Việt Nam trong tuần: 58 năm giải phóng Thủ đô

(VOV) - Một Hà Nội tươi trẻ, một Hà Nội với sức vươn khổng lồ nhưng vẫn in đậm dấu ấn của một Hà Nội xưa.

Kỷ niệm 58 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10)

>> Tự hào những chiến sĩ giải phóng Thủ đô

Trong những ngày kỷ niệm, khắp đường phố Hà Nội rực đỏ màu cờ Tổ Quốc, băng rôn và hoa tươi.  Một Hà Nội tươi trẻ, một Hà Nội với sức vươn khổng lồ nhưng vẫn in đậm dấu ấn của một Hà Nội xưa, Hà Nội của 58 năm về trước. 

Người Hà Nội hôm nay vẫn mang đầy ký ức, niềm vui của những ngày thủ đô được giải phóng (Ảnh:vietnamnet)

 Sống trong thời đại mới, thời đại của độc lập tự do, dân chủ, trí tuệ với sự giàu mạnh nhưng mỗi chứng tích, di tích lịch sử vẫn luôn được giữ gìn, nâng niu như những con mắt, trái tim. Người Hà Nội hôm nay vẫn mang đầy ký ức, niềm vui của những ngày thủ đô được giải phóng.

Ngày 10/10/1954, Hà Nội hân hoan đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô. Thủ đô ta hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân; nhân dân lao động vĩnh viễn xóa bỏ mọi chế độ áp bức, bóc lột, đứng lên làm chủ vận mệnh của mình và phấn khởi đi vào xây dựng xã hội mới…

Nhiều ý kiến đóng góp về dự thảo Luật Thủ đô
>> Luật Thủ đô sẽ thắt chặt về đăng ký thường trú

Chiều 11/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tổ chức lấy ý kiến của các ban, ngành, địa phương đóng góp vào dự thảo Luật Thủ đô.  

Có ý kiến cho rằng, Luật Thủ đô cần có quy định trong quản lý đất đô thị, cần dành một tỷ lệ diện tích đất phù hợp để phát triển các khu đô thị xây dựng nhà ở xã hội, nhằm tạo điều kiện cho người nghèo có cớ hội mua được nhà ở.  

Luật Thủ đô sẽ có một số đặc thù để chính quyền Hà Nội quản lý dân cư và xử phạt vi phạm hành chính (Ảnh:VNE)

Về vấn đề quản lý và bảo vệ môi trường, theo một số đại biểu, cần quy chuẩn hoá thành các tiêu chuẩn, chuẩn mực về môi trường chứ không quy định chung chung như dự thảo luật.

Về điều khoản quản lý dân cư, một số đại biểu đề nghị Luật Thủ đô cần bổ sung quy định công dân có thể đăng ký thường trú ở nội thành, nếu sống tạm trú liên tục 2 năm, có việc làm ổn định và hợp pháp, cũng như xét đặc cách đăng ký thường trú với những người có thành tích đặc biệt.

Đề cử Việt Nam làm Báo cáo viên của Ủy ban 6 LHQ

Trong phiên họp toàn thể mới nhất của Ủy ban 6 (Ủy ban Pháp lý) của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 67, các đại biểu đã nhất trí bầu ông Phạm Quang Hiệu - Tham tán Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, giữ chức Báo cáo viên của Ủy ban.

Đây là vị trí đại diện cho khu vực châu Á, tham gia vào cơ chế điều hành công việc của Ủy ban.

Với tư cách là báo cáo viên, đại diện của Việt Nam sẽ tham gia sâu vào các công việc của Liên Hợp Quốc trong vấn đề pháp lý như tham gia điều hành, điều phối công việc, tổng hợp, báo cáo các công việc và đại diện cho Ủy ban trình các Dự thảo Nghị quyết để Đại hội đồng thông qua tại các phiên họp.

Cao Bằng công bố Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó
>> Chủ tịch nước thăm Pác Bó

Tối 6/10, tại thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng đã diễn ra lễ công bố Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, khai mạc Chương trình Du lịch qua những miền di sản Việt Bắc và công bố Quyết định thị xã Cao Bằng trở thành Thành phố trực thuộc tỉnh.  

Thượng tướng Trần Đại Quang trao bằng công nhận Pác Bó là di tích quốc gia đặc biệt cho tỉnh Cao Bằng

Mùa xuân năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người đã chọn Pác Bó là nơi dừng chân đầu tiên. Tại đây, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của cách mạng ta, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam…

Pác Bó trở thành căn cứ địa cách mạng của cả nước và Cao Bằng cũng trở thành cái nôi của cách mạng Việt Nam. Với ý nghĩa lớn lao và tầm quan trọng đặc biệt, Khu Di tích lịch sử Pác Bó được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.

Thực hiện ca ghép gan người lớn đầu tiên tại TPHCM
>> Hoàn thành ca ghép gan ở BV Chợ Rẫy

Sáng 12/10, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) thực hiện ca ghép gan người lớn đầu tiên. Ca ghép gan này gồm 2 ê kíp mổ, do các bác sĩ Bệnh viện ASAN Medical Center Hàn Quốc thực hiện, với sự tham gia của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy. 2 ca mổ cho gan và nhận gan được thực hiện cùng 1 lúc.  

Bệnh nhân là bà C.T.K.Đ, 52 tuổi, ở Đắk Min, tỉnh Đắk Nông bị suy gan. Người cho gan là con trai bà, 22 tuổi.

Ca ghép gan đã đạt được thành công bước đầu (Ảnh:tuoitre)

 

Hai ca ghép gan đầu tiên của Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ được Bộ Y tế cùng Bệnh viện hỗ trợ kinh phí cho bệnh nhân, ước tính hơn 1 tỉ đồng một ca.

Các bác sỹ bệnh viện cho biết, ca ghép gan đã đạt được thành công bước đầu.

Cử chuyên gia theo dõi đập thủy điện Sông Tranh 2
>> Theo dõi an toàn thủy điện Sông Tranh 2
>> Quân khu V khảo sát sơ tán dân

Trong văn bản Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước các công trình xây dựng vừa gửi đến các Bộ, ngành liên quan, nhằm phối hợp theo dõi về mức độ an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2 có nội dung: Từ nay đến giữa tháng 12/2012 sẽ có 2 chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực xây dựng thường xuyên theo dõi tại đập thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.  

Theo đó, các chuyên gia thường xuyên túc trực tại địa bàn để phát hiện những dấu hiệu bất thường nếu có, để có giải pháp xử lý kịp thời, bảo đảm an toàn cho người dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên