Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa

VOV.VN - Những hành động đơn phương của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam trong gần 1 tháng qua là cực kỳ nguy hiểm.

Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, cả dân tộc Việt Nam đã cực lực phản đối hành vi xâm phạm nghiêm trọng của Trung Quốc.

Trong các hoạt động đối nội và đối ngoại, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đều khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển và phản đối hành vi sai trái của Trung Quốc.

Đặc biệt, trong phiên họp Chính phủ tháng 5, Chính phủ đã bàn bạc rất kỹ về những diễn biến trên biển Đông và biện pháp đấu tranh thời gian tới.

Nhận định về vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ nêu rõ: Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền trên biển của Việt Nam; vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); trái với thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc. Những hành động của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam trong gần 1 tháng qua là cực kỳ nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.


Trước sự việc này, Việt Nam đã hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại; đến nay đã có hơn 30 cuộc giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam và tiếp tục dùng sức mạnh, gia tăng các hành động uy hiếp, xâm phạm ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn.

Về các biện pháp trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Việt Nam tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của mình bằng biện pháp hòa bình”. Các biện pháp bao gồm: (1) Sử dụng các lực lượng thực thi pháp luật trên thực địa để bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam; (2) Đấu tranh bằng con đường chính trị, ngoại giao, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam; (3) Đấu tranh bằng dư luận, thông tin trung thực cho nhân dân và cộng đồng quốc tế hiểu rõ hành vi xâm phạm của Trung Quốc cũng như các biện pháp đấu tranh hòa bình của Việt Nam; kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ hành vi vi phạm  nghiêm trọng luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Thủ tướng cũng cho biết: “Nhất quán sử dụng các biện pháp hòa bình, Lãnh đạo Việt Nam sẽ cân nhắc và quyết định việc sử dụng các biện pháp pháp lý theo luật pháp quốc tế nhằm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng và lợi ích chính đáng của mình”.

Tại Hội nghị Shangri-La 13, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp toàn thể. Trong bài phát biểu này, một lần nữa, chủ trương, đối sách của Việt Nam được khẳng định với quốc tế. “Tôi cho rằng, quân đội hai nước phải hết sức kiềm chế, tăng cường hợp tác với nhau, kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động không để có những hành động ngoài tầm kiểm soát.

Quân đội hai nước phải thể hiện vai trò tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước xử lý thỏa đáng vấn đề một cách bình tĩnh, kiên trì, để không xảy ra xung đột, càng không để xảy ra chiến tranh” – Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh.

Các Đại biểu Quốc hội phản đối hành vi sai trái của Trung Quốc

Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, bên lề các phiên họp, nhiều đại biểu đã thẳng thắn bày tỏ sự phản đối trước hành vi ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông. Đồng thời, các Đại biểu Quốc hội cũng khẳng định ý chí kiên cường, lòng yêu nước, yêu chuộng hòa bình của nhân dân Việt Nam.

Sau buổi thảo luận tại đoàn về báo cáo về tình hình biển Đông, Quốc hội ra thông cáo khẳng định hành vi của Trung Quốc vừa qua là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, cực lực phê phán và yêu cầu Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam. 

Đồng thời, Quốc hội xác định, phải bằng mọi giải pháp để đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình. Quốc hội bày tỏ sự cảm ơn với các nghị sĩ, nghị viện trên thế giới đã có sự ủng hộ kịp thời trong việc phản đối Trung Quốc, tán thành giải pháp đấu tranh bằng con đường ngoại giao, hòa bình của Việt Nam. Việt Nam cũng sẵn sàng chuẩn bị hồ sơ để có thể xử lý bằng biện pháp pháp lý.

Chủ tịch nước gặp mặt thiếu nhi tiêu biểu

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có buổi gặp mặt 55 em thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt tiêu biểu của 11 tỉnh, thành phố trong cả nước nhân dịp về thăm thủ đô và dự lễ tuyên dương.

Đây là hoạt động thường niên được tổ chức tại phủ Chủ tịch kể từ năm 2008. Hoạt động này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch nước cũng như của Đảng và Nhà nước dành cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt.

Tuần làm việc thứ 2, Quốc hội thảo luận nhiều nội dung quan trọng

Trong tuần, Quốc hội dành gần hết thời gian cho hoạt động lập pháp. Hàng loạt dự án luật được Quốc hội nghe và cho ý kiến.


Trong đó có nhiều dự án luật nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội như Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Luật Hải quan (sửa đổi); Luật Phá sản (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)… Các dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi); Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề; Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi) cũng sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại tổ và tại hội trường.

Tại phiên họp toàn thể, Quốc hội cho ý kiến và biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội.

Dư luận quan tâm đặc biệt đến vụ “Bầu Kiên”

Những ngày qua, phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đang gây sự chú ý của dư luận. Đặc biệt là phần tranh tụng của các luật sư và chính bản thân tự bào chữa của bầu Kiên và các bị can.

Ngày xét xử thứ 9 vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đã bước vào phần đối đáp của đại diện Viện KSND giữ quyền công tố tại tòa. Đại diện Viện KSND đã bác bỏ toàn bộ quan điểm bào chữa của các luật sư và các bị cáo đồng thời khẳng định cáo trạng truy tố các bị cáo là “đúng người, đúng tội”. 

Đại diện VKS cũng cho rằng hành vi “cố ý làm trái…” tại ACB chính là phục vụ lợi ích nhóm và là đường vòng tội lỗi của các bị cáo. Cũng trong ngày xét xử 30.5 và chiều 29.5 người dự khán đã được chứng kiến màn đấu khẩu bằng những ngôn từ không dễ nghe giữa đại diện ACB và Vietinbank như: “Liều lĩnh, lừa dối, lách luật…”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên