Vụ resort không phép: Luật pháp không có chỗ cho sự “nể nang”
VOV.VN - Lời giải thích cho thấy kỷ luật công vụ đã bị lạm dụng để biện minh cho thái độ vô trách nhiệm, thậm chí là tiêu cực của một bộ phận cán bộ công chức
Một câu chuyện được dư luận quan tâm mấy ngày qua là Khu nghỉ dưỡng Le Mont Bavi Resort & Spa gồm hàng chục biệt thự và bể bơi, tọa lạc ở độ cao 600 m giữa Vườn Quốc gia Ba Vì, Hà Nội.
Lý giải cho sự tồn tại của công trình không phép này, ông Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì cho rằng do “quá nể nang nhà đầu tư”! Lời giải thích cho thấy kỷ luật công vụ đã bị lạm dụng để biện minh cho thái độ vô trách nhiệm, thậm chí là tiêu cực của một bộ phận cán bộ công chức. Bởi pháp luật không có điều nào dành cho sự “ nể nang”.
Sai phạm xây dựng ở Khu nghỉ dưỡng Le Mont Bavi Resort & Spa.
Chuyện chủ đầu tư cố ý xây dựng công trình khi chưa được cấp phép, hoặc cố tình xây dựng sai phép lâu nay vẫn thường xảy ra. Khi thì những căn nhà trên đất nông nghiệp, khi thì những công trình dự án vui chơi giải trí, nhà chung cư, trung tâm thương mại….như mới đây là việc xây biệt phủ trong rừng đặc dụng Hải Vân – Đà Nẵng, Nhà 8B Lê Trực Hà Nội, Chung cư Yên Hòa- Thăng Long… Lợi dụng kẽ hở pháp luật để làm liều, rồi tìm cách chạy chọt, hợp thức hóa cho công trình tồn tại là thủ thuật được các nhà đầu tư thường dùng lâu nay.
Biệt phủ ở rừng đặc dụng Hải Vân đã được tháo dỡ sau nhiều lần trì hoãn, cho thấy chính quyền thành phố Đà Nẵng rất cương quyết trong việc lập lại trật tự xây dựng. Bộ Xây dựng và Công an Hà Nội cũng đang vào cuộc vụ xây dựng trái phép 10 tầng ở chung cư Yên Hòa – Thăng Long; Tòa cao ốc 8B Lê Trực cũng được Chính phủ chỉ đạo đình chỉ, chính quyền thành phố Hà Nội ra lệnh tháo dỡ phần sai phạm. Dẫu chưa có kết quả cuối cùng nhưng động thái ấy cho thấy những gì là kỷ cương phép nước thì phải được tôn trọng. Người sai phạm, dù là ai, cũng phải bị xử lý nghiêm minh, công bằng.
Do “ nể nang” mà ông Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì đã nhắm mắt làm ngơ cho chủ đầu tư xây dựng Khu nghỉ dưỡng 4 sao, mặc dù biết rõ là dự án chưa được Bộ NN-PTNT phê duyệt, cấp phép. Tuy nhiên, phía sau hai chữ “nể nang” của ông Giám đốc Ban Quản lý, người ta đã thấy một sự thật khác. Đó là bản hợp đồng liên kết với Công ty TNHH Phát triển Công nghệ (CFTD), đổi 53ha đất rừng của Vườn quốc gia để đối tác xây dựng dự án Khu nghỉ dưỡng và nhận về 8 tỉ đồng. Bỏ nhiều tỉ đồng ra đầu tư, ai chả sốt ruột. Nhưng dự án chưa được phê duyệt, chưa được cấp phép mà vẫn tiến hành xây dựng, đưa vào khai thác thì đó là lối "tiền trảm hậu tấu", biến sự việc thành chuyện đã rồi.
Trong khi giá một phòng nghỉ ở đây được nhân viên lễ tân tiết lộ là từ 1,8 triệu đến 4 triệu đồng/ngày đêm, thì với việc giao 53 ha rừng của Vườn quốc gia Ba Vì cho nhà đầu tư trong 50 năm để thu về vỏn vẹn 8 tỷ đồng, nghĩa là chỉ 3 triệu đồng/ha /mỗi năm, cái giá ấy liệu có đáng cho sự hy sinh tài nguyên và môi trường sinh thái! Vì thế, dư luận có lý khi hoài nghi về những khuất tất phía sau thái độ “ nể nang” mà ông Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Ba Vì đã nói để biện minh cho hành vi của mình.
Là Giám đốc Vườn quốc gia, được Nhà nước giao trách nhiệm trực tiếp trong việc quản lý, gìn giữ tài nguyên cho đất nước, ông đã không hoàn thành nhiệm vụ khi để công trình không phép mọc lên. Biết sai phạm của chủ đầu tư đã rõ ràng nhưng do “nể nang” nên cho xây dựng là ngụy biện. Thực thi pháp luật làm gì có chuyện nể nang! Dư luận cũng đặt câu hỏi, liệu có nhóm lợi ích nào chống lưng cho một công trình khủng được ngang nhiên xây dựng không phép giữa Vườn quốc gia như thế!
Bộ trưởng Bộ NN- PTNT đã ra quyết định dừng việc xây dựng đối với Khu nghỉ dưỡng 4 sao này, tổ chức thanh tra toàn diện và hứa sẽ xử lý đến nơi đến chốn. Nhưng điều dư luận quan tâm là không thể chỉ dừng lại ở mức phê bình nhắc nhở, mà hành vi sai phạm phải được mổ xẻ, quy trách nhiệm rõ ràng, làm rõ động cơ thực sự của cá nhân, tập thể trong vụ vi phạm này, xử lý nghiêm theo pháp luật để ngăn chặn tận gốc “bệnh dịch” xây dựng không phép, tránh tư duy phạt để cho tồn tại như lâu nay./.