Vị thế nông nghiệp, nông dân lẽ ra phải khác!
(VOV) -Trong khó khăn mới thấy rõ vai trò nông nghiệp. Nhưng chúng ta lại chưa công bằng với nông nghiệp và nông dân.
Năm 2012 kết thúc với hai điểm sáng nổi bật của nền kinh tế là lạm phát thấp và xuất khẩu tăng cao. Trong đó, có phần đóng góp rất lớn của ngành nông nghiệp khi nâng vị thế của Việt Nam lên hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Nhưng có lẽ ý nghĩa hơn cả là nông nghiệp đã trở thành chỗ dựa để nền kinh tế đất nước bước qua thời suy thoái.
Mặc dù với 27 tỉ USD, kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp chỉ chiếm 23% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong năm qua, nhưng với một quốc gia có 70% dân số sống dựa vào nông nghiệp thì đó quả là một kỳ tích. Kỳ tích bởi trong bối cảnh đất nước khó khăn, lạm phát cao trong năm 2011 vẫn còn ám ảnh, tín dụng thắt chặt, tồn kho hàng hóa tăng cao, hàng vạn doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, công nhân mất việc làm… thì lĩnh vực nông nghiệp vẫn giữ vững nhịp điệu tăng trưởng trong khi phải đối mặt với nhiều thách thức về thiên tai, giá cả… Từ gạo, cà phê, cao su, hạt điều, chè, hồ tiêu, thủy sản... mặt hàng nào cũng tăng cao hơn năm trước. Kỳ tích bởi hơn lúc nào hết, nông nghiệp và nông dân đã thể hiện rõ vai trò điểm tựa vững chắc cho nền kinh tế. Không chỉ ở con số ấn tượng 27 tỉ USD xuất khẩu mà còn ở ngay từ mớ rau, con cá hằng ngày. Nhờ nguồn cung nông sản dồi dào mà giá cả thực phẩm tăng không đáng kể, người nghèo, công nhân cũng đỡ lo cái ăn, cái mặc hằng ngày.
Ngẫm lại, thấy nông thôn Việt Nam thật bao dung và kỳ lạ. Trong chiến tranh, nông thôn đón nhận, dung chứa bao nhiêu con người từ thành phố chạy về! Khi đất nước có biến cố, nông thôn đã trở thành địa bàn chiến lược. Nông dân là người lính. Cả trong hòa bình, với chính sách “Ngụ nông ư binh”, nông thôn góp phần tạo thế tự tin, chủ động phòng thủ đất nước. Giờ, khi kinh tế suy thoái, doanh nghiệp giải thể, những chàng trai cô gái nông thôn ngày nào lên thành phố làm công nhân, nay lại trở về với xóm làng cấy lúa, trồng rau, chăm đàn gà, con lợn… thế là những ngày gian khó cũng tạm qua đi. Lạ, còn bởi lúc kinh tế phát triển, thậm chí là ngay trong năm qua, khi đã góp phần vinh danh Việt Nam lên vị trí đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, thì người hưởng lợi nhiều cũng không phải là nông dân; nông dân đã nhận về mình phần lợi ít ỏi do giá xăng, giá điện, phân bón… tăng cao, nhưng thịt, cá, rau, gạo thì vẫn giữ giá hoặc ít tăng.
Nói điều này để thấy rằng, đã có lúc, chúng ta chưa công bằng với nông nghiệp và nông dân. Chủ trương chính sách về nông nghiệp-nông thôn- nông dân với những mục tiêu rất cụ thể, được kỳ vọng sẽ làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống nông dân thông qua việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng dần tỉ lệ lao động được đào tạo nghề… Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những khoảng cách xa vời. Chỉ năm – ba năm trước đây thôi, cứ chỗ nào làm được chung cư, biệt thự, khu nghỉ dưỡng, sân golf, thủy điện… là các doanh nghiệp đua nhau lập dự án, san nền phân lô để bán kiếm lời, mặc cho đó là đất bờ xôi ruộng mật được tạo lập bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của biết bao thế hệ. Rồi khi sức mua của thị trường lớn, người ta sẵn sàng nhập khẩu từ cái tăm đến thịt gà, thịt lợn… mà không cần biết rằng việc làm đó đã phương hại thế nào đến công ăn việc làm của người nông dân trong nước. Thật buồn khi một quốc gia nông nghiệp như ta mà mỗi năm phải nhập khẩu hàng trăm tấn thịt gà, thịt lợn, thức ăn chăn nuôi… từ nước có nền kinh tế chủ yếu là công nghiệp như Hàn Quốc.
Nông thôn sẽ có một vị thế khác. Đó không phải là ước mơ xa xôi. Vấn đề là cần xác định vị thế xứng đáng của nông dân trong tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước và định vị cho nền nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ nông nghiệp toàn cầu. Cần đầu tư hơn nữa vào khu vực nông thôn và nông nghiệp để có những giống vật nuôi cây trồng chất lượng cao, giá trị lớn. Mục tiêu xây dựng nông thôn mới hay những chính sách giảm nghèo chỉ có thể bền vững nếu nhận thức và dân trí khu vực nông thôn được nâng lên. Một phần những thiệt thòi mà nông dân đang phải chịu, như bị ép giá nông sản hoặc chạy theo lợi nhuận trước mắt mà gom lá sắn, móng trâu, bắt đỉa bán cho tư thương nước ngoài, cũng xuất phát từ những hạn chế về nhận thức mà ra./.