Việt Nam trong tuần: “Nóng” vấn đề Sông Tranh 2

(VOV) -Chủ trương của Chính phủ là đặt an toàn của đập lên hàng đầu, có thể không cho tích nước vĩnh viễn.

Ấm áp “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Nhân kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2012), ở nhiều khu dân cư trên khắp cả nước đã diễn ra “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Ngày hội Đại đoàn kết thực sự đi vào lòng dân

Ngày hội do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, được tổ chức hàng năm ở tất cả các khu dân cư trong cả nước; là dịp để bà con cùng nhau nhìn lại một năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, biểu dương các tập thể, gia đình và cá nhân là những tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cộng đồng dân cư đoàn kết, vững mạnh.

Dự Ngày hội tại xóm 4, xã Hải Bắc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”, “Thành công, thành công, đại thành công”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cần phải giữ gìn đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân và đoàn kết quốc tế. Điều này càng quan trọng khi tình hình trong nước và thế giới đang rất phức tạp, các thế lực đang tìm mọi cách để chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Quốc hội chất vấn, thảo luận Hiến pháp

>> Chất vấn Bộ trưởng Xây dựng về tồn kho bất động sản
>> Thống đốc trả lời chất vấn về thị trường vàng

Từ 12-14/11, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã lần lượt đăng đàn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng- trên cơ sở những ý kiến của thành viên Chính phủ, các ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội cũng đã giải trình làm rõ thêm. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã trình bày Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3.

Đại biểu Quốc hội chất vấn tại Hội trường

 

Nội dung các câu hỏi chất vấn tập trung vào những vấn đề như: Giải pháp tháo gỡ được hàng tồn kho, sản xuất kinh doanh trì trệ, tình hình doanh nghiệp giải thể nhiều; Chênh lệch giá vàng, liên thông thịt trường vàng; Giải quyết vấn đề nợ xấu, vấn đề đóng băng bất động sản, xử lý chất lượng các công trình như thủy điện Sông Tranh 2; Công tác khám chữa bệnh, quá tải bệnh viện, giá thuốc, chăm sóc trẻ em, an toàn thực phẩm…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Vấn đề được các đại biểu đặt ra không mới nhưng yêu cầu về cách giải quyết phải mới.

Nhìn chung, các thành viên Chính phủ đã trả lời thẳng thắn, rõ ràng và tập trung vào những vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, còn có những vấn đề chưa được làm sáng tỏ.

Cũng trong chương trình làm việc, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Thủ tướng tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 21

Ngày 17/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam rời Hà Nội, lên đường tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 và các Hội nghị Cấp cao liên quan được tổ chức tại Thủ đô Phnom Penh, Campuchia, theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Techo Hun Sen.

Trong thời gian ở Thủ đô Phnom Penh, Campuchia, từ ngày 17-20/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 và các Hội nghị Cấp cao liên quan là Cấp cao ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS) và các Cấp cao ASEAN+1 với các đối tác (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Hoa Kỳ). 

Với tinh thần “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị lần này nhằm tiếp tục phát huy các kết quả tích cực đạt được thời gian qua, cùng với các nước ASEAN đóng góp vào thành công của các Hội nghị cấp cao; củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, góp phần xây dựng một ASEAN đoàn kết và vững mạnh, đóng góp vào thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực; qua đó nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam và thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam với các đối tác.

Xảy ra động đất 4,7 độ richter ở khu vực Sông Tranh 2
>> Có thể không tích nước vĩnh viễn
>> Đặt lên bàn mọi tình huống

Chiều 15/11, một trận động đất xảy ra tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) với cường độ lên tới 4,7 độ richter và được xác định là mạnh nhất từ trước đến nay

Nhà cửa rung lắc mạnh, vật dụng chao đảo, hàng ngàn người dân trong khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 và các địa phương lân cận bỏ chạy ra khỏi nhà để phòng tránh tai nạn.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thị sát đập thủy điện Sông Tranh 2 (Ảnh:nguoilaodong)

 

Ngay trong ngày 16/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Viện Vật lý địa cầu cùng các Bộ, ngành liên quan đã đến khu vực thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, có thể không cho hồ thủy điện Sông Tranh 2 tích nước vĩnh viễn. Chủ trương của Chính phủ là phải đặt an toàn của đập lên hàng đầu.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, các chuyên gia về địa chất, công trình cho rằng đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn, chưa có biểu hiện khác thường.

Trên nghị trường, vấn đề an toàn thủy điện Sông Tranh 2 cũng được các đại biểu chất vấn trực tiếp thành viên Chính phủ cũng như phát biểu với báo giới bên lề Quốc hội.

Nghị định mới về phân quyền sở hữu doanh nghiệp nhà nước

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 99/2012/NĐ-CP về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

 

Theo đó, đối tượng áp dụng Nghị định này gồm: Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và người đại diện theo ủy quyền tại doanh nghiệp; người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn Nhà nước đầu tư vào: Doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ; các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Theo Nghị định, phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước do Chính phủ trực tiếp thực hiện, hoặc phân công cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; phân cấp cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; giao cho Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Người đại diện thực hiện các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước.

Nghị định 99/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 30/12/2012.

Người dân chưa mặn mà sang tên đổi chủ xe máy, ô tô
>> Yêu cầu xe chính chủ là không khả thi

Ngày 14/11, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt – Công an thành phố Hà Nội cho biết, qua 3 ngày thực hiện Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 34/2010/NĐ-CP qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (có hiệu lực từ 10/11), mới chỉ tiếp nhận 38 trường hợp tới làm thủ tục sang tên đổi chủ đối với mô tô, xe máy và 183 trường hợp tương tự liên quan tới ô tô. Cũng trong thời gian này, Cảnh sát giao thông Hà Nội đã phạt 15 trường hợp vi phạm do không sang tên đổi chủ phương tiện theo qui định.

Đi xe không chính chủ sẽ bị phạt nặng

Nghị định đã có hiệu lực và để đảm bảo tính khả thi, tới đây Bộ Công an sẽ có thông tư hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này, trong đó đề nghị cần chỉnh sửa để tăng tính khả thi và hợp với tâm tư nguyện vọng của nhân dân.

Báo cáo kết quả nghiên cứu xác định nguyên nhân cháy nổ xe
>> Thủ tướng yêu cầu làm rõ nguyên nhân cháy xe

Bộ Khoa học và Công nghệ vừa tổ chức hội thảo khoa học báo cáo một số kết quả nghiên cứu xác định nguyên nhân và giải pháp phòng chống cháy, nổ ô tô, xe máy.

Đây là đề tài khoa học và công nghệ độc lập cấp Nhà nước do Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ trì phối hợp với Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc, hóa dầu, Bộ Công thương, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện từ tháng 6/2012 đến tháng 11/2013.

Bước đầu xác định có 2 nhóm nguyên nhân gây ra cháy nổ xe máy

Kết quả nghiên cứu bước đầu xác định có 2 nhóm nguyên nhân gây ra cháy nổ xe máy. Đó là nguyên nhân gây cháy từ sự hư hỏng trong kết cấu của hệ thống kỹ thuật trong xe như vấn đề chập điện do dây dẫn bị hở, rò rỉ hệ thống nhiên liệu hay hệ thống tản nhiệt, làm mát và hệ thống xả khí của động cơ bị hư hỏng. Nguyên nhân thứ 2 liên quan đến nguyên liệu và phụ gia không đúng tiêu chuẩn chất lượng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên