Việt Nam trong tuần: Nóng từ nghị trường
Nhiều vấn đề quan trọng như "cứu" doanh nghiệp, xử lý ngân hàng yếu kém, điều hành lãi suất, tái cơ cấu nền kinh tế... được các thành viên Chính phủ trả lời tại Quốc hội
“Cứu” doanh nghiệp, mấu chốt là cơ cấu nợ
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 8/6, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, vấn đề mấu chốt nhất hiện nay được Chính phủ xác định và gọi là “cục máu đông” chính là nợ, nếu cơ cấu được nợ, thì doanh nghiệp sẽ tiếp cận vốn tốt hơn.
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh |
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Trong thời buổi các doanh nghiệp rất khó khăn hiện nay, Chính phủ phải có sự trợ giúp và thực chất đây không phải là gói kích cầu như năm 2009, vì nếu chúng ta làm không cẩn thận sẽ bất ổn về vĩ mô và không đạt được mục tiêu. Đây chính là cái khó của chúng ta, vừa làm sao vẫn thực hiện được mục tiêu của Đảng và Quốc hội đề ra, nhưng lại làm sao có thể giúp doanh nghiệp vượt qua được khó khăn.
Theo Phó Thủ tướng, bản thân các doanh nghiệp cũng phải coi đây là cơ hội để tái cơ cấu lại bản thân mình và cũng là cơ hội để chấn chỉnh và tự mình cùng với hỗ trợ của Chính phủ vượt qua được khó khăn, thì mới đảm bảo cho sự tăng trưởng bền vững hơn.
Nếu bây giờ Chính phủ “cứu” doanh nghiệp một cách tràn lan thì không có đủ sức và không nên làm như thế.
Sẽ xử lý 9 ngân hàng yếu kém ngay trong tháng 6
Giải trình trước Quốc hội chiều 8/6 về nội dung tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã nêu cụ thể mục tiêu nói trên.
Thống đốc cho biết, trong tuần vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã trình và được Thường trực Chính phủ thông qua kế hoạch xử lý 2 trong số 9 ngân hàng yếu kém. Và dự kiến mỗi tuần cơ quan này sẽ trình Chính phủ 2 đề án, qua đó hoàn tất phương án xử lý 7 ngân hàng còn lại ngay trong tháng 6 này.
Hiện tất cả các ngân hàng trên đều chưa được tiết lộ danh tính cụ thể. Còn phương án xử lý, theo Thống đốc, được tiến hành ở hai hướng.
Trên cơ sở kiểm toán đặc biệt và kiểm toán độc lập, Ngân hàng Nhà nước sẽ để các ngân hàng chủ động tự lên phương án tự tái cơ cấu; trường hợp không “tự xử” được, cơ quan này sẽ vào cuộc bắt buộc cho sáp nhập.
Nhiều quyết sách về lãi suất có hiệu lực từ 11/6
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ngày 8/6 đã ban hành một loạt Thông tư, Quyết định liên quan đến việc điều hành lãi suất.
Theo đó, Thông tư số 20/2012/TT-NHNN quy định từ 11/6, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND tối đa là 13%/năm; riêng Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở ấn định lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND tối đa là 14%/năm.
Lãi suất cho vay áp dụng đối với các hợp đồng tín dụng được ký kết trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo hợp đồng tín dụng đã ký kết, phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng.
Thông tư số 19/2012/TT-NHNN quy định, từ ngày 11/6, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 2%/năm;
Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng là 9%/năm; riêng Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở ấn định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng là 9,5%/năm.
Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Cũng từ ngày 11/6, theo Quyết định số 1196/QĐ-NHNN, lãi suất tái cấp vốn là 11%/năm;
Lãi suất tái chiết khấu là 9%/năm;
Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng là 12%/năm.
Tái cấu trúc không phải làm suy yếu hay tiêu diệt DNNN
Trong phần trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội trong phiên chiều 8/6 liên quan đến đề án tái cấu trúc kinh tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã có những trả lời khá rõ ràng về nội dung Đề án tái cấu trúc Doanh nghiệp nhà nước – DNNN.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ |
Theo Bộ trưởng: Bộ Tài chính được giao thực hiện 2 đề án : (i) tái cấu trúc doanh nghệp nhà nước mà trọng tâm là tập đoàn/tổng công ty và; (ii) tái cơ cấu thị trường chứng khoán và các công ty bảo hiểm.
Đối với đề án tái cơ cấu TTCK và các công ty bảo hiểm Bộ đã trình Chính phủ rất sớm, đến tháng 3/2012 đã có báo cáo lại Chính phủ, hiện đang chờ Chính phủ phê duyệt.
Đối với đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, Bộ đã trình Chính phủ từ tháng 11/2011, trình Bộ Chính trị vào tháng 12/2011 và trình lại Chính phủ vào tháng 3/2012. Chính phủ đã cho ý kiến vào phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Bộ trình kèm theo chương trình hành động, Chính phủ cho ý kiến vào ngày 10/05/2012.
Về mục tiêu tái cơ cấu, trong đề án đã nêu 4 mục tiêu chính. Tuy nhiên có thể nói gọn mục tiêu là nâng cao năng lực hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của DNNN; làm lành mạnh hóa, nâng cao năng lực tài chính đảm bảo phát triển lành mạnh, bền vững của DNNN nhất là tổng công ty/tập đoàn.
Như vậy việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước không phải chúng ta làm suy yếu DNNN, triệt tiêu DNNN, mà tái cấu trúc để làm cho DNNN mạnh lên.
Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời chất vấn việc bổ nhiệm ông Dũng
Nhận chất vấn về việc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải trong thời điểm nhạy cảm đơn vị đang bị thanh tra, tại văn bản trả lời đại biểu QH đề ngày 4/6, người đứng đầu ngành GTVT xác nhận, chức danh Cục trưởng Cục Hàng hải là do Bộ trưởng quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm.
Bộ trưởng Đinh La Thăng |
Về quá trình thực hiện chủ trương bổ nhiệm, Bộ trưởng Đinh La Thăng phân trần, kết quả lấy phiếu kín tại buổi họp giữa đại diện Bộ GTVT, Nội vụ và đại diện Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương với Hội đồng Thành viên, Thường vụ Đảng ủy TCty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) ngày 15/12/2011, 6/6 thành viên hội đồng thành viên nhất trí việc điều động và bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng giữ chức Cục trưởng.
Trước khi ký, quyết định bổ nhiệm đã được các cơ quan liên quan thẩm định chặt chẽ theo quy định. Việc bổ nhiệm ông Dũng, theo đó, đã được thực hiện đúng thẩm quyền, quy trình, quy định của pháp luật, từ khi xin chủ trương đến khi quyết định là gần 5 tháng.
Đến thời điểm này, lãnh đạo Bộ GTVT mới biết về những sai phạm của ông Dũng. Trong suốt thời gian thực hiện quy trình bổ nhiệm, Bộ không nhận được bất kỳ thông tin nào từ các cơ quan chức năng hay đơn thư khiếu nại, tố cáo nào về sai phạm của ông Dũng. Việc điều tra tại Vinalines của cơ quan công an là bí mật, nên Bộ hoàn toàn không được biết.
Trong văn bản trả lời chất vấn, ông Đinh La Thăng cũng cung cấp cho đại biểu những thông tin về sai phạm của ông Dương Chí Dũng.
Giải cứu thị trường bất động sản như thế nào?
Tuần này, xã hội thêm một lần nữa được nghe đề nghị giải cứu của giới kinh doanh bất động sản. Đề nghị ấy được hậu thuẫn của cả bộ chủ quản. Trước những kêu cứu ấy, dư luận có nhiều ý kiến khác nhau.
Có thể nói, chưa bao giờ thị trường bất động sản nước nhà lại rơi vào tình trạng trầm lắng kéo dài như hiện nay.
