính là từng bước khẳng định tính tự chủ về kinh tế.

Đất nước ta đã trải qua gần 30 năm đổi mới, với rất nhiều thành tựu kinh tế đáng ghi nhận. Ngay cả trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động theo chiều hướng đi xuống như năm 2013, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt mức 5,42%. Kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt hơn 132 tỷ USD... Điều đó chứng tỏ, ngay trong cơn “sóng cả” của khủng hoảng kinh tế thế giới, Chính phủ và khối doanh nghiệp Việt Nam vẫn không “ngã tay chèo”.

Tuy nhiên, những biến động về kinh tế - chính trị trong khu vực và trên thế giới hiện nay đã tác động mạnh đến kinh tế trong nước và cho thấy một thực tế, kinh tế Việt Nam lệ thuộc khá nhiều vào thị trường bên ngoài. Hơn bao giờ hết, yêu cầu về tự chủ kinh tế đang đặt ra cấp thiết với các cơ quan quản lý Nhà nước và từng doanh nghiệp của Việt Nam. Tự chủ kinh tế không chỉ là khẩu hiệu, phải là hành động, ngay bây giờ!

Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, ổn định môi trường đầu tư chính là cách để doanh nghiệp tự chủ kinh tế (ảnh minh họa)

Tự chủ kinh tế bằng cách nào? Làm sao để có thể từng bước hướng tới tự chủ về mặt kinh tế mà vẫn giữ được các mối quan hệ bạn hàng chiến lược? Đây là câu hỏi đã được đặt ra trong suốt những ngày qua, từ trên hội trường Quốc hội, đến các hội thảo khoa học về kinh tế và chương trình hành động của từng doanh nghiệp.

Khối doanh nghiệp là những người thấu hiểu hơn ai hết những thua thiệt của doanh nghiệp Việt Nam khi hàng hóa xuất khẩu phải thông qua một thương hiệu đã được khẳng định trên thương trường quốc tế từ lâu mới mong bán chạy và được giá. Trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu đó, doanh nghiệp Việt Nam chỉ được hưởng một phần giá trị gia tăng rất nhỏ, theo kiểu “lấy công làm lãi”.

Các doanh nghiệp thấm thía việc phải đi nhập từ sợi chỉ, cây kim để sản xuất ra những sản phẩm thời trang “sản xuất tại Việt Nam” được thị trường thế giới ưa chuộng. Thế nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng hy sinh lợi ích của doanh nghiệp mình vì mục tiêu lớn hơn. Đó là tăng cường tính liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước để xây dựng nên một chuỗi sản xuất trong nước và phấn đấu trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Từ lâu nay, tính liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất yếu, dễ bị bẻ gãy, nhưng trong bối cảnh tình hình diễn biến phức tạp hiện nay, nếu các doanh nghiệp vẫn giữ lối tư duy manh mún, thân ai nấy lo, thì “tự chủ kinh tế” vẫn chỉ là khẩu hiệu.

Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, ổn định môi trường đầu tư chính là một cách để từng bước khẳng định tính tự chủ về kinh tế. Thời gian qua, cơ quan quản lý Nhà nước ở một số địa phương đã để lại ấn tượng rất tốt với nhà đầu tư nước ngoài khi kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn. Điều quan trọng bây giờ là cần duy trì hình ảnh tốt đẹp đó.

Làm sao để các doanh nghiệp yên tâm, tin tưởng khi đầu tư vào Việt Nam; làm sao để doanh nghiệp trong nước cũng tiếp cận dễ dàng hơn với đất sạch, với vốn vay và các điều kiện khác. Hạn chế sách nhiễu, cửa quyền, gây phiền hà cho doanh nghiệp và nhà đầu tư; chuyên nghiệp hóa và rút ngắn quá trình thực hiện các thủ tục hành chính là những việc làm vô cùng cần thiết để ổn định môi trường đầu tư và khuyến khích doanh nghiệp phát triển. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Còn với người tiêu dùng, hơn bao giờ hết, khẩu hiệu “Dùng hàng Việt là yêu nước” cần được khẳng định bằng những hành động cụ thể. Mỗi một sản phẩm công nghiệp, nông sản được tiêu thụ là thêm một phần đóng góp cho sự tăng trưởng chung của kinh tế đất nước, tăng tính độc lập tự chủ cho nền kinh tế. Dĩ nhiên, chúng ta không cực đoan, “tẩy chay hàng hóa ngoại”, mà nên cân nhắc trước khi quyết định mua hàng để ưu tiên dùng những sản phẩm mà doanh nghiệp trong nước sản xuất được.

Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, sắp tới là tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nền kinh tế càng mở, thương mại càng tự do thì các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và người tiêu dùng Việt Nam càng cần tỉnh táo, linh hoạt, tránh phản ứng thái quá và tránh để mối liên kết trong chuỗi sản xuất - cung ứng nội địa bị rạn nứt hay bị tụt hậu so với kinh tế thế giới.

Vấn đề trước mắt là phải giải quyết tốt khâu tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh chế biến, hạn chế xuất khẩu khoáng sản, nông sản thô, cải tiến khâu phân phối để gia tăng giá trị, tiến tới tự chủ kinh tế vì một nền kinh tế mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên