Vỡ nợ và lòng tham
Hậu quả của lòng tham và sự vỡ nợ của các chủ nợ là nhiều gia đình tan nát, sống dở chết dở, thậm chí quẫn trí quyên sinh…
Chỉ trong thời gian ngắn gần đây, trên địa bàn Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh khác liên tiếp xảy ra nhiều vụ “vỡ nợ” với giá trị tài sản lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Thậm chí đối tượng Huỳnh Thị Huyền Như - thành viên Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán Phương Đông đã lừa đảo nhiều người góp vốn để đầu tư, trong đó có chứng khoán được xác định có thể lên tới 4.000- 6.000 nghìn tỷ đồng. Sự vỡ lở của hàng loạt những vụ như thế mà thực chất đó là “tín dụng đen” hoặc “lừa đảo”đang cảnh báo những nỗi lo về: mức độ nguy hiểm, qui mô và hình thức tinh vi cần phải có sự vào cuộc của cơ quan chức năng.
Song xét ở nhiều khía cạnh, vỡ nợ chính là hệ quả của lòng tham của cả người cho vay và đi vay.
Hình ảnh hàng mấy chục người “thức trắng” đêm để canh chủ nợ ở Hà Đông, rồi hàng trăm người vây kín trước cửa tiệm vàng Quang Quyên (ở thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Nội) để đòi tiền… Vợ chồng của một doanh nhân ở Quảng Trị bỏ trốn, để lại các khoản nợ tại nhiều địa phương khoảng 350 tỷ đồng…. chỉ là bề nổi tảng băng trôi của tình trạng “tín dụng” đen đã tồn tại từ khá lâu.
Có lẽ rất nhiều người đã quen với câu chuyện chơi hụi cách đây vài năm, rồi câu chuyện cho vay lấy lãi mà thực chất là tín dụng đen không chỉ ở thành phố mà còn tràn về nông thôn, tràn cả vào giảng đường đại học….
Do thủ tục vay vốn ở các ngân hàng thường rườm rà, mất công nên rất nhiều người dân, sinh viên, thậm chí cả tiểu thương, doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tìm đến những người cho vay nặng lãi gọi nôm na là tín dụng đen.
Ở nông thôn, vì là làng xóm láng giềng, dễ tin tưởng, nên người ta có thể vay kiểu gì cũng được, bao nhiêu cũng được. Thông thường mỗi khi có công to việc lớn, do ngại tiếp tục với ngân hàng, thủ tục rườm rà, nên rất nhiều người chọn cách vay nóng, rồi tìm cách hoàn trả nhanh. Nhưng các chủ nợ khéo léo sẽ viết giấy nợ quá lên theo số lãi để tránh những rắc rối với pháp luật nếu xảy ra tranh chấp.
Tín dụng đen còn chui cả vào giảng đường để tiếp cận với những sinh viên, học sinh có máu cờ bạc, cá độ bóng đá, ham chơi, thích tiêu xài… Lãi suất được chủ nợ tính theo ngày, thường là từ 3.000 đồng/ngày cho 1 triệu đồng vay. Nếu vay theo tháng lãi suất sẽ là 2,5-3%/ tháng. Nếu so với mức lãi suất vay 17-18% năm của các ngân hàng thì quả là mức lãi suất cắt cổ.
Báo chí đã từng phản ánh hiện trạng, người dân, thậm chí các cơ sở buôn bán nhỏ đến doanh nghiệp thì muốn vay bao nhiêu cũng có và ngược lại các chủ nợ muốn huy động một số tiền lớn cũng dễ dàng đến bất ngờ. Trong khi đó, cơ chế giám sát, quản lý và thiết chặt việc cho vay theo hình thức “tín dụng đen” dường như bị buông lỏng và bỏ ngỏ.
Quan sát diễn biến của các vụ nỡ nợ lớn liên tục gần đây cho thấy, đa phần các chủ nợ khá dễ dàng trong một thời gian ngắn đã có trong tay hàng trăm tỷ đồng. Để thực hiện được điều đó, các đối tượng huy động tiền đánh trúng tâm lý của những người có tiền đó là ham lợi, kiếm tiền nhanh để dụ ngon dụ ngọt họ. Trả lãi cao chót vót, từ 2-2,5%/ ngày hay 40-50%/năm.
Nhiều người ham lợi nhắm mắt cho vay, thậm chí vay mượn của những người khác để cho vay lại kiếm lời. Đổi lại là những khoản lãi như cam kết được vài tháng và tờ giấy nợ viết tay đơn giản. Đây cũng chính là sơ hở mấu chốt để lý giải tạo sao các chủ nợ có thể huy động được hàng trăm tỷ đồng một cách dễ dàng. Nếu tỉnh táo có thể nhận ra theo đúng quy luật kinh tế thông thường, không ai có thể kinh doanh gì để có lãi cao đến "khủng khiếp" như vậy.
Sóng ngầm tín dụng đen mà đỉnh điểm là những vụ vỡ nợ lớn đang cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để triệt phá những đối tượng có hành vi gian dối trong làm ăn, buôn bán. Đã đến lúc người dân cần tỉnh táo, cảnh giác với thủ đoạn cho vay hoặc trả lãi vay cao của các chủ nợ và sự nguy hiểm của hình thức tín dụng đen như chúng tôi vừa phân tích.
Sống trên đời, luôn nhớ một câu của các cụ để lại: "Cái gì cũng có giá của nó” và cái giá phải trả, hay dở, được mất đều do hành vi do chính mình gây nên! Chính vì thế mỗi người cần phải tỉnh táo đối với đồng tiền do mồ hôi nước mắt làm nên. Hậu quả của lòng tham và sự vỡ nợ của các chủ nợ là nhiều gia đình tan nát, sống dở chết dở, thậm chí quẫn trí quyên sinh một cách đau xót là bài học cảnh tỉnh cho mỗi người trước ma lực của tín dụng đen./.
Điều 163 Bộ luật Hình sự quy định, "hành vi cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định (vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định) từ mười lần trở lên và có tính chất chuyên bóc lột" có thể phải chịu hai khung hình phạt: - Khung cơ bản có mức hình phạt tiền bằng từ 1 lần đến 10 lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm. - Khung tăng nặng có mức hình phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm được áp dụng cho các trường hợp thu lợi bất chính lớn. |