VN trong tuần: Phát triển quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

VOV.VN - Sự kiện chính trị quan trọng nhất trong tuần là chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
 

Chủ tịch nước thăm chính thức Hoa Kỳ

Từ ngày 24-26/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước đã hội đàm với Tổng thống Obama, gặp gỡ, trao đổi với nhiều nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Tổng thư ký Liên hợp quốc, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cựu chiến binh, cũng như kiều bào ta ở Mỹ.

Tại cuộc hội đàm vào ngày 25/7 với Tổng thống Obama, hai nhà Lãnh đạo khẳng định cam kết mở ra một giai đoạn mới cho quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và những lợi ích chung.

Ảnh: Hoàng Dũng

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama quyết định xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ nhằm xây dựng một khuôn khổ tổng thể để thúc đẩy quan hệ. Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh các nguyên tắc trong quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, trong đó có tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Hai nhà Lãnh đạo tuyên bố quan hệ Đối tác toàn diện nhằm góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng của mỗi nước, trong khu vực và trên toàn thế giới.

Bế giảng lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp

Sáng ngày 26/7, tại Hà Nội, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Lễ bế giảng Lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp khóa 1. Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: bước vào thời kỳ phát triển mới đầy cơ hội và thách thức đan xen, Việt Nam có trụ vững và đi lên được hay không phụ thuộc rất lớn vào quy mô và chất lượng nguồn nhân lực, trong đó trước hết phải kể đến đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các ngành, các cấp, các đoàn thể chính trị xã hội.

Ảnh: Vũ Duy

Đội ngũ này phải được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện thường xuyên để trở thành những người “hiền tài” của đất nước, vừa có “tâm” vừa có “tài”, có nhân cách và phong cách cán bộ cách mạng; hội tụ cả năng lực tư duy và năng lực hoạt động thực tiễn, đủ sức gánh vác những nhiệm  vụ to lớn, phức tạp trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và trong kỷ nguyên cách mạng khoa học – công nghệ, kinh tế tri thức và toàn cầu hóa.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam

Chiều ngày 23/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam về công tác của hội cũng như giải quyết một số kiến nghị, đề xuất nhằm tạo thuận lợi để Hội nhà báo Việt Nam phát huy hơn nữa vai trò, vị thế của mình, tiếp tục đóng góp thiết thực vào tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Trước hết tiếp tục làm tốt công tác phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông để quản lý, chỉ đạo các loại hình báo chí để báo chí thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, nâng cao chất lượng hoạt động, tạo sự đồng thuận trong xã hội...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cấp hội, nhất là tạo sự gắn kết giữa các cấp hội, thực hiện tốt 9 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và nâng cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Quốc hội thăm chính thức Myanmar

Từ ngày 24-26/7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đã thăm chính thức nước Cộng hòa liên bang Myanmar.

Ngày 25/7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể của Quốc hội Liên bang Myanmar ở thủ đô Nay Pyi Taw. Đây là lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát triểu trước Quốc hội Myanmar và khẳng định chính sách đối ngoại của Việt Nam là ưu tiên phát triển và làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Myanmar, vì sự phát triển của mỗi nước cũng như vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và trên thế giới.

CTQH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu trước Quốc hội Myanmar (ảnh: Ngọc Thạch)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Việc tiếp tục tăng cường, phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước Việt Nam- Myanmar không chỉ là yêu cầu phát triển khách quan mà còn là nguyện vọng của nhân dân, là trách nhiệm của lãnh đạo hai nước, là yếu tố đảm bảo thực hiện thành công công cuộc đổi mới và phát triển của mỗi nước; đồng thời góp phần gìn giữ, củng cố hòa bình, ổn định,  hợp tác và thịnh vượng của khu vực và thế giới”.

Kỷ niệm 66 năm ngày Thương binh, Liệt sỹ

Trong tuần, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động tưởng niệm, cầu siêu, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ, thăm hỏi, tặng quà các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng.

Sáng ngày 27/7, đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước đã tới đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ảnh: Nhật Bắc/Chinhphu.vn

Đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các Bộ, ngành đã đến đặt vòng hoa và dâng hương tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, tưởng nhớ những người con ưu tú của dân tộc đã không tiếc máu xương, dũng cảm chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Khai trương Công ty mua bán nợ quốc gia

Ngày 26/7, Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã chính thức khai trương tại Hà Nội. Phát biểu tại lễ khai trương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng: VAMC không phải là chiếc đũa thần, sẽ giải quyết hết được ngay nợ xấu. Công ty là một công cụ góp phần làm lành mạnh hóa tài chính của các ngân hàng thương mại. Giai đoạn đầu, công ty sẽ tập trung xử lý những gì cấp thiết nhất, trên cơ sở đó sẽ tiến dần sang các nội dung khác.

Ảnh: Vũ Hạnh

Thống đốc bày tỏ tin tưởng, với sự lựa chọn nhân sự kỹ lưỡng, VAMC ra đời sẽ phát huy vai trò tích cực, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu đến 2015 đưa nợ xấu ở mức kiểm soát được theo đúng qui định của pháp luật. 

VAMC được thành lập theo Quyết định số 1459/QĐ-NHNN ngày 27/6/2013 của Thống đốc NHNN Việt Nam, là công cụ đặc biệt của Nhà nước nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp ly cho nền kinh tế.

Công ty Quản lý tài sản là doanh nghiệp đặc thù do Nhà nước sở hữu 100% vốn, chịu sự quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Kết quả kiểm toán: Doanh nghiệp lỗ nặng, lãnh đạo lương vẫn cao

Tại buổi họp báo công bố báo cáo kiểm toán năm 2012 về niên độ ngân sách 2011 diễn ra sáng ngày 25/7, ông Lê Minh Khái - Phó Tổng kiểm toán Nhà nước cho biết, chỉ tính riêng trong năm 2012, qua công tác kiểm tra, kiểm toán nhà nước (KTNN) đã phát hiện 5 đơn vị có dấu hiệu bất thường liên quan đến việc sử dụng nguồn vốn và tham nhũng, kịp thời chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra làm rõ và xử lý theo pháp luật.

Cũng tại cuộc họp này, theo đại diện KTNN, việc phân phối quỹ tiền lương giữa các đơn vị trong các Tập đoàn, Tổng công ty và giữa các đơn vị, các bộ phận còn chưa hợp lý, chưa tương xứng với hiệu quả sản xuất kinh doanh.

KTNN đơn cử như tại Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), mặc dù Tập đoàn này báo cáo kinh doanh thua lỗ 1.671 tỉ đồng, nhưng Ban Lãnh đạo, Chủ tịch Tập đoàn cũng như hội đồng thành viên vẫn có mức lương từ 40 – 58 triệu đồng/người/tháng. Trong khi mức lương bình quân của cán bộ, nhân viên tại tập đoàn này đều ở mức trên 6 triệu đồng/người/tháng.

Tại một số đơn vị khác như SaigonPetro, Cienco 4, Vinafood 1, Vinafood 2,…lương của lãnh đạo quản lý khối văn phòng có khi lên tới 56,5 triệu đồng/người/tháng, cao hơn nhiều so với thu nhập bình quân của các đơn vị thành viên.

Tiêm vaccine: Chuyên gia bảo “dừng”, nhà quản lý “cứ tiêm”

Trong tuần, vụ việc 3 trẻ em ở Quảng Trị tử vong do tiêm vaccine tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận. Bộ Y tế đã có công văn chỉ đạo Viện Kiểm định Quốc gia Vaccine, sinh phẩm y tế và phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra thực hiện các xét nghiệm để sớm đưa ra kết luận về nguyên nhân các trường hợp này.

Đồng thời, Bộ có công văn gửi cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an phối hợp chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan để sớm tìm ra căn nguyên.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ: “Tiếp tục đưa con em mình đi tiêm chủng các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng vì đây là giải pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ trẻ chủ động phòng các bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng bằng vaccine”.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV, Giáo sư Nguyễn Đình Bảng, nguyên Viện trưởng Viện quốc gia kiểm định vaccine và sinh phẩm y tế cho rằng, tiêm vaccine, chỉ xảy ra các phản ứng nhẹ như đau đầu, nổi mẩn da, sốt nhẹ… Còn tử vong vì những lý do khác thì nguyên nhân gây tử vong có liên quan nhiều tới việc khám sàng lọc chưa được kỹ càng. Việc khám bệnh sàng lọc cho trẻ em trước khi tiêm cần phải thận trọng, kỹ càng. Cần giám sát người mẹ và chỉ nên tiêm sớm cho các cháu có mẹ bị nhiễm viêm gan B, thay vì tiêm vaccine viêm gan B đại trà cho các cháu ngay sau khi sinh như hiện nay.

Các trường ĐH công bố điểm thi, xuất hiện thủ khoa 30 điểm

Đến ngày 27/7, đã có 132 trường ĐH trong cả nước công bố điểm thi. Một số trường cũng đã dự tính đưa ra điểm chuẩn. Ví dụ: ĐH Xây dựng Hà Nội năm nay tuyển 2.800 thí sinh, với hơn 5.500 thí sinh dự thi. Mặc dù tỷ lệ “chọi” vào trường thấp hơn mọi năm nhưng điểm thi lại cao hơn năm trước nên dự kiến nhiều ngành vẫn tăng. Theo đó, ở khối A, một số ngành truyền thống “hút” thí sinh, điểm chuẩn sẽ tăng; còn một số ngành khác, điểm chuẩn có thể tương đương hoặc giảm so với năm ngoái.

Còn ĐH Bách khoa Hà Nội, ông Hoàng Minh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết: Kết quả thi cho thấy mặt bằng điểm thi tăng khá so với năm 2012 nên dự kiến điểm chuẩn vào trường năm nay có thể sẽ tăng trung bình từ 2 - 3 điểm so với năm 2012. Thủ khoa 30 điểm của ĐH Bách khoa cũng đã “lộ diện”, đó là thí sinh Nguyễn Thành Trung đến từ trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An. Trung đã đạt xuất sắc tổng số điểm thi là 29,75 (khối A) được làm tròn thành 30 điểm. Nếu tính cả điểm ưu tiên của khu vực số điểm này sẽ hơn con số 30.

Cháy tiệm vàng ở Quảng Ninh, 5 người tử vong

Rạng sáng ngày 26/7, tại tiệm vàng Đức Anh, số 49, đường 25/4, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra vụ hỏa hoạn nghiêm trọng khiến 5 người chết, gồm 3 con trai của vợ chồng chủ nhà – anh Nguyễn Tiến Đức và chị Mai Thị Anh - cùng một người cháu và mẹ chị Anh.

Chiều 26/7, trao đổi với báo chí, đại tá Lê Duy Tấn, Trưởng Công an TP Hạ Long, Quảng Ninh cho biết, nguyên nhân vụ cháy rất có thể là do chập điện từ biển hiệu quảng cáo treo trước mặt tiền.

Chị Mai Thị Anh trên giường bệnh (ảnh: Người lao động)

Cũng theo đại tá Tấn, do vụ cháy lớn, nhiều người thiệt mạng (4 trẻ nhỏ và 1 người lớn) nên Công an tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo nhanh vụ việc với Bộ Công an và đề nghị Viện Khoa học hình sự Bộ Công an phối hợp cùng khám nghiệm hiện trường.

Hiện, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an vẫn chưa có kết luận về nguyên nhân gây ra vụ hỏa hoạn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên