Việt Nam trong tuần: Quốc hội bàn nhiều vấn đề quan trọng

Khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII; triển khai gói giải pháp 29.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp, cô bé “gây cháy” gây nhiều tranh cãi….là những vấn đề nổi bật tuần qua

Khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII

Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIII chính thức được khai mạc trong tuần qua tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội trước giờ khai mạc kỳ họp thứ ba. (Ảnh: TPO)
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng, trong đó có việc xem xét báo cáo bổ sung về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012 và Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế…

Quốc hội cũng xem xét, thông qua 13 dự án luật và 02 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác.

Trong tuần qua, Quốc hội đã bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến.

Việt Nam dự các Hội nghị Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN

Từ ngày 24-26/5, tại Phnom Penh, Campuchia đã diễn ra các Hội nghị Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác trong khuôn khổ ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).

Các Hội nghị đã kiểm điểm tình hình hợp tác ASEAN, giữa ASEAN với đối tác thời gian qua và thảo luận những vấn đề cùng quan tâm của khu vực.

Toàn cảnh hội nghị
Các nước đều nhấn mạnh vai trò của ARF là diễn đàn quan trọng để đối thoại, hợp tác về chính trị, an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương; nhất trí cần đẩy mạnh triển khai các chương trình, kế hoạch công tác đã thỏa thuận và tăng cường phối hợp giữa ARF và các cơ chế, khuôn khổ khác trong khu vực.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang dẫn đầu đoàn Việt Nam đã đánh giá cao nỗ lực của ASEAN về xây dựng Cộng đồng, mở rộng hợp tác với các đối tác, cũng như phát huy vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực và tăng cường hợp tác ứng phó hiệu quả với các thách thức đang đặt ra.

Đoàn Việt Nam cũng nêu quan điểm về giải quyết tình hình Biển Đông trên cơ sở hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải là lợi ích và quan tâm chung của tất cả các nước; khu vực và các nước cần tiếp tục nỗ lực vì các mục tiêu chung này; cần phải giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982; bảo đảm thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử COC.

Chính thức triển khai gói giải pháp 29.000 tỷ  đồng hỗ trợ doanh nghiệp

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 83/2012/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.

Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động… sẽ thuộc diện được ưu đãi thuế
Theo đó, các DN nhỏ và vừa, hợp tác xã (không bao gồm DN nhỏ và vừa kinh doanh trong các lĩnh vực: xổ số, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm); DN sử dụng nhiều lao động… sẽ thuộc diện được ưu đãi thuế.

Thông tư cũng quy định cụ thể về thời hạn nộp thuế của các doanh nghiệp thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế GTGT.

Đối với tiền thuê đất, sẽ giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của năm 2012 đối với các tổ chức kinh tế, DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ đang được Nhà nước cho thuê đất, trả tiền thuê đất hằng năm theo quy định của Chính phủ…

Phá đường dây người mẫu, diễn viên bán dâm nghìn đô

Chỉ trong hơn 1 tuần, cơ quan công an đã triệt phá 2 đường dây bán dâm mà người bán dâm là những sinh viên, diễn viên, người mẫu. Khi cơ quan công an công khai vụ án, ngay lập tức, các cô này bị dư luận chỉ trích, lên án…

Không phải đến bây giờ, chuyện bán dâm trong giới người mẫu mới xảy ra, mà cách đây vài năm, đã có hàng loạt người mẫu bị bắt trong đường dây mại dâm của “má mì” Trần Thị Phố, đặc biệt là sự góp mặt của 2 diễn viên, người mẫu đang khá nổi lúc bấy giờ là Yến Vy và Kim Tính.

Tú ông Đỗ Trung Kiên (ảnh: Khám phá)
Nhưng các cô người mẫu như vậy đáng trách một thì những vị “đại gia” đã dùng các cô như một món hàng còn đáng trách gấp nhiều lần. Khi sự việc bại lộ, mặc dù các chân dài cùng “đại gia” đều bị bắt quả tang, nhưng hầu như người “giơ đầu chịu báng” ra dư luận lại là các cô gái bán dâm. Tên tuổi, hình ảnh của các cô này được đăng tải trên các phương tiện thông tin, còn các “đại gia” thì chưa bao giờ thấy “lộ mặt”.

Một khi hành tung của các “đại gia” vẫn được giấu kín, thì chắc chắn họ vẫn thường xuyên làm cái việc "mua bán" mà bấy lâu nay họ vẫn làm. Và chuyện phòng, chống mại dâm vẫn nằm trong vòng luẩn quẩn.

Cô bé “”gây cháy” gây nhiều tranh cãi

Trong thời gian vừa qua, việc bé T 11 tuổi ở TP HCM được gia đình cho là có khả năng gây cháy đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm và có nhiều thông tin trái chiều về sự việc này.

Gia đình bé T và một số nhà nghiên cứu thì bước đầu cho rằng, trong cơ thể bé T có một năng lượng đặc biệt có khả năng gây cháy. Tuy nhiên, nhiều người lại hoài nghi về khả năng này. Trên các phương tiện thông tin xuất hiện nhiều bài viết đa chiều về khả năng này của bé T, cũng như tranh luận về việc bé T thực sự có khả năng gây cháy hay không.

Những vật dụng trong gia đình bị cháy, nguyên nhân nghi ngờ xuất phát từ khả năng kỳ lạ của cô bé 11 tuổi (Ảnh SGTT)
Đặc biệt, sự rút lui của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Cảm xạ địa sinh học - Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TP HCM), khiến dư luận càng nghi ngờ việc bé T không thể tự làm mọi vật bốc cháy.

Trước sự tranh luận chưa có hồi kết này, Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng – UIA và Viện Hình sự đã chính thức vào cuộc làm rõ hiện tượng “phát cháy” của cháu T.

Như vậy, với sự vào cuộc này thì đây là 2 cơ quan khoa học chính thống mang tầm quốc gia đầu tiên vào cuộc nghiên cứu về cô bé "gây cháy". Hy vọng, việc bé T có khả năng gây cháy hay không, sẽ sớm có câu trả lời để làm rõ hiện tượng này, đồng thời tránh có những thông tin gây ảnh hưởng đến gia đình và giúp bé T có thể trở lại cuộc sống bình thường.

Truy nã đặc biệt Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam

Bộ Công an đã ra lệnh truy nã đặc biệt trên toàn quốc để truy bắt ông Dương Chí Dũng - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

Ông Dương Chí Dũng bị bắt để phục vụ điều tra về những vấn đề liên quan đến các sai phạm trong thời gian ông điều hành Tổng công ty này.

Ông Dương Chí Dũng
Cơ quan điều tra đã thông báo kết quả điều tra ban đầu, cụ thể, trong việc mua ụ nổi 83M và phê duyệt dự án nhà máy sửa chữa tầu biển, Lãnh đạo Vinalines có các sai phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Ông Dương Chí Dũng được bổ nhiệm chức Tổng giám đốc Vinalines từ tháng 8/2005. Đến tháng 7/2011, ông Dũng được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị tổng công ty này. Đầu tháng 2/2012, sau khi thôi giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines, ông Dũng được điều động sang giữ chức vụ Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

Qua vụ việc ở Vinalines, dư luận không khỏi đặt ra câu hỏi về cách sử dụng vốn và tài sản Nhà nước cũng như việc giám sát các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã thực sự hiệu quả hay chưa?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên