Vì sao Bảo hiểm y tế toàn dân trễ hẹn?
Thời điểm 2014 đã rất gần rồi và chắc chắn mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân không thể đạt được, bởi hiện mới có hơn 60% dân số tham gia.
Theo những quy định hướng dẫn thực hiện Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực từ năm 2009, thì đến năm 2014 phải đạt được mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Tuy nhiên, thời hạn đó sắp tới rồi mà mục tiêu ai cũng mong muốn ấy xem ra còn rất xa vời. Nguyên nhân có từ nhiều phía, nhưng chung quy lại là vấn đề nhận thức.
Theo số liệu mới nhất thì hiện nay mới có hơn 60% dân số tham gia bảo hiểm Y tế. So với 46% vào năm 2008 trước khi có Luật Bảo hiểm y tế thì đây là bước tiến đáng kể. Thế nhưng thời điểm 2014 đã rất gần rồi, và chắc chắn mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân không thể đạt được.
Mới đây, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức nhiều đề án nghiên cứu và tổ chức hội thảo để tìm ra nguyên nhân và đặt lại lộ trình cho mục tiêu đầy tính nhân văn này. Theo đó, đến năm 2015 phấn đấu đạt trên 75% dân số có bảo hiểm y tế và 90% là mục tiêu của năm 2020.
Có đạt được những tỉ lệ điều chỉnh ấy thì vẫn là quá chậm trễ. Nguyên nhân từ nhiều phía, nhưng trước hết là nhận thức chưa đúng đắn của người dân về Bảo hiểm y tế. Nguyên tắc của Bảo hiểm y tế là có đóng có hưởng, cộng đồng cùng chia sẽ rủi ro, lấy số đông bù cho số ít không may mắc bệnh phải điều trị tốn kém tiền bạc.
Mới có hơn 60% dân số tham gia bảo hiểm y tế (Ảnh minh họa) |
Thế nhưng không ít người lại nghĩ rằng, đóng bảo hiểm chỉ để cho người khác được hưởng. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động vì thế đã và đang trốn tránh, không thực hiện bảo hiểm y tế đối với những người trực tiếp hàng ngày hàng giờ mang lại lợi ích cho chính mình.
Có những người lúc khỏe mạnh không bao giờ nghĩ đến việc tham gia bảo hiểm y tế, nhưng khi bị bệnh tật đe dọa lại tìm mọi cách để có được thẻ bảo hiểm. Nhận thức sai lệch này chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực tế hiện nay là hơn 30% người cao tuổi không có bất kỳ một hình thức bảo hiểm y tế nào. Hơn 40% số họ vẫn phải tự chi trả cho việc điều trị và thuốc men cần thiết, tỉ lệ chi trả từ bảo hiểm y tế chỉ chiếm khoảng 15%.
Nguyên nhân dẫn đến việc khó đạt được mục tiêu nhân văn này còn xuất phát từ chính thực trạng sử dụng quỹ bảo hiểm y tế và cách hành xử của các bệnh viện. Khi bác sĩ khám bệnh không trực tiếp cấp thuốc và thu tiền thì khó tránh khỏi thái độ phân biệt. Rồi quỹ bảo hiểm y tế chặt chẽ trong từng khoản chi, nhưng các bệnh viện thì cho rằng, chẳng việc gì phải làm thế! Và còn cả những điều chưa minh bạch trong việc thu chi quỹ bảo hiểm y tế...
Những nhận thức và hành xử sai lầm như vậy là nguyên nhân cơ bản của thực trạng tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế còn thấp, mức đóng bảo hiểm chưa tương xứng với mức độ gia tăng của chi phí khám chữa bệnh. Đó cũng là một trong nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng lạm dụng thuốc, lạm dụng kĩ thuật cao trong khám bệnh và điều trị, để không ít bệnh viện coi người bệnh như “miếng mồi ngon”, nhất là đối với những người sử dụng thẻ bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm y tế toàn dân là công cụ đảm bảo thực hiện mục tiêu nhất quán mà Đảng và Nhà nước ta kiên trì hướng tới trong hàng chục năm qua, thể hiện tính ưu việt của chế độ trong việc từng bước thực hiện công bằng xã hội. Vấn đề là phải thực hiện việc đó một cách công khai, minh bạch từ chính sách cho đến cách hành xử trong thực tiễn.
Chẳng ai muốn có bệnh, nhưng khi mang bệnh mới thấy mình cần cộng đồng xung quanh. Vậy nên, cho dù còn những bất cập này khác về nhận thức và cách thức triển khai thì điều tốt đẹp ấy vẫn là đích hướng tới mà mọi người cùng mong muốn. Mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân có thể trễ hẹn, nhưng là điều chúng ta sẽ làm được trong một ngày không xa./.