Từ vụ con rồng ở Hải Phòng: Bỏ tiền mua bực dọc vào thân
VOV.VN -Trang trí hoa tết để dân ngắm nhưng cách làm và sản phẩm ở một số nơi khiến dư luận bức xúc, đàm tiếu.
Dư luận chưa kịp lắng về hình ảnh con rồng mang hình thù kỳ quái được trang trí trên đường phố Hải Phòng thì lại tiếp tục “dậy sóng” vì thác hoa ở Đồng Tháp vừa được đưa vào sách kỷ lục guiness của Việt Nam. Cả hai công trình này đều vấp phải phản ứng của dư luận bởi chúng được làm ra hoặc chỉ để khuếch trương thanh thế địa phương hoặc chỉ để tiêu tiền từ ngân sách nhà nước.
Thác hoa ở Đồng Tháp cũng đang gây tốn giấy mực. |
Dường như đã thành thông lệ, trong không khí rộn ràng chuẩn bị đón Tết, các địa phương thường muốn tạo dấu ấn riêng bằng việc đưa ra một kỷ lục nào đó. Năm thì cái bánh chưng khổng lồ, bánh tét khổng lồ, năm thì toàn hoa rau muống cắm sát Hồ Hoàn Kiếm… và đường đi của những kỷ lục này sau đó là như thế nào chắc chắn ai cũng biết.
Trang trí, trang hoàng cho nhà cửa, đường phố, tạo không khí mới mẻ là việc làm cần thiết khi tết đến xuân về. Nhưng vì sao những thứ làm cho người dân, vì dân này lại không được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của người dân, để xem họ có thích hay không? Bởi tiền dùng để làm những việc này đa phần là từ ngân sách và mục đích là để phục vụ người dân. Nhưng xem ra, nhiều người lạm dụng danh nghĩa “vì dân” để tiêu pha lãng phí, làm những việc vô bổ, gây bức xúc trong dư luận, thậm chí là thêm mất niềm tin vào sự lãnh đạo, quản lý của chính quyền cơ sở.
Kiểu trang trí phố phường theo cách làm cho xong, làm để giải ngân cuối năm đang gây ra một sự lãng phí không hề nhỏ đối với ngân sách. Những cách trang trí này trở thành những câu chuyện đàm tiếu cho dư luận, gây sự bức bối khó chịu cho người nhìn. Và quan trọng hơn nữa, nó tạo một ấn tượng không đẹp với những du khách quốc tế đến Việt Nam vào những ngày đầu năm mới.
Mỗi con phố, con đường đều mang một nét đặc trưng riêng. Vì sao những con phố cổ ở Hội An, Hà Nội… dịp lễ hội và Tết năm nào cũng chỉ treo đèn lồng mà người dân vẫn không thấy nhàm chán, du khách thì vẫn thấy thích thú.
Có thể ví việc trang trí đường phố đón Tết cũng như một loại gu thẩm mỹ thời trang. Mỗi cách trang trí có thể không làm hài lòng 100% người dân nhưng phải phù hợp với đa số công chúng. Một lối trang trí nhẹ nhàng, tiết kiệm, phù hợp và đặc biệt là cần một qui hoạch tổng thể về cách trang trí các con đường đang là yêu cầu bức thiết. Còn như hiện nay, chúng ta đang trang trí theo kiểu thích gì làm đấy, phố, phường nào nhiều tiền thì làm diêm dúa, ít tiền thì bày biện đơn sơ. Tiền dân đóng thuế dùng để phục vụ dân nhưng hài lòng đâu chả thấy chỉ thấy rước bực dọc, bức xúc.
Chủ trương là triệt để tiết kiệm, nhưng chỉ cần nhìn riêng vào những thứ trang trí, hoa lá cành… cho dịp Tết nếu cứ theo cách bao lâu nay các địa phương, đơn vị vẫn làm thì chỉ là cách đốt tiền./,