Vedan - cần một hồi kết thích đáng

Vedan liên tục “diễn trò” chây ì, cố tình kéo dài việc đền bù thiệt hại. Vedan có lúc  kỳ kèo như mua bán rau ngoài chợ, có lúc lại “ra giá” với tư cách bề trên, thậm chí đã có lúc tỏ thái độ thách thức pháp luật, bất chấp sự phẫn nộ của hàng nghìn hộ dân bị hại và công luận…

>> Hơn 140 luật sư giúp nông dân kiện Vedan
>> Vedan nâng mức bồi thường lên 130 tỷ đồng

Một trong những sự kiện đáng chú ý nhất trong tuần qua đó là hàng nghìn nông dân của các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh cùng sự tiếp sức của các cơ quan chức năng và các luật sư đã thống nhất đồng khởi kiện Công ty Vedan ra toà.

Người dân nộp đơn kiện Vedan tại tòa án

Cho dù muộn vì thời hiệu khởi kiện đã gần hết, nhưng muộn còn hơn không khi Vedan đã “bức tử” dòng sông thị Vải hơn 14 năm trời, đẩy hàng nghìn hộ dân sống nhờ dòng sông này phải điêu đứng, môi trường sinh thái kiệt quệ.

Hơn 2 năm kể từ khi bị bắt quả tang, đáng lẽ Vedan phải nhận ra hành vi đáng hổ thẹn để quyết tâm sửa chữa bằng việc khẩn trương đầu tư hệ thống xả thải, đền bù cho nông dân và khắc phục hậu quả. Đằng này, Vedan lại hành xử lúc thì theo kiểu; bố thí, ban ơn, lúc thì thách thức pháp luật.. Nhưng cũng còn cái đáng nói hơn đó là sự thiếu kiên quyết và nghiêm minh trong việc thực thi pháp luật của một số cơ quan chức năng.

Nếu như nhìn lại cả hành trình hơn 2 năm ròng rã, cả các cơ quan chức năng và cả hàng nghìn hộ dân phải “chạy theo” Vedan để… đòi bồi thường cho thấy nhiều chuyện nực cười.

Rõ ràng, Vedan là thủ phạm chính “giết” chết sông Thị Vải, làm cuộc sống hàng ngàn hộ dân điêu đứng, một vùng sinh thái bị kiệt quệ, nhưng số tiền họ định “hỗ trợ” người dân giống như ban phát, giống như ân huệ.

Vedan liên tục “diễn trò” chây ì, cố tình kéo dài việc đền bù thiệt hại. Vedan có lúc  kỳ kèo như mua bán rau ngoài chợ,  có lúc lại “ra giá” với tư cách bề trên, thậm chí đã có lúc tỏ thái độ thách thức pháp luật, bất chấp sự phẫn nộ của hàng nghìn hộ dân bị hại và công luận.

Quá trình “mặc cả” mức bồi thường của Vedan từ năm 2009 đến nay

Hãy thử điểm lại theo dòng sự việc Vedan đã "mặc cả" mức hỗ trợ với 3 địa phương: Với Đồng Nai từ 7 tỷ  lên 15 tỷ và 30 tỷ đồng; Bà Rịa - Vũng Tàu từ 6 tỷ lên 10 tỷ đồng; TP HCM từ 7 tỷ lên 12 tỷ rồi 16 tỷ đồng.

Khi nhận ra sự phẫn nộ của dư luận, sự phản đối của hàng nghìn người dân và sự cương quyết không thể nhân nhượng mãi của các ngành chức năng, và sự thiệt hại nặng nề nếu bị xử ở toà, hôm 28/7 vừa rồi, Vedan mới lùi bước đề nghị tăng tổng mức bồi thường lên 130 tỉ đồng… cho cả 3 địa phương. Nhưng 130 tỷ đồng vẫn còn quá xa so với những thiệt hại không  thể tính bằng vật chất vì những gì mà công ty này gây ra.

14 năm trước Vedan đã lắp đặt vận hành hệ thống đường ống bí mật ra cầu cảng số 2 xả nước thải độc hại xuống sông Thị Vải. Huỷ hoại môi trường cũng từng đấy năm, cũng có nghĩa là Vedan bỏ túi hàng trăm tỷ đồng nhờ trốn tránh trách nhiệm với môi trường. Đó là chưa  kể đến câu chuyện doanh thu từ thị trường bột ngọt Việt Nam năm 2009 vừa qua còn cao hơn năm 2008.

Nước sông Thị Vải sủi bọt trắng xoá

Báo chí dẫn nguồn từ Chính công ty này cho thấy, trong khi Vedan ế ẩm ở toàn châu Á thì lại bội thu ở Việt Nam với khoản lãi  lên đến 150 triệu USD năm 2009. Vedan đã rất rõ ràng về lời lãi bằng những con số đẹp như mơ nhưng lại cố tình mơ hồ về vấn đề môi trường ở Việt Nam.

Một câu hỏi đặt ra là: tại sao Vedan giỏi thế? Vedan trốn tránh trách nhiệm thì đã rõ vậy ai đã tiếp tay cho Vedan? 14 năm vi phạm, đã qua 2 năm bắt quả tang, Công ty này vẫn cứ tồn tại, nước sông Thị Vải vẫn tiếp tục ô nhiễm, người dẫn vẫn tiếp tục phải nhìn miếng cơm manh áo của mình tàn lụi ngày ngày trong chừng đấy thời gian và  vẫn chưa thực sự dừng lại.

Về nguyên tắc, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam thì phải tuân thủ luật pháp sở tại. Để Vedan lộng hành cho đến giờ là có phần do chúng ta đã thực thi luật pháp chưa nghiêm. Nói như thế bởi, trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể quyết định đóng cửa nhà máy cho đến khi có giải pháp khắc phục, đền bù thỏa đáng, thậm chí là xem xét trách nhiệm của ông chủ Vedan.

Cũng vụ việc như vậy xảy ra ở Mỹ là sự cố nổ giàn khoan dầu của BP, Chính phủ nước này đã ra tối hậu thư buộc BP khắc phục ngay hậu quả và đền bù thiệt hại nếu không sẽ có biện pháp mạnh.

BP chưa khắc phục xong sự cố thì đã thực hiện ngay việc đền bù và chi ra 32 tỷ USD để khắc phục sự cố  mặc dù chưa xác định đầy đủ mức thiệt hại.

Trông BP mà ngẫm chuyện Vedan ở Việt Nam thật buồn và cũng thấy tính nghiêm minh của luật pháp, cách ứng xử của doanh nghiệp, hay sự quyết tâm theo đuổi đến cùng vụ việc của chính quyền các tỉnh hay còn nhiều vấn đề phải bàn.

Nước sông ô nhiễm- người nông dân bị ảnh hưởng nặng nề

Chúng ta, cụ thể hơn là chính quyền địa phương, cũng có cách ứng xử… không giống nhau. Hãy thử điểm lại: TP HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết liệt kiện Vedan ra toà và đòi bồi thường. Trong khi đó, cách ứng xử của tỉnh Đồng Nai lại theo kiểu lần chần, nhùng nhằng.

Đã có lúc người ta đặt câu hỏi, Đồng Nai làm thế và xử theo kiểu giơ cao đánh khẽ  vì  lý do gì?

Chưa thể kết luận ngay nhưng rõ ràng, trong một môi trường như thế, tất yếu sẽ dẫn đến chuyện Vedan nhờn thuốc, và thực tế đã xuất hiện những doanh nghiệp khác kiểu Vedan như Tungkuang ở Hải Dương mới đây. Ứng xử thế rõ ràng niềm tin vào tính nghiêm minh của luật pháp của không ít người dân đã giảm sút.

Kiện Vedan ra tòa là hành động cần làm sớm. Nói như Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên thì chúng ta kiện Vedan là thắng, thậm chí “chúng ta có thừa chứng cứ để vạch tội Vedan, chỉ sợ không sử dụng hết.

Hãy chờ kết cục thích đáng dành cho Vedan./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên