Từ vết nứt mặt cầu Thăng Long nghĩ về chất lượng công trình

Nhiều công trình xây dựng được đầu tư từ ngân sách nhà nước nhưng đã không đem lại hiệu quả thực sự cho mục đích phục vụ lợi ích cộng đồng

Trong tuần qua, Dự án Sửa chữa mặt cầu Thăng Long (Hà Nội) do Ban Quản lý dự án 2, Cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng. Nhưng chỉ sau một tháng đưa vào sử dụng, mặt cầu đã xuất hiện nhiều vết nứt, lún. Vậy là lại thêm một công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước không hiệu quả.

Dự án Sửa chữa mặt cầu Thăng Long do Ban Quản lý dự án 2, thuộc Cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư. Đơn vị thiết kế, và giám sát thi công là Viện Khoa học công nghệ (Bộ Giao thông Vận tải). Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Bảo Quân là đơn vị thi công. Công trình này đã sử dụng loại bê tông nhựa SMA, là loại vật liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế và được nhiều nước trên thế giới sử dụng cho các công trình mặt cầu thép có tuổi thọ công trình nhiều năm. Nhưng với dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long, mới chỉ sau hơn một tháng đưa vào sử dụng đã phát hiện các vết nứt có chiều rộng từ 3- 5cm, chiều dài từ 2- 4 mét.

Sau khi xảy ra sự cố này, đến nay, cả đơn vị thiết kế và giám sát thi công là Viện Khoa học công nghệ và bên thi công là Công ty Bảo Quân đều đưa ra nhiều lý lẽ không nhận trách nhiệm chính gây sự cố này. Nhưng vì công trình đang trong thời gian bảo hành nên Công ty Bảo Quân đang phải tổ chức sửa chữa khắc phục các sự cố rạn, nứt trên bề mặt cầu Thăng Long theo đề xuất của Viện Khoa học công nghệ: cắt bỏ các mảng bê tông có vết nứt cục bộ, sau đó sử dụng hỗn hợp vật liệu bê tông nhựa SMA để trám, vá.

Dự án Sửa chữa mặt cầu Thăng Long có số vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, hay nói cách khác là từ tiền thuế đóng góp của nhân dân để đầu tư xây dựng công trình phục vụ lợi ích công cộng. Nhưng việc khắc phục sự cố theo hướng trám, vá như vậy liệu có đảm bảo chất lượng công trình? Bởi thực tế, ở nhiều công trình xây dựng đường giao thông bị xuống cấp gây sụt lún, ổ gà, ổ voi và được khắc phục bằng hình thức trám, vá, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn mặt đường lại bị bong, tạo thành những hố trũng sâu, ảnh hưởng không nhỏ cho các phương tiện giao thông đi lại.

Dự án Sửa chữa mặt cầu Thăng Long được Bộ Giao thông Vận tải lựa chọn đơn vị thiết kế, thi công và được sử dụng vật liệu tốt nhất nhưng vẫn xảy ra sự cố đáng tiếc. Không chỉ riêng dự án này, trong thời gian gần đây không ít các công trình cầu, đường mới hoàn thành đã xuống cấp nghiêm trọng. Xin lấy ví dụ: Cầu Khe Dầu ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình được bàn giao đưa vào sử dụng vào cuối năm 2008. Thế nhưng, hiện nay mố cầu bị sạt lở. Nghiêm trọng hơn, lớp bê tông phía trong mặt cầu không được sử dụng vật liệu xi măng cốt thép mà được bên thi công thay thế bằng cốt tre và cót ép. Như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn đi lại của nhân dân. Cũng bằng hình thức thi công gian dối này, trước đó là vụ Ban Quản lý dự án PMU 18 mà chủ đầu tư là Bộ Giao thông Vận tải lại sử dụng bê tông cốt tre để làm cọc tiêu trên quốc lộ 18.v.v…

Từ các vụ việc vừa nêu cho thấy, chất lượng một số công trình xây dựng trong ngành giao thông vận tải bị xuống cấp nhanh chóng do lỗi trước hết thuộc về chủ đầu tư công trình chưa làm hết trách nhiệm được giao. Vẫn còn tình trạng công trình bị rút ruột do nhà thầu và chủ đầu tư chia chác một phần nguồn vốn đầu tư công trình nên các công trình này không thể đảm bảo chất lượng. Đơn cử, tại công trình xây dựng cầu vượt Văn Thánh ở TP. Hồ Chí Minh, vì các khoản lại quả của nhà thầu cho nhiều đơn vị, cá nhân có liên quan nên tiền còn lại để xây dựng chỉ bằng 40% của số tiền trúng thầu. Đây là lý do cây cầu vượt này bị lún, sụt ngay khi chưa khánh thành công trình.

Chất lượng công trình bị xuống cấp còn có nguyên nhân do việc giám sát thi công bị buông lỏng. Đã đến lúc cần siết chặt công tác kiểm soát chất lượng công trình xây dựng nói chung và các công trình xây dựng trong ngành giao thông vận tải nói riêng. Đồng thời, cần xử lý nghiêm theo pháp luật với đơn vị, cá nhân có hành vi tham nhũng từ nguồn vốn ngân sách đầu tư công trình.

Trở lại với Dự án Sửa chữa mặt cầu Thăng Long, Bộ Giao thông Vận tải sớm chỉ định đơn vị có đủ thẩm quyền khẩn trương nghiên cứu tìm ra nguyên nhân gây sự cố rạn, nứt trên bề mặt cầu Thăng Long. Từ đó rút ra bài học về chuyên môn, kinh nghiệm chuyển giao công nghệ vật liệu mới phải đảm bảo chất lượng công trình, để triển khai ra diện rộng trong các công trình xây dựng cầu, đường ở các địa phương khác trong cả nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên