Vì những nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam
Trong cuộc đấu tranh này, lòng nhân ái, tình đồng loại của mỗi con người có lương tâm và trách nhiệm trên thế giới này được tôn vinh
Trong suốt 10 năm, từ ngày 10/8/1961- 30/6/1971, quân đội Mỹ đã rải xuống chiến trường miền Nam Việt Nam hơn 80 triệu lít chất độc hóa học, phần lớn là chất da cam, chứa gần 400 kg dioxin.
Vũ khí hóa học cực kỳ nguy hiểm này gây đau thương cho biết bao gia đình, để lại di chứng nguy hiểm cho môi trường tự nhiên và nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Hàng triệu người Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Hàng trăm nghìn người trong số đó đã chết. Các chứng bệnh nan y, dị dạng, dị tật khiến lớp thế hệ con cháu đang phải sống trong đau khổ, nghèo khó là minh chứng sống động, đòi hỏi mỗi người Việt Nam chúng ta cùng với lương tri nhân loại chung tay chia sẻ phần nào nỗi đau thương mất mát ấy.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã nỗ lực, dành khoản kinh phí lớn để trợ giúp những nạn nhân của chiến tranh hóa học. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã được giúp đỡ, khám, chữa bệnh, phẫu thuật chỉnh hỉnh, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, cấp phương tiện hành nghề, cải thiện đời sống. Sự tham gia của các cấp, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp đã góp phần cải thiện đời sống, sức khỏe và tinh thần cho các nạn nhân chất độc da cam, thông qua việc tổ chức quyên góp, giúp đỡ bằng tiền, xây dựng nhà tình nghĩa, cấp học bổng hoặc bảo trợ thường xuyên.
Năm 2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam được thành lập. Cùng với các tổ chức xã hội khác, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã vận động, chăm sóc thường xuyên cho các nạn nhân ở các địa phương trong cả nước. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội là bảo vệ quyền lợi và đại diện cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trong quan hệ với các cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài. Nhiều tổ chức, cá nhân trên thế giới đã ủng hộ các nạn nhân da cam Việt Nam, thông qua lập trang Web thu thập chữ ký ủng hộ vụ kiện của các nạn nhân da cam Việt Nam tại Mỹ, tổ chức phong trào kêu gọi mọi cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là nhân dân Mỹ, ủng hộ vụ kiện.
Cố Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Nguyên Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin kêu gọi: “Hãy đến với nạn nhân chất độc da cam, đến với những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ… Đến với nạn nhân chất độc da cam là đến với nỗi đau khổ tột cùng của con người, nhưng cũng chính ở đây tính bản thiện của mỗi con người Việt Nam Thương người như thể thương thân được thể hiện rõ nhất; cũng chính ở đây lòng nhân ái, tình đồng loại của mỗi con người có lương tâm và trách nhiệm trên thế giới này được tôn vinh”.
Chúng ta đã và đang có nhiều hành động thiết thực thể hiện tình thương và trách nhiệm đối với những nạn nhân chất độc da cam. Năm nay, “Tháng Hành động vì nạn nhân chất độc da cam” từ ngày 10/8 đến 10/9/2009, Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước huy động nguồn lực, chung tay góp sức giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, phấn đấu mỗi tỉnh, thành Hội Chữ Thập đỏ huy động được từ 1 tỷ đồng trở lên cho việc chăm sóc, hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam. Dự kiến số tiền huy động trong năm 2009 là 98 tỷ đồng sẽ trợ giúp trực tiếp cho 70.000 nạn nhân chất độc da cam trong cả nước. Mỗi cơ quan, tổ chức có ngày hành động vì nạn nhân chất độc da cam, vận động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam bằng nhiều hình thức, tham gia nghiên cứu về chất độc da cam; tham mưu với Đảng, Nhà nước các chính sách thích hợp với nạn nhân chất độc da cam.
Được sự ủng hộ của những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới, các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam kiên trì theo đuổi vụ kiện 37 công ty và tập đoàn sản xuất hóa chất Mỹ đã bán cho Bộ Quốc phòng Mỹ loại hóa chất độc dùng làm vũ khí hủy diệt hàng loạt được sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Mặc dù, các cơ quan hữu quan của Mỹ đã nhiều lần không thừa nhận hậu quả của chất độc da cam đối với sức khỏe của những nạn nhân Việt Nam, lảng tránh việc đối thoại và chối bỏ trách nhiệm, nhưng không thể phủ nhận với những sự thật, bằng chứng không thể chối cãi. Yêu cầu đòi bồi thường của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam là hoàn toàn chính đáng. Đó là cuộc đấu tranh chính nghĩa, phù hợp với đạo lý và luật pháp quốc tế./.