Trong buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng thông tin điện tử của Chính phủ mới đây, người đứng đầu ngành xây dựng cho biết, một trong những nguyên nhân của tình trạng đình trệ là do nguồn vốn tín dụng thiếu. Nếu nguồn vốn dồi dào, lãi suất thấp sẽ ảnh hưởng tốt đến thị trường.
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay, giải cứu ai và giải cứu như thế nào đang là chuyện phải cân đo đong đếm. Đành rằng thị trường bất động sản trì trệ đang kéo theo hàng loạt các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng đình đốn theo.
Nhưng giải cứu thị trường bất động sản lúc này phải dựa trên phân tích nguyên nhân cốt lõi; giải cứu phải là giải phẫu một thực thể ốm yếu, méo mó để nó lành bệnh và phát triển bền vững.
Gian lận thi cử tại Bắc Giang- phần nổi của tảng băng trôi?
- Gian lận thi THPT tại Bắc Giang: “Phải cải tiến việc thi cử”
- Gian lận trong phòng thi tại Bắc Giang: Nộp 492.000 đồng để “chép bài thoải mái”
Việc thí sinh quay clip gian lận trong thi cử ở Hội đồng coi thi trường THPT Dân lập Đồi Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đang được dư luận rất quan tâm. Đây không chỉ là vấn đề cụ thể xảy ra ở Bắc Giang, mà qua vụ việc này, cũng đặt ra cho những người làm công tác giáo dục nhiều suy nghĩ từ việc dạy và học hiện nay.
Trường THPT Dân lập Đồi Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang |
Dư luận đang đặt câu hỏi rằng, hiện tượng tiêu cực được phát giác này có phải chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi” về tiêu cực trong thi cử, trong dạy và học hay không? Và liệu còn bao nhiêu Hội đồng thi, trường thi, địa phương khác có gian lận thi cử như trên mà chưa được phát hiện, phanh phui?
Vụ tranh chấp 1.000 tỷ: rắc rối mới
Luật sư của “cô gái ngàn tỷ” cho biết vào tháng 6/2011, chị T.H.H.L. đã làm thủ tục khai nhận thừa kế đối với một số tài khoản tại các ngân hàng và một xe ô tô do người mẹ nuôi để lại. Sự việc trên khiến dư luận đặt một số dấu hỏi xung quanh vụ việc này.
Căn biệt thự cũ kỹ nơi bà P. sinh sống |
Như đã thông tin, tháng 3/2011, bà T.K.P.( 66 tuổi) đột ngột qua đời không để lại di chúc với khối tài sản khổng lồ bao gồm 100 cây vàng, 1 triệu USD, tiền mặt và hàng chục sổ tiết kiệm trong đó nhiều quyển có trị giá hàng chục tỷ đồng.
Do giữa các anh em của bà P. do ông T.V.P. đại diện và chị T.H.H.L. (con gái nuôi của bà P.) xảy ra tranh chấp, không thống nhất về việc xử lý với khối tài sản nên hai bên thỏa thuận cùng đứng ra ký hợp đồng thuê tủ sắt tại Sacombank với thời hạn một năm để cất giữ toàn bộ số tài sản chờ giải quyết.
Vụ việc trở nên rắc rối khi hết hạn hợp đồng giữa ông P. và chị L. không thống nhất được việc sẽ tiếp tục gia hạn hay thanh lý hợp đồng hoặc thiết lập một hợp đồng mới.
Sau thời gian hai bên không đạt được thỏa thuận, Sacombank gửi thông báo đến ông P. và chị L. thông báo về việc chấm dứt hợp đồng thuê các ngăn tủ sắt trên với lý do thời hạn thuê đã hết, ngân hàng không đồng ý tiếp tục cho thuê.
Ngày 31/5, ông P. nhận được thông báo của ngân hàng về việc chấm dứt và thanh lý hợp đồng thuê 3 ngăn tủ sắt từ ngày 30/5 do các bên có ý kiến khác nhau về việc gia hạn hợp đồng.
Trong thông báo này không thông báo tài sản trong két sắt ngân hàng đã hay sẽ giao cho bên nào, nhưng có nêu rằng “bà L. có trách nhiệm trao đổi việc xử lý tài sản được để trong ngăn tủ sắt sau khi thanh lý hợp đồng” với ông
Sau khi nhận thông báo trên, ông P. đã khiếu nại Sacombank vì cho rằng việc ngân hàng tự ý giao tài sản cho chị L. là xâm phạm đến quyền quản lý tài sản của ông.
Theo thông tin mới nhất, ông T.V.P. đã chính thức đệ đơn lên TAND quận 3 (TP.HCM) khởi kiện Sacombank liên quan đến vụ việc trên.
Như vậy, trong khi mối quan hệ tranh chấp tài sản giữa ông P. và chị L. chưa được giải quyết, vụ việc tiếp tục phát sinh tranh chấp giữa ông P. và phía ngân hàng xung quanh hợp đồng thuê ngăn tủ sắt để cất giữ khối tài sản trên.
Cấp thẻ hành nghề có quản được người mẫu bán dâm?
- Thư gửi “đại gia” mua dâm!
- Gặp hoa hậu "má mì" Mỹ Xuân trong trại tạm giam
- Xác định thêm 3 vụ môi giới mại dâm của hoa khôi, người mẫu
- Các hoa khôi, người mẫu bán dâm “ngàn đô” bị xử phạt
- Mỹ Xuân từng bán “thân” cách đây 4 năm
Hai đường dây mại dâm cao cấp bị bắt có liên quan tới hàng chục người mẫu. Dư luận nghề cho rằng, họ đang bị bôi nhọ bởi những kẻ chuộc lợi. Do đó, rất nhiều ý kiến đề xuất Cục NTBD phải cấp thẻ hành nghề người mẫu. Nhưng việc cấp thẻ hành nghề có phải là giải pháp dẹp yên nạn chân dài tham gia các đường dây gái gọi?
Mỹ Xuân bị bắt khi đang hành nghề mại dâm |
Khi hai đường dây mại dâm cao cấp của người mẫu Hồng Hà và hoa khôi, người mẫu Mỹ Xuân bị bắt. Người ta liệt kê ra hàng loạt những cái tên được gắn mắc người mẫu, diễn viên, ca sĩ đang trá hình làm nghề bán thân.
Theo Giám đốc chuyên môn của Elite, cựu siêu mẫu Thúy Hạnh: “Hiệp hội người mẫu phải có trách nhiệm quản lý với tất cả những người mẫu tự do, còn những người nào tự nhận là danh xưng người mẫu mà không được cấp chứng chỉ thì xã hội không công nhận là người mẫu. Và những người như vậy đừng có mang danh “người mẫu” ra để làm làm xấu những người mẫu chân chính”.
Thúy Hằng cũng mong muốn Bộ Văn hoá - Thể thao xem xét việc cấp chứng chỉ người mẫu trong thời điểm người mẫu tự do quá nhiều, không có sự kiểm soát. Ý kiến này đã được Thúy Hạnh mới đây nhấn mạnh lại.
Vậy thực chất, việc cấp thẻ hành nghề có phải là giải pháp cho những lùm xùm đang xảy ra ở nghề người mẫu không?
Bà Nguyễn Thúy Nga, Giám đốc Công ty người mẫu Elite Việt Nam cho rằng: “Cấp thẻ hành nghề là tốt, nhưng làm thế nào, quản lý ra làm sao, đưa ra quy chế để cấp thẻ và quản lý thế nào là một vấn đề quan trọng cần phải đưa ra thảo luận và xem xét kỹ mới có thể đạt được tiêu chí quản lý và phù hợp thực tế ở Việt Nam”.
Tuy nhiên bà Nga cũng cho rằng: việc phát thẻ hành nghề không thể dẹp tan được những scandal như vừa qua mà chỉ có thể phần nào dẹp bớt những sự việc này trong một thời gian nào đó. Sự phát triển internet như hiện nay việc PR hình ảnh của cá nhân, hay tổ chức nào đó để đạt đươc mục đích của mình khá dễ dàng./.