Vụ thảm sát tại Bình Phước: Chủ động ngăn ngừa tội ác
VOV.VN - Hãy chung tay chủ động ngăn ngừa tội ác để bảo vệ cuộc sống bình yên cho con người
Vụ thảm sát 6 người trong một gia đình ở Bình Phước mới đây một lần nữa lại làm rúng động dư luận, gây hang mang trong cộng đồng. Những kẻ thủ ác rồi đây sẽ bị pháp luật nghiêm trị. Nhưng hậu quả của vụ án để lại cho xã hội là thực sự nặng nề, khiến mỗi người phải âu lo. Vấn đề đặt ra là, hãy chung tay chủ động ngăn ngừa tội ác để bảo vệ cuộc sống bình yên cho con người.
Lực lượng công an khám hiện trường vụ tham sát 6 người ở Bình Phước |
Có thể nói, nhiều vụ án giết người cướp của xảy ra gần đây khiến người dân có cảm giác mức độ tàn bạo, dã man, phi nhân tính của hành vi phạm tội đang có chiều hướng gia tăng. Điều đó cũng làm lớn hơn nỗi lo về an ninh, an toàn của mỗi người trong cuộc sống.
Cái mà xã hội âu lo nhất là khi đạo lí làm người ở một bộ phận dân cư đang bị xói mòn, dẫn đến những hành động thú tính, coi tội ác như trò tiêu khiển. Từ những vụ ném đá xe khách mà thủ phạm là những thanh thiếu niên suốt ngày tụ tập ăn chơi lêu lổng, không khỏi giật mình khi nghe các đối tượng lạnh lùng khai nhận chỉ là “ném đá cho vui”; đến những vụ giết người cướp của như Lê Văn Luyện ở Bắc Giang, cũng chỉ xuất phát từ suy nghĩ muốn có nhiều tiền để tiêu xài. Còn nghi phạm trong vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước thì khai ráo hoảnh là vì bị ngăn cấm yêu đương nên trả thù cho hả giận; còn đồng phạm thì chỉ vì lời hứa cho tiền mà sẵn sàng tham gia vào kế hoạch trả thù nhẹ nhàng như nhận lời mời tham gia một cuộc vui nào đó.
Tội ác là một hiện tượng xã hội, có ở mọi nơi, mọi lúc. Chúng ta không thể lẩn tránh, mà phải tìm cách ngăn chặn nó. Các nhà hoạt động xã hội và chuyên gia tâm lý cho rằng cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Gia đình và nhà trường tăng cường hơn nữa việc giáo dục, rèn luyện đạo đức, nhân cách cho con cái ngay từ khi còn trẻ thơ; khuyến khích xây dựng lối sống cởi mở, ứng xử ôn hòa, thân thiện; Phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, xây dựng ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, tạo nhiều sân chơi cho thanh thiếu niên, giúp họ tránh xa tệ nạn xã hội…
Nhưng trên hết, chính quyền các cấp phải là người chịu trách nhiệm chính trong việc duy trì trật tự xã hội. Bộ máy thực thi pháp luật phải được tổ chức và hoạt động nhạy bén hơn, hữu hiệu hơn, công tác quản lý vũ khí và các công cụ hỗ trợ có thể dùng để gây án phải chặt chẽ hơn nữa. Trong điều kiện tội phạm có dấu hiệu gia tăng, mức độ nghiêm trọng có chiều hướng lên cao, cần áp dụng những hình phạt thật nghiêm khắc để răn đe.
Dù bộ máy thực thi pháp luật được tổ chức tốt đến mấy, tinh thông, chuyên nghiệp cỡ nào thì cũng không thể quán xuyến hết ở mọi lúc, mọi nơi. Vì vậy, phải phát huy vai trò tự quản, tự vệ của cộng đồng. Mỗi người, mỗi nhà cần cảnh giác và chủ động phòng ngừa tội phạm. Các khu dân cư cần tổ chức đội tự vệ, dân phòng đủ khả năng ứng phó với tội phạm trong trường hợp khẩn cấp, trước khi có sự can thiệp của cơ quan chức năng; kịp thời thông tin cho cơ quan chức năng qua đường dây nóng về những hiện tượng bất thường, đáng nghi. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần tích cực hơn nữa trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin do người dân cung cấp./.