Từ thông báo của Ủy ban kiểm tra Trung ương
Nếu Ủy ban Kiểm tra TƯ không vào cuộc thì khó có cơ quan nào có thể chỉ được ra sai lầm, khuyết điểm vì những người mắc khuyết điểm đều là những cán bộ lãnh đạo cao nhất ở địa phương.
Kỳ họp thứ 28 của Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng vừa kết thúc vào những ngày đầu tháng với một thông báo khá ngắn gọn, súc tích về các nội dung mà Ủy ban đã xem xét và quyết định. Tuy vậy, nội dung thông báo này lại được dư luận xã hội và các cán bộ đảng viên đặc biệt quan tâm. Lý do cũng dễ hiểu, một khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc, xem xét thì đó đều là những vụ việc lớn, quan trọng, có liên quan đến những đảng viên giữ những vị trí công tác quan trọng ở TƯ và địa phương, đến các tổ chức Đảng giữ quyền lực lãnh đạo cao ở địa phương hoặc các bộ, ngành.
Đáng chú ý nhất, trong 10 vụ việc kiểm tra và kết luận có dấu hiệu vi phạm có đến già nửa liên quan đến công tác quản lý và sử dụng đất đai. Trong đó, có những vụ việc đã được báo chí mổ xẻ nhiều, gây bức xúc trong dư luận như việc phê duyệt các đồ án quy hoạch, các dự án đầu tư xây dựng, việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất của các dự án đầu tư tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Cả Ban cán sự đảng UBND tỉnh, một cán bộ nguyên Bí thư Tỉnh uỷ; một Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh; 2 nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh; 2 Phó Chủ tịch UBND tỉnh… đều có trách nhiệm trong sai sót này. Hay như những sai phạm trong công tác qui hoạch, giao đất và quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng có trách nhiệm của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Chủ tịch và 2 Phó chủ tịch UBND tỉnh.
Hai ví dụ nêu trên cho thấy nếu Ủy ban Kiểm tra TƯ không vào cuộc thì khó có cơ quan nào có thể chỉ được ra sai lầm, khuyết điểm vì những người mắc khuyết điểm đều là những cán bộ lãnh đạo cao nhất ở địa phương. Điều đáng nói nữa là những sai phạm ở cán bộ cấp cao cho dù là nhỏ thì cũng là tiền đề dung túng cho những sai phạm nghiêm trọng hơn ở các cấp thấp hơn.
Những sai phạm mang tính phổ biến như trên cũng chứng tỏ công tác quản lý và sử dụng đất đai đang có nhiều lỗ hổng và đây chính là điểm yếu mà nhiều cán bộ dễ mắc sai lầm. Ai cũng biết trong hoàn cảnh hiện nay, đất đai vừa là tài nguyên cũng vừa là tài sản rất có giá trị. Nếu pháp luật và chính sách quản lý lĩnh vực này không nhanh chóng được hoàn thiện thì sẽ còn tạo nhiều kẽ hở cho tham nhũng, tiêu cực nảy sinh, gây bất công bằng xã hội, tạo ra nhiều điểm nóng ở các địa phương, đặc biệt là những vùng có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh.
Trong thông báo của Ủy ban Kiểm tra TƯ lần này cũng thể hiện thái độ kiên quyết thi hành nghiêm kỷ luật Đảng. Có 2 cán bộ (một ở Cần Thơ, một ở Phú Yên) mặc dù Ủy ban Kiểm tra TƯ đã xem xét, yêu cầu xử lý sai phạm nhưng cơ quan Đảng địa phương không thi hành kỷ luật nên Ủy ban Kiểm tra TƯ rút hồ sơ và xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định của Điều lệ Đảng. Đây là thông điệp mạnh mẽ của TƯ đối với những biểu hiện xuê xoa, nể nang, việc lớn biến thành nhỏ, việc nhỏ coi như không có gì ở nhiều tổ chức, cơ sở đảng và nhiều cán bộ, đảng viên.
Thực tế cũng cho thấy, có rất it khi sai phạm do tự nội bộ phát hiện, đấu tranh, do vậy cần tăng cường hơn nữa sức chiến đấu của từng đảng viên và từng tổ chức cơ sở đảng, đẩy mảnh phê và từ phê bình. Kiên quyết nói không với hiện tượng bao che, xử lý nhẹ, xử lý kín, xử lý cốt xoa dịu dư luận đối với các tổ chức và cá nhân có sai phạm.
Đối với cán bộ, tổ chức có quyền lực lớn, nắm nhiều trọng trách thì bên cạnh việc phát huy cao trách nhiệm cá nhân, nhấn mạnh vai trò của cấp trưởng và người đứng đầu thì cũng cấn phải có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xây dựng cơ chế thực sự phát huy được dân chủ trong đấu tranh phê bình, nhằm hạn chế sự lạm quyền dẫn tới chuyên quyền.
Thông thường cứ gần đến đại hội Đảng các cấp, các vụ khiếu kiện liên quan đến cán bộ, đảng viên có chức, có quyền lại có xu hướng tăng lên. Điều đó đòi hỏi, cơ quan kiểm tra các cấp của Đảng nói riêng, các cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung lại càng phải vào cuộc vừa khẩn trương, vừa thận trọng. Mục đích hàng đầu là kịp thời phát hiện, uốn nắn những sai lầm, lệch lạc trong hoạt động của các cán bộ đảng viên, của các cơ quan, tránh để xảy ra những hậu quả lớn hơn. Đồng thời bảo vệ được những cán bộ dũng cảm, trong sạch, dám nghĩ, dám làm; nhận diện những phần tử thoái hóa, tham nhũng, biến chất…, đưa ra xử lý theo kỷ luật Đảng và theo pháp luật, không để chúng trèo cao, chui sâu vào bộ máy của Đảng và Nhà nước./.