Từ Vedan nghĩ đến quyền năng tối thượng của người tiêu dùng
Cuối cùng thì Công ty Vedan đã chấp nhận bồi thường 100% cho bà con nông dân. Cho dù sự việc có thể sẽ chưa dừng lại ở đây, nhưng điều rất đáng suy ngẫm là quyền lực tối thượng của người tiêu dùng đã phát huy đúng lúc, đúng chỗ
>> Các siêu thị miền Bắc ngừng kinh doanh sản phẩm Vedan
>> Công ty Vedan chấp nhận bồi thường 100% cho nông dân T.P Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu
Hiển nhiên lãnh đạo Vedan đã tính toán và thấm thía đến tận cùng sự sống còn của doanh nghiệp này tại Việt Nam nếu như người tiêu dùng “tẩy chay” bột ngọt Vedan - loại bột ngọt có vị đắng của nước sông Thị Vải nên mới chấp nhận bồi thường. Lãnh đạo Vedan cũng biết chắc chắn rằng, Vedan sẽ hết đường sống sót nếu người tiêu dùng Việt Nam “quay lưng” thực sự với sản phẩm này. Từ vụ việc Vedan đáng để chúng ta ngẫm về quyền năng tối tượng của người tiêu dùng Việt - vấn đề vốn từ lâu đã bị bỏ quên.
Giống như giọt nước đã tràn ly và chỉ khi đẩy vào tận cùng của sự phẫn nộ, người tiêu dùng trong nước mới bừng tỉnh thực hiện quyền năng của mình sau một thời gian quá dài dễ dãi với Vedan và với chính bản thân. Đồng loạt xếp sản phẩm Vedan ra ngoài hệ thống tiêu thụ, tẩy chay không sử dụng bột ngọt Vedan… Ý thức về quyền của người tiêu dùng đã được cụ thể hoá, và đây được nhiều người ví như là điểm sáng hiếm hoi khi người tiêu dùng trong nước kiên quyết thực thi quyền lực của mình.
Tẩy chay sản phẩm bị lên án như Vedan nên trở thành thông lệ tốt, là thói quen của người tiêu dùng để khởi động cho 2 việc hết sức quan trọng thời gian tới. Một là hiện thực hóa quyền lực của người tiêu dùng bằng hành động cụ thể và nhất quán. Hai là tạo ra sức ép mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp, các nhà sản xuất hàng hóa cả trong nước và nước ngoài trong “quan hệ ứng xử” đối với người tiêu dùng.
Có lẽ đã từ khá lâu rồi, người tiêu dùng trong nước luôn trong tình trạng “chiếu dưới” trong quan hệ mua bán hàng hóa. Những trường hợp xâm hại đến sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng từ trước đến nay kể không hết như: bán bánh phở có pha hàn the, sản xuất nước tương có chất 3-MPCD, đong xăng thiếu và chất lượng kém cho người mua, sữa nghèo đạm, phân bón làm từ đất sét.... Việc K+ độc quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh ngày Chủ nhật, thịt đông lạnh bị thối của Công ty Cổ phần Thực phẩm Việt Nam (Vinafood) vẫn bán ra thị trường... xâm hại quyền lợi của người tiêu dùng nhưng chẳng mấy ai dám kiện, chẳng mấy ai đứng ra bảo vệ quyền lợi cho bản thân.
Điểm lại những vụ việc này còn cho thấy một điều khác, đó là đa phần các vụ việc này do công luận, báo chí phát hiện ra và trong một chừng mực nhất định đã tạo ra những áp lực để các cơ quan quản lý vào cuộc. Cũng trong các vụ việc đó, vai trò của các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hội bảo vệ người tiêu dùng rất mờ nhạt. Người ta vẫn quen nghe câu, “khách hàng là thượng đế”, hay sự kêu gọi của chính các cơ quan chức năng mỗi khi đến Tháng Vệ sinh An toàn thực phẩm và Ngày Bảo vệ người tiêu dùng với khẩu hiệu; “Mỗi chúng ta hãy trở thành người tiêu dùng thông thái”. Trong khi đó chúng ta có cả một thiết chế, một bộ Luật chỉ để bảo vệ người tiêu dùng, nhưng lại không phát huy được tác dụng. Không mấy ai biết Luật Bảo vệ người tiêu dùng qui định thế nào? Quyền năng của người tiêu dùng ra sao khi bị vi phạm quyền lợi? Trách nhiệm của doanh nghiệp và cơ quan chức năng trong việc thông tin đầy đủ tới người tiêu dùng về nguồn gốc, thành phần, chất lượng sản phẩm...
Một kết quả điều tra năm 2008 do Hiệp hội Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) thực hiện với trên 1.000 người được phỏng vấn ở 10 tỉnh, thành phố cho thấy: 41% người tiêu dùng không biết mình có những quyền gì, trong khi trên 50% người tiêu dùng không biết mình có trách nhiệm gì. Với thực tế đó để trở thành người tiêu dùng thông thái…và tự bảo vệ mình là quá khó!
Trong khi chờ đợi những động thái mới để thực hiện Luật Bảo vệ người tiêu dùng hiệu quả hơn và tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, việc thực hiện một trong những quyền tối thượng của người tiêu dùng đó là “quay lưng” với các sản phẩm của các doanh nghiệp, nhà sản xuất có hành động sai trái, có sản phẩm xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng là thiết thực và hiệu quả. Nói như thế bởi đây là áp lực lớn nhất đối với các nhà sản xuất, các doanh nghiệp buộc phải thay đổi chính sách, cải thiện chất lượng sản phẩm hoặc ngừng sản xuất các sản phẩm bị người tiêu dùng lên án.
Xét cho cùng, không ai khác, người tiêu dùng chính là những người người nuôi dưỡng, khẳng định và gìn giữ cho thương hiệu của các sản phẩm, của doanh nghiệp. Nhưng họ cũng chính là người “quyết định sự sống còn” của chính doanh nghiệp trên thương trường. Vụ việc Vedan chính là “thông điệp cảnh báo” của người tiêu dùng Việt Nam gửi đến với những doanh nghiệp làm ăn bất chính, tìm cách lừa dối và xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng./.