Từ cơn bão số 14: Việt Nam chủ động là không thừa
VOV.VN-Bão số 14 không đổ bộ trực diện vào nước ta như dự đoán ban đầu. Thế nhưng, các phương án chủ động phòng tránh bão vẫn rất cần thiết.
Bão số 14 với tên quốc tế là Haiyan - cơn bão được dự báo mạnh nhất trong lịch sử thế giới đã tan và may mắn thay sức tàn phá khủng khiếp của nó đã không ảnh hưởng nhiều đến nước ta. Cả tuần qua, gần như cả nước quay cuồng để thực hiện các phương án chuẩn bị, đối phó với bão. Sau mỗi trận bão đều có những bài học kinh nghiệm được rút ra. Qua cơn bão số 14 này cho thấy, chủ động cảnh báo và có các phương án đối phó với bão một cách quyết liệt sẽ không bao giờ thừa đối với mỗi địa phương, mỗi người dân.
Chưa bao giờ nước ta gặp cơn bão nào phức tạp, dị thường như cơn bão Haiyan vừa qua. Đây là cơn bão mạnh ngoài sự tưởng tượng trong khi đường đi thay đổi liên tục. Khi cơn bão này vào biển Đông, nó vẫn là siêu bão, với sức gió đạt trên 300 km/h, gấp đôi cấp gió của một cơn bão bình thường. Miền Trung được dự báo sẽ là nơi tâm bão đi qua.
Bão 14 đổ bộ vào đảo với gió cấp 9 cấp 10 kèm theo sóng lớn vào Lý Sơn, Quảng Ngãi |
Những lãnh đạo cao nhất của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và người dân lo lắng, ráo riết chuẩn bị những phương án như thời chiến để đối phó với trận cuồng phong dữ dội nhất. Một cuộc sơ tán dân lớn nhất trong lịch sử ước tính gần 1 triệu người được di chuyển từ vùng thấp trũng, ven biển, vùng được dự báo tâm bão đi qua đến nơi an toàn.
Trước bão vào gần một tuần, các lực lượng quân đội cùng chính quyền địa phương đã kêu gọi, sắp xếp, hướng dẫn tàu thuyền của bà con ngư dân về nơi tránh trú, neo đậu an toàn. Ngoài huyện đảo Trường Sa, hàng trăm tàu thuyền cùng cả ngàn ngư dân cũng vào tránh trú ở những âu tàu vững chãi ngoài đảo.
Khắp dải đất miền Trung, nơi vẫn chưa lành những vết thương từ những cơn bão trước, người dân tất thảy lại chủ động chuẩn bị lương thực thực phẩm, chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản. Thậm chí nhiều nơi như Quảng Nam, Quảng Bình, bộ đội đã cùng bà con đào hầm như thời chiến tranh để trú ẩn an toàn khi siêu bão đi qua. Lực lượng quân sự cũng đã chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, cả xe lội nước, tàu thuyền sẵn sàng làm công tác tìm kiếm cứu nạn, giúp đỡ người dân trong bão. Bản tin dự báo bão, cảnh báo, hướng dẫn phòng tránh bão được phát đi liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng làm nóng thêm không khí chuẩn bị đối phó với siêu bão chưa từng có.
Bão Haiyan đổi hướng phức tạp, bão chưa tới nhưng cả nước đã quay cuồng như trong bão. Dọc các tỉnh ven biển từ duyên hải Nam Trung Bộ cho đến Đông Bắc, hết nơi này đến nơi kia được cảnh báo sẽ là nơi tâm bão đi qua. Trong khi đó, thông tin về sự hủy diệt của cơn bão này ở Philippines càng khiến người dân nước ta lo lắng.
Thật may mắn, bão đã không đổ bộ trực diện vào nước ta như dự đoán ban đầu mà chạy dọc ven biển từ Trung ra Bắc, và cấp gió cũng suy yếu dần. Mặc dù thế nhưng cũng đã có hơn 10 người chết trong khi phòng chống bão. Nhiều tàu thuyền mặc dù đã neo đậu về bờ nhưng cũng bị sóng gió làm vỡ, hư hỏng nặng. Nhiều diện tích hoa màu bị ngập, cây cối ngã đổ, nhà tốc mái gây khó khăn cho sản xuất và cản trở sinh hoạt của người dân.
Thiên tai, mưa bão thật khó lường và ngày càng trở nên hung dữ, bất thường, phức tạp hơn. Vì thế, sự chủ động tìm mọi cách để ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do bão qua việc sơ tán dân, chằng chống nhà cửa, xây hầm trú ẩn, neo đậu tàu thuyền như vừa qua như một “đợt tập dượt” lớn để người dân có thêm kinh nghiệm trước mỗi trận bão.
Tâm thế hoàn toàn chủ động “chờ bão” đến của người dân miền Trung lần này đã cho thấy ý thức cũng như kinh nghiệm ứng phó với thiên tai ngày càng được nâng cao. Một đất nước mỗi năm phải đối phó với trên 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới như nước ta thì việc chủ động phòng tránh như thế không bao giờ thừa./.