Việt Nam- Mông Cổ tăng cường quan hệ
VOV.VN -Hai nước cam kết thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật…
Ngày 21/11, tại Phủ Chủ tịch diễn ra lễ đón chính thức Tổng thống Mông Cổ Tsakhiagiin Elbegdorj thăm cấp Nhà nước Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Chuyến thăm là dịp để các nhà lãnh đạo 2 nước gặp gỡ, thể hiện sự coi trọng quan hệ hữu nghị hợp tác truyền thống, từ đó đưa ra những định hướng cho tương lai. Chuyến thăm này càng có ý nghĩa nhiều hơn khi diễn ra trong bối cảnh hai nước đang chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (17/11/1954- 17/11/2014).
Mông Cổ được biết đến như một đất nước của thảo nguyên bao la ở khu vực Trung Á. Mặc dù thời tiết khắc nghiệt với mùa đông giá lạnh, song Mông Cổ lại là một trong 10 quốc gia giàu nguyên khoáng sản nhất thế giới. Vì thế, ngành công nghiệp chính của Mông Cổ là khai khoáng, chiếm trên 50% GDP và được coi là trụ cột của nền kinh tế. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi với 44 triệu đầu gia súc cũng đem lại nguồn thu đáng kể cho quốc gia này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ Damingiin Demberel trong chuyến thăm Việt Nam năm 2010 (Ảnh: Chinhphu.vn) |
Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mông Cổ luôn duy trì ở mức hai con số. Năm 2012, GDP của Mông Cổ tăng 12,3%. Trong khi đó, Việt Nam cũng được đánh giá là nền kinh tế năng động trong khu vực. Do đó, hai nước có nhiều cơ hội và tiềm năng hợp tác, để cùng nhau phát triển.
Nhìn lại chặng đường gần 60 năm qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1954, Việt Nam và Mông Cổ đã dày công vun đắp cho tình hữu nghị song phương, thể hiện qua các chuyến thăm cấp cao diễn ra thường xuyên. Trên con đường xây dựng và phát triển đất nước, Việt Nam và Mông Cổ đã phối hợp chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, dành cho nhau sự giúp đỡ vô tư, trong sáng. Trong thời kỳ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Mông Cổ đã tích cực ủng hộ và viện trợ nhiều nhu yếu phẩm cho nhân dân Việt Nam. Đáp lại, Việt Nam cũng có nhiều hành động thiết thực giúp đỡ Mông Cổ như: cử chuyên gia giúp khảo sát và phát triển giao thông, trồng trọt, phục chế các di tích lịch sử…
Tính đến nay, hai nước đã 3 lần ký Hiệp ước Hữu nghị-Hợp tác và khoảng 20 Hiệp định về hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật… Hai bên duy trì đều đặn cơ chế Ủy ban liên Chính phủ, với phiên họp gần nhất được tổ chức hồi tháng 3 năm nay. Việt Nam và Mông Cổ cũng đã chính thức công nhận lẫn nhau có Quy chế kinh tế thị trường đầy đủ. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, Việt Nam và Mông Cổ còn nhiều tiềm năng hợp tác cần khai thác sao cho quan hệ kinh tế- thương mại phát triển tương xứng với mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai bên.
Hiệp định Thương mại đầu tiên giữa Việt Nam và Mông Cổ được ký vào năm 1958, nhưng do một số khó khăn, nhất là về đường vận chuyển, nên kim ngạch thương mại song phương chưa cao, chỉ đạt 16,3 triệu USD vào năm 2012. Hiện tại, mới chỉ có khoảng 25 doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tại Mông Cổ, trong khi còn nhiều lĩnh vực nước bạn đang kêu gọi đầu tư.
Vì thế, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mông Cổ Tsakhiagiin Elbegdorj lần này nhằm thể hiện sự coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam, đồng thời thúc đẩy hợp tác về kinh tế, thương mại, nông nghiệp, môi trường, văn hóa giáo dục, an ninh quốc phòng. Dự kiến sẽ có một số biên bản hợp tác được ký kết và hai bên sẽ ra Thông cáo chung về kết quả chuyến thăm.
Trong bối cảnh hai nước sẽ kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm tới, chuyến thăm này còn ghi dấu một chặng đường “chia ngọt, sẻ bùi” giữa 2 quốc gia, dân tộc và từ đó, tiếp tục sát cánh bên nhau hướng tới tương lai thịnh vượng cho mỗi nước, cũng như vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương và trên thế giới./.