Vẫn cách nhìn sai lệch về tự do tôn giáo ở Việt Nam

Những ai còn chưa tin vào một đời sống tôn giáo, tín ngưỡng hết sức phong phú và được tôn trọng tại Việt Nam, thì phải tới tận nơi để chứng kiến.

Trong Báo cáo của Mỹ về tự do tôn giáo thế giới năm 2011 vừa công bố, Bộ Ngoại giao Mỹ lại một lần nữa đưa ra các nhận định thiếu khách quan và sai lệch về tình hình thực thi tự do tôn giáo và tín ngưỡng của Việt Nam. Có thể nói, đây là những luận điệu quá lỗi thời, đi ngược lại xu hướng phát triển tốt đẹp trong quan hệ Việt-Mỹ hiện nay.

Hàng năm, cứ vào khoảng đầu mùa thu, Bộ Ngoại giao Mỹ lại công bố báo cáo về tự do tôn giáo thế giới và lần nào cũng vậy, dư luận thế giới lại có những phản ứng mạnh mẽ trước cách đánh giá thiếu khách quan và sai lệch của phía Mỹ.

Trong báo cáo năm nay, Mỹ tiếp tục đưa 8 nước vào danh sách cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo. Mặc dù Việt Nam không nằm trong danh sách này, song vẫn là một trong các nước bị theo dõi với lời nhận định: “năm vừa qua, Chính phủ Việt Nam không bộc lộ rõ xu hướng tốt hơn hay xấu đi trong việc tôn trọng tự do tôn giáo”.

Có thể thấy rằng, kết luận này đã mâu thuẫn với chính những dữ liệu mà báo cáo của Mỹ đưa ra. Báo cáo đã ghi nhận hàng loạt những tiến bộ của Việt Nam trong việc tạo điều kiện xây dựng hàng trăm nơi thờ phụng mới, công nhận ở cấp quốc gia một số nhóm tôn giáo mới, đăng ký thêm cho nhiều giáo đoàn, cho phép mở rộng các hoạt động từ thiện và tổ chức các sự kiện tôn giáo với đông đảo người dân tham gia…

Vì thế, thật là nghịch lý khi báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đã ghi nhận những thành tựu của Việt Nam mà lại vẫn có những nhận xét đầy chủ quan, định kiến theo kiểu chụp mũ, cho rằng “quyền tự do tôn giáo bị giới hạn bằng nhiều cách” và "một số tín đồ tôn giáo tiếp tục bị đàn áp hoặc sách nhiễu, cầm tù…”.

Cần nhắc lại rằng, Việt Nam cũng như tất cả các quốc gia khác thực thi pháp luật, nghiêm cấm những hành vi lợi dụng tôn giáo, nhân quyền để gây mất ổn định chính trị- xã hội, làm tổn hại đến an ninh quốc gia, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Những ai vi phạm, bất kể họ thuộc tôn giáo nào thì cũng đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Điều này không chỉ ở Việt Nam mà bất kỳ quốc gia nào khác cũng đều ứng xử như vậy! Không lẽ điều tất yếu đó lại khó hiểu đến vậy với những người soạn báo cáo tự do tôn giáo của Mỹ?

Không thể nói là họ thiếu thông tin. Thời gian gần đây, cùng với mối quan hệ phát triển nhanh chóng trên nhiều mặt, Việt Nam và Mỹ đã tiến hành đối thoại thẳng thắn và xây dựng trên nhiều vấn đề, trong đó vòng đối thoại về vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng đã diễn ra tới lần thứ 16.

Việt Nam cũng không ngăn cản mà luôn hoan nghênh các nghị sĩ, quan chức chính phủ Mỹ tới thăm Việt Nam để tăng cường sự hiểu biết và có cái nhìn khách quan về tình hình Việt Nam, trong đó có đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người dân. Do đó, việc không thể nhận ra hay không muốn nhận ra sự khác biệt giữa các hoạt động tôn giáo và hoạt động gây rối chính trị núp bóng tôn giáo thì đều khó có thể chấp nhận.

Đúng như lời khẳng định của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị, Nhà nước Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chính sách và biện pháp cụ thể để đảm bảo người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng.

Theo số liệu thống kê, trong cả nước, 6 tôn giáo lớn gồm Phật giáo, Thiên chúa giáo, Tin lành, Cao đài, Hòa hảo, Hồi giáo có số tín đồ lên tới hơn 20 triệu người, bằng ¼ dân số Việt Nam. Hiện nay, tỷ lệ giáo dân tăng tương đương như tỷ lệ tăng dân số. Điều đó chứng tỏ sự phát triển của các tôn giáo ở Việt Nam là tốt đẹp.

Ở nhiều nơi, chính quyền địa phương đã giúp đỡ các tôn giáo tu sửa cơ sở thờ tự, tạo điều kiện cho hoạt động của các cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo với đủ các cấp học như Học viện Phật giáo, Chủng viện Thiên chúa giáo…

Thực tế này đã thuyết phục không ít chính khách Mỹ, cũng như thế giới. Có thể kể đến đánh giá của Thượng nghị sỹ Mỹ Jim Web sau chuyến thăm Việt Nam năm 2009 rằng: Cho dù vẫn còn những quan điểm cá nhân về một vài vụ việc cụ thể, song không thể phủ nhận những tiến bộ về tự do tôn giáo tại Việt Nam, nhất là từ năm 1991 đến nay.

Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Va-ti-căng Ba-lê-xtre-rô khi đặt chân tới Việt Nam hồi tháng 2 năm nay cũng ghi nhận, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện nhất quán và không ngừng hoàn thiện chính sách tôn trọng và đảm bảo tự do tôn giáo của người dân.

Do đó, những ai còn chưa tin vào một đời sống tôn giáo, tín ngưỡng hết sức phong phú, sinh động và được tôn trọng tại Việt Nam, thì có lẽ sẽ phải tới tận nơi để chứng kiến, nhằm tránh dựa trên những thông tin sai lệch và đưa ra những nhận định theo kiểu “coi thường sự thật” hết năm này qua năm khác.

Việc Mỹ nhìn nhận khách quan và đúng đắn về tình hình Việt Nam, trong đó có tự do tôn giáo, tín ngưỡng là cần thiết, nhất là trong thời điểm hiện nay, khi mối quan hệ Việt-Mỹ đang phát triển ngày càng tốt đẹp, đem lại lợi ích cho cả 2 bên và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân 2 nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên