Vụ chôn thuốc trừ sâu: Có sự bao che, làm ngơ?
VOV.VN -Vì sao người dân không tin vào các cơ quan chức năng mà phải đích thân “canh giữ” để công ty khỏi phi tang?
Cái tên Công ty Nicotex Thanh Thái cùng những bức xúc của người dân 2 huyện Cẩm Thủy và Yên Định, tỉnh Thanh Hóa trước vụ việc Công ty chôn hàng tấn thuốc trừ sâu vào trong lòng đất đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận suốt 2 tuần qua.
Các cơ quan chức năng đã dần dần vào cuộc. Nhưng vì sao nỗi bức xúc của người dân kéo dài nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết? Cùng với căn bệnh ung thư quái ác hành hạ thì niềm tin của người dân cũng bắt đầu bị “nhiễm ung thư” làm sao chữa lành?
Thật đau lòng khi suốt 2 tuần qua, hàng trăm người dân 2 huyện Cẩm Thủy và Yên Định tỉnh Thanh Hóa, phải tập trung quanh khu vực Công ty Nicotex Thanh Thái để "ăn ngủ cùng kho thuốc trừ sâu" để "canh giữ" hiện trường, bởi họ phát hiện ra một việc tày trời của công ty này. Đó là có tới hàng chục điểm chôn lấp thuốc trừ sâu dưới lòng đất trong khuôn viên công ty. Số lượng thuốc bị chôn xuống đất lên tới hàng chục tấn. Các cơ quan chức năng ở đâu? Vì sao người dân không tin vào các cơ quan này mà phải đích thân “canh giữ”?
Chiếc xe chở hàng trong đó có nhiều thùng nghi là chất thải đang được vận chuyển ra khỏi Công ty bị người dân chặn lại |
Làm sao mà tin cho được, bởi trong khi hàng trăm người dân phải “màn trời chiếu đất” như vậy để canh giữ hiện trường, thì Công an huyện Cẩm Thủy đã cố tình làm ngơ để Công ty Nicotex đưa máy móc vào hoạt động trong khuôn viên Công ty nhằm đảo lộn hiện trường. Lực lượng này cũng “vờ như không thấy” khi để cho một số đối tượng lén lút đưa các thùng chứa thuốc sâu ra ngoài. Thật trớ trêu là lực lượng này đang làm cái nhiệm vụ vô cùng quan trọng là “giữ niêm phong hiện trường”.
Người dân cũng khó mà tin cho được bởi đã 15 năm nay, người dân 2 huyện Cẩm Thủy và Yên Định- Thanh Hóa đã nhiều lần đề xuất ý kiến, kiến nghị tại các hội nghị tiếp xúc cử tri đến các đại biểu HĐND và đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, yêu cầu di dời Công ty Nicotex đi nơi khác, nhưng vụ việc chỉ rơi vào im lặng.
Dư luận đặt câu hỏi là phải chăng có sự cố tình làm ngơ, có sự bao che của các cơ quan chức năng trong vụ việc này? Bởi nếu tìm hiểu kỹ vụ việc, ai cũng thấy, rõ ràng, lãnh đạo của Nicotex Thanh Thái biết rất rõ độc tính của thuốc trừ sâu và phải đem đi tiêu hủy. Chính ông cựu giám đốc Công ty cũng thừa nhận có việc trôn thuốc trừ sâu vào lòng đất và cảnh báo: "Đây là loại hóa chất cực độc nên không được đào lên, vì sẽ đặc biệt nguy hại đến sức khỏe, thậm chí dẫn tới chết người".
Điều này có nghĩa là lãnh đạo Công ty đã phớt lờ mọi quy định về bảo vệ môi trường. Công ty này cũng vi phạm nghiêm trọng cả quy định quản lý thuốc bảo vệ thực vật và các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Câu hỏi đặt ra là tại sao những vi phạm nghiêm trọng như vậy lại không bị các cơ quan quản lý môi trường phát hiện và xử lý?
Thực ra, không phải đến bây giờ vụ việc mới bị phát hiện. Năm 2009, Công ty này đã bị phạt hành chính gần 22 triệu đồng.Tháng 5 vừa qua, Công ty lại tiếp tục bị phạt 12,5 triệu đồng vì những hành vi làm ảnh hưởng đến môi trường. Năm nào Sở Tài Nguyên và Môi trường Thanh Hóa cũng thành lập các đoàn kiểm tra. Nhưng không hiểu vì sao điều mà người dân phát hiện ra thì Sở Tài nguyên Môi trường và các cơ quan chức năng lại không phát hiện được? Nếu các hóa chất chôn trong lòng đất rò rỉ ra mạch nước ngầm hoặc ra không khí thì chắc chắn sẽ gây ra các bệnh về nội tạng và ung thư cho người dân quanh khu vực.
Các kết quả thống kê cho thấy, riêng tại xã Yên Lâm, huyện Yên Định - địa phương nằm ngay phía dưới Công ty Nicotex, có tới gần 1.000 người mắc các bệnh ung thư, mất khả năng sinh con, trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh. Riêng tại thôn Thắng Long- xã Yên Lâm huyện Yên Định, chỉ trong 10 năm trở lại đây đã có tới 30 người tử vong vì ung thư. Liệu có mối liên quan giữa việc chôn hóa chất và căn bệnh ung thư không thì tới đây, các cơ quan chức năng sẽ làm rõ.
Nhưng rõ ràng, việc Công ty Nicotex Thanh Thái tự chôn chất thải độc hại chưa qua xử lý là hành vi bất hợp pháp, vi phạm pháp luật về môi trường không thể chối cãi. Vậy mà 15 năm nay, người dân sống quanh Công ty lại quá cô đơn khi đi kêu cứu các nơi mà vẫn hoàn toàn vô vọng. Chỉ đến khi vụ việc vỡ lở mới thấy các cơ quan chức năng vào cuộc.
Có người đã ví von một cách rất cay đắng rằng, chiến tranh đã đi qua rất lâu, nhưng hậu quả của chất độc da cam do quân đội Mỹ rải xuống nước ta còn để lại những hậu quả nặng nề. Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã phải xúc tiến kiện các công ty hóa chất của Mỹ bồi thường cho những nạn nhân bị di chứng của loại chất độc này. Vậy mà, những doanh nghiệp người Việt, mặc dù nhận thức rõ tác hại nghiêm trọng của các loại thuốc bảo vệ thực vật, lại sẵn sàng thải các chất độc ra môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của chính đồng bào mình.
Thời gian tới, sự việc này sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ, những kẻ vi phạm sẽ bị xử lý. Thậm chí những người dân bị ảnh hưởng có thể kiện công ty này bồi thường vật chất về những thiệt hại mà họ đã và đang gánh chịu. Thế nhưng, những thiệt hại về tinh thần, những di chứng do chất độc đối với con người hiện tại và các thế hệ tương lai sẽ được bù đắp như thế nào? Dư luận đang chờ đợi một cuộc điều tra nghiêm túc của các cơ quan chức năng./